Không giống với khi mới sinh, trẻ 3 tháng tuổi đã linh động và hoạt bát hơn. Đây cũng là mốc thời gian được nhiều cha mẹ vô cùng mong chờ. Vì vậy, cách chăm sóc bé thế nào trong giai đoạn này cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh.
Khi bước vào tháng thứ 3, trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt so với các giai đoạn trước. Nắm được đặc trưng sự phát triển của bé trong thời kỳ này sẽ là căn cứ giúp cha mẹ chăm sóc con mình được đúng cách, bài bản và khoa học hơn.
Chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi đúng cách dựa trên sự phát triển của bé
1. Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi
Về chiều cao, cân nặng
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO: trẻ sơ sinh ở giai đoạn tháng thứ 3 có cân nặng dao động khoảng tầm 5.2 kg đến 6.6 kg đối với bé gái và 5.7 kg đến 7.2 kg đối với bé trai là đạt tiêu chuẩn. Dựa vào số cân nặng tiêu chuẩn mà cha mẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn của bé sao cho phù hợp. Chiều cao của trẻ trong giai đoạn này trong mức từ 55,6 cm - 64 cm.
Về ngôn ngữ
- Trẻ đã có phát triển khá rõ rệt về ngôn ngữ, có thể nói chuyện ê a và cười nhiều hơn.
- Bé nghe được rõ các âm thanh xung quanh, phân biệt được những âm thanh khác với giọng nói.
Về nhận thức và khả năng của các giác quan
Ở giai đoạn này, đã có sự thay đổi trong nhận thức của trẻ so với giai đoạn trước đó như:
- Bé đã nhận ra và nhớ được bố mẹ, các thành viên của gia đình.
- Có thể quan tâm lâu đến một sự vật nào đó.
- Phân biệt, nhận biết được khoảng cách gần - xa.
- Có thể thôi khóc khi thấy một ai đó xuất hiện.
- Chán khi nghe thấy các âm thanh hoặc nhìn thấy hình ảnh quen thuộc.
- Dùng tay khám phá các bộ phận trên khuôn mặt.
- Đã có thể tương tác lại với những người nói chuyện cùng mình hoặc các đồ vật xung quanh.
- Các giác quan như thính giác, thị giác...có sự thay đổi lớn. Mắt mở to hơn, thực hiện nhiều các động tác như vặn vẹo, cử động hơn.
Về mặt xã hội
- Khi có một nhu cầu về vấn đề nào đó thì trẻ sẽ khóc.
- Lúc này, bé đã biết bộc lộ cảm xúc trên khuôn mặt. Ví dụ trẻ sẽ khóc nếu thấy mẹ đi chỗ khác hoặc cười lại nếu mẹ vui đùa.
2. Cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi đúng cách
Đảm bảo về dinh dưỡng
- Trong giai đoạn này, trẻ sẽ cần được cung cấp một lượng sữa nhiều hơn (trung bình khoảng 900ml/ngày với 170-200ml mỗi lần bú). Vì vậy mà mẹ cần chú ý hơn để có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp bé phát triển khỏe mạnh.
- Cho trẻ bú sữa theo nhu cầu và đúng lúc để giúp trẻ hấp thu tốt hơn. Đối với những trẻ bú sữa mẹ, mẹ nên cho bé bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bầu vú kia. Nếu mẹ dư sữa, sau khi cho trẻ bú xong thì nên vắt sữa ra để tránh bị tắc tia sữa và kích thích sản xuất sữa mới.
Nên cho trẻ bú sữa theo nhu cầu và đúng lúc
- Trong tháng thứ 3, có một “giai đoạn phát triển tăng vọt” mà cha mẹ cần phải lưu ý để tạo điều kiện cho con phát triển tối đa. Giai đoạn này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn (vài ngày đến 1 tuần) với các biểu hiện ở trẻ như sau: nhanh đói, bú nhiều, ngủ nhiều, tăng cân nhanh, cáu kỉnh, quấy khóc, bám mẹ...Khi đó cần phải đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của trẻ.
- Cho trẻ tắm nắng đúng cách để có thể nhận đủ vitamin D, giúp phát triển hệ xương chắc khỏe.
Thường xuyên giao tiếp với trẻ
- Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, chơi đùa, tiếp xúc da với trẻ để kích thích sự phát triển của các giác quan của trẻ, tăng cường sự gắn kết, yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Một số trò chơi dành cho trẻ 3 tháng tuổi có thể áp dụng như: “ú òa”, cầm nắm, cho bé nghe nhạc….
Trong khi nói chuyện với bé, cha mẹ nên điều tiết âm thanh lên xuống nhịp nhàng. Bắt đầu từ giọng nói nhỏ nhẹ, sau đó lên cao hơn hoặc ngân nga những bài hát, đoạn thơ có tiết tấu vui vẻ cũng khiến bé thích thú tập trung.
Cha mẹ nên thường xuyên chơi đùa, trò chuyện với bé
- Chú ý đến sự phát triển của con để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về trí tuệ. Nếu có thể thì nên cho bé đi khám định kỳ thường xuyên là tốt nhất.
Chú ý đến giấc ngủ của bé
- Vì giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng, giúp bé có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng, sản sinh các hormone tăng trưởng nên cần phải đảm bảo cho trẻ ngủ đủ và ngủ ngon.
- Khi 3 tháng tuổi, trẻ sẽ cần ngủ khoảng 15 tiếng mỗi ngày (gồm 10 tiếng vào ban đêm và 5 tiếng ban ngày). Trẻ sẽ có 2 giấc ngủ dài vào ban đêm và buổi trưa, các giấc ngủ vào buổi sáng, chiều và đầu giờ tối sẽ ngắn hơn.
- Để giúp bé ngủ ngon và có một giấc ngủ chất lượng, cha mẹ cần lưu ý thực hiện những điều sau:
+ Giữ không gian ngủ của bé thoáng mát, yên tĩnh.
+ Tốt nhất là tắt điện khi trẻ ngủ.
+ Lúc bé ngủ, thường xuyên kiểm tra bụng, lưng của trẻ để điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho hợp lý, tránh quá nóng hoặc quá lạnh.
- Ngoài lúc ngủ, phụ huynh cũng có thể cho trẻ ra ngoài để dần làm quen với môi trường xung quanh.
3. Những lưu ý an toàn cho trẻ 3 tháng tuổi
- Trẻ đã cứng cáp hơn, có thể quay đầu, lật người, xoay người nên rất dễ bị ngã. Vì vậy tuyệt đối không đặt bé trên giường hoặc trên bàn một mình. Nếu cha mẹ bận việc khó có thể để mắt tới trẻ thì có thể đặt bé trong cũi hoặc trên mặt phẳng đảm bảo độ an toàn.
- Để những vật nhỏ hay các món đồ chơi có chất liệu độc hại xa tầm tay của bé để tránh trẻ cho đồ vật vào miệng.
- Khi đi ô tô thì cần phải chuẩn bị ghế riêng cho trẻ hoặc có người bế, không nên đặt bé theo kiểu nửa nằm nửa ngồi trên ghế vì xương cổ trẻ em lúc này còn yếu, dễ bị chấn thương.
- Cho trẻ mặc những trang phục thoải mái, rộng rãi, tránh các quần áo gò bó vì có thể làm bé khó chịu hoặc ngạt thở.
Cha mẹ hãy tham khảo những thông tin trên đây để có thể chăm sóc cho trẻ 3 tháng tuổi một cách tốt nhất.