Trẻ 8 tháng tuổi: Mẹ phải chăm sóc như thế nào?

Ngày 07/09/2017 16:00 PM (GMT+7)

Trẻ 8 tháng tuổi rất hiếu động và tò mò nên mẹ sẽ bận rộn trong việc trông chừng con tránh xa mọi sự nguy hiểm.

1. Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì chiều cao và cân nặng của trẻ 8 tháng tuổi thông thường như sau:

- Bé trai 8 tháng có cân nặng từ 7.0 - 10.5 kg, chiều cao từ 66.5 - 74.7 cm

- Bé gái 8 tháng có cân nặng từ 6.3 - 10.0 kg, chiều cao từ 64.3 - 73.2 cm

2. Cách chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi

Thời gian ăn ngủ

Khi 8 tháng, bé có thể ngủ qua đêm mà không cần cho ăn. Tuy nhiên một số bé sẽ vẫn cần 1 đến 2 lần cho ăn trong đêm cho đến khi đủ 9 tháng tuổi. Con cần ngủ 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 2-3 giờ, cộng thêm 11-12 giờ ngủ vào ban đêm.

Trẻ 8 tháng tuổi: Mẹ phải chăm sóc như thế nào? - 1

Bé trai 8 tháng nặng trung bình  7.0 - 10.5 kg. Ảnh minh họa

Cách giao tiếp với bé

Khi 8 tháng, những tiếng bi bô của bé sẽ bắt đầu có ý nghĩa. Mẹ sẽ thấy con gọi bà hoặc mẹ đồng thời hướng ánh mắt về phía người được gọi. Trẻ có thể hiểu được một vài từ đơn giản như “tạm biệt”, “sữa” và có thể thực hiện theo các câu lệnh đơn giản như chào tạm biệt mọi người.

Ba mẹ nên nói chuyện nhiều với con về mọi việc ở trong nhà. Việc này sẽ giúp bé học được thêm nhiều từ mới và phát triển khả năng giao tiếp tốt hơn. Hãy lắng nghe và đáp lại những lời bập bẹ của bé. Con sẽ cảm thấy được yêu quý và lắng nghe. Vào thời gian này, bé rất thích nghe giọng nói của ba mẹ và chú ý đến những biểu cảm trên gương mặt người nói chuyện.

Trẻ 8 tháng tuổi cũng rất thích chơi với ba mẹ. Vì vậy ba mẹ hãy dành nhiều thời gian để hát, chơi giấu đồ, làm mặt cười... cùng con. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy thân thiết và gần gũi hơn với gia đình.

Đọc truyện cho con cũng là cách giao tiếp rất tốt. Mẹ hãy miêu tả các bức tranh trong sách để giúp con tăng khả năng tưởng tượng.

Chọn đồ cho bé

Khi mua đồ cho con mẹ nên chọn theo chiều cao và cân nặng của bé để có thể chọn kích cỡ phù hợp nhất. Trong giai đoạn này bé phát triển rất nhanh nên mẹ không nên mua quá nhiều quần áo tránh lãng phí.

Chất liệu mềm mại, thoáng mát, thấm mồ hôi không gây kích ứng da vẫn là ưu tiên số một. Mẹ nên mua đồ màu trắng để tránh phẩm nhuộm. Trẻ 8 tháng tuổi đã có thể cầm nắm đồ vật nhỏ nên quần áo cần tránh cúc, các chi tiết trang trí nhỏ mà bé có thể bứt ra.

3. Chế độ ăn cho trẻ 8 tháng tuổi

Giai đoạn này sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính để giúp bé phát triển. Vì bé đã ăn dặm nên sẽ bú ít sữa đi so với các tháng trước. Tuy nhiên, con vẫn cần bú mẹ khoảng 4 lần một ngày.

Trẻ 8 tháng tuổi: Mẹ phải chăm sóc như thế nào? - 2

Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé. Ảnh minh họa.

Đối với các bữa ăn dặm mẹ nên cho con ăn bột ngũ cốc, hoa quả, rau cải và các loại thịt nghiền. Một số bé sẽ rất hứng thú với việc ăn dặm trong khi một số sẽ thờ ơ. Sau đây là các lời khuyên cho chế độ ăn dặm của trẻ 8 tháng tuổi:

- Ít nhất 3 bữa ăn dặm mỗi ngày

- Một ngày cho bé uống không quá 60-120ml nước để đảm bảo con vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức đầy đủ.

- 2-3 phần ngũ cốc trẻ em một ngày. (1 phần = 1 thìa cà phê)

- 2-3 phần rau cải 

- 1 phần protein

- 1 phần sữa ( 1 phần = ½ cốc sữa chua)

4. Trẻ 8 tháng tuổi biết làm những gì?

Bé lúc này đã có rất nhiều kĩ năng mới, có thể bám vào cũi để đứng lên. Trong 1-2 tháng tới, bé sẽ chập chững những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên mẹ cũng đừng quá lo lắng nếu con chưa chịu tập đứng vì một số bé sẽ mất nhiều thời gian hơn từ lúc biết bò cho đến lúc biết đi. Điều này không hề làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Ở độ tuổi này, con bắt đầu học cách phối hợp các kỹ năng vận động để làm điều mình muốn. Con có thể phát hiện đồ chơi từ các phòng và bò đi tìm - nhặt chúng. Thao tác tay của bé cũng thành thục hơn. Con có thể đập đồ chơi vào nhau, ném một quả bóng hoặc xếp các cốc chồng vào nhau.

5. Chọn đồ chơi cho trẻ 8 tháng tuổi

Các ngón tay của bé đã có thể nhặt những vật nhỏ và bỏ vào miệng. Vì vậy mẹ cần bỏ đi bất cứ đồ chơi hoặc đồ vật nhỏ xung quanh bởi những thứ đó có thể khiến con bị nghẹt thở. Nếu bé có anh chị em ruột lớn hơn 3 tuổi nên tách riêng khu vui chơi và nhắc anh chị chú ý không để đồ nhỏ gần bé.

Các đồ chơi có màu sắc sáng sủa sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của bé hơn. Trẻ 8 tháng rất tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh. Bé muốn chạm, sờ và nếm thử mọi thứ. Bởi vậy mẹ cần chọn đồ chơi làm từ chất liệu an toàn để không gây hại khi bé cắn thử.

6. Thực phẩm nên và không nên cho trẻ 8 tháng tuổi

Mẹ nên cho con ăn các loại trái cây như chuối, đào, lê, khoai lang, thịt nghiền nấu chín và bột ngũ cốc cho trẻ. Thức ăn cho con cần nghiền nhỏ, tránh những loại đồ ăn gây nghẹt thở như cà rốt sống, nho tươi, nho khô và quả việt quất.

Ngoài ra, mẹ không cho bé ăn những đồ ăn này dù chúng có được băm nhỏ. Đặc biệt lòng trắng trứng, bơ lạc, sữa bò và mật ong là đồ ăn dễ gây dị ứng nên chỉ cho ăn khi bé đủ 1 tuổi.

7. Kiến thức khác về trẻ 8 tháng tuổi

Khi được 8 tháng, con sẽ có ý thức về bản thân và môi trường xung quanh tốt hơn. Con bắt đầu dự đoán được các thói quen hàng ngày như khi ở trong cũi nghĩa là đến giờ ngủ, khi ngồi trên ghế ăn nghĩa là đến giờ ăn. Con cũng đã bắt đầu nhận ra được sự liên kết giữa nguyên nhân và hậu quả như khi bỏ khăn ăn xuống đất mẹ sẽ nhặt lên.

Trẻ 8 tháng tuổi: Mẹ phải chăm sóc như thế nào? - 3

Trẻ 8 tháng tuổi bắt đầu biết mình thích và không thích điều gì. Ảnh minh họa.

Ở độ tuổi này, bé bắt đầu nhận ra mình thích gì và không thích gì. Đó là lý do mẹ sẽ thấy con cau có khi phải ăn bông cải xanh hay tỏ ra vui vẻ khi được ăn món yêu thích.

Ngoài ra, lúc này con đã có thể bò khắp nhà và rất hiếu động. Bởi vậy mẹ cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, bỏ tất cả mỹ phẩm, chất tẩy rửa, chất độc khỏi tầm tay của bé. Phòng tắm, tủ bếp cần khóa chặt. Cầu thang cần lắp rào chắn và các cửa ban công luôn đóng. Mẹ phải luôn để ý để bé không bò đi lung tung.

Mẹ không nên cho bé xem tivi cho đến khi đủ 2 tuổi dù đó có là chương trình giáo dục. Đọc, hát, nói chuyện là cách giải trí tốt nhất cho bé ở độ tuổi này.

Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ.

Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. 

Lê Ánh (Dịch từ Babycenter)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển của bé sơ sinh