Trẻ bị dị ứng thời tiết: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa

Ngày 16/03/2020 16:03 PM (GMT+7)

Khi khí hậu thay đổi hoặc thời tiết chuyển mùa khiến nhiều trẻ bị dị ứng thời tiết nặng. Do làn da trẻ thường rất mỏng manh và hệ miễn dịch yếu nên nếu bị dị ứng, cơ thể trẻ sẽ phản ứng ngay lập tức. Vậy trẻ bị dị ứng với thời tiết có triệu chứng nào, nguyên nhân và cách chữa ra sao?

Dị ứng thời tiết được hiểu chung là tình trạng cơ thể bị phản ứng quá mức trước sự thay đổi nhanh chóng và đột ngột về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và không khí. Bệnh dị ứng thời tiết thường xuất hiện tại những người có miễn dịch kém, cơ địa dễ nhạy cảm và dị ứng. Vào những ngày thời tiết hanh khô, lạnh hoặc nóng ẩm hoặc khí hậu trong giai đoạn chuyển mùa sẽ dẫn đến dị ứng thời tiết. 

Triệu chứng của trẻ bị dị ứng thời tiết 

Hầu hết, trẻ nhỏ bị dị ứng thời tiết thường gây ra một số tổn thương về da và một số các triệu chứng toàn thân. Những triệu chứng này thường có xu hướng khởi phát nhanh, đột ngột và lan tỏa nhanh chóng. Một số triệu chứng khi trẻ bị dị ứng thời tiết bao gồm:

- Trẻ bị dị ứng nổi mẩn đỏ, da sẩn ngứa, mọc tại một khu như mặt, cổ, ngực, chân tay hoặc lan tỏa khắp người  từng vùng dày đặc. 

Trẻ bị dị ứng thời tiết: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa - 1

Triệu chứng mẩn đỏ là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ bị dị ứng thời tiết. (Ảnh minh họa)

- Da bị nóng rát do tổn thương, khô ráp, bong tróc, nứt nẻ. 

- Những nốt đỏ trên da gây ngứa ẩm ỉ hoặc dữ dội khiến trẻ thường hay lấy tay cào.

- Trẻ bị nóng sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao.

- Cơ thể trẻ bị mất nước do mất cân bằng điện giải dẫn đến tình trạng trẻ bị chán ăn, kém tập trung và lười vận động, người uể oải.

Nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng do thời tiết 

Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này vẫn chủ yếu là do hệ miễn dịch của bé rất kém, thể trạng yếu. Hệ miễn dịch tạo ra kháng nguyên IgE nhằm giúp đối kháng với các yếu tố kích thích nhưng do sự thay đổi đột ngột khiến cơ thể bé không kịp thích nghi nên xảy ra dị ứng. 

Ngoài những yếu tố do cơ địa hoặc sự suy yếu của hệ miễn dịch, dị ứng thời tiết của trẻ nhỏ cũng dễ bị kích thích bởi các yếu tố gây nên như:

- Nhiệt độ thay đổi đột ngột.

- Độ ẩm xuống quá thấp.

- Sự xuất hiện của nấm mốc, phấn hoa, vi khuẩn và bụi bẩn trong không khí.

- Độ ẩm tăng cao và nhiệt độ nóng nhanh khiến da đổ nhiều mồ hôi gây ngứa và làm vi khuẩn tấn công nhanh hơn. 

Trẻ bị dị ứng thời tiết uống thuốc gì?

Một số loại thuốc dùng trong điều trị dị ứng thời tiết ở trẻ em chủ yếu bao gồm thuốc Epinephrine, thuốc kháng Histamine, kem bôi dưỡng ẩm… Tuy nhiên, việc dùng thuốc gì để điều trị dị ứng cho trẻ cần có sự chỉ định của bác sĩ qua quá trình thăm khám do cơ địa của trẻ rất nhạy cảm và dễ mẫn cảm với các loại thuốc điều trị dẫn đến các tác dụng phụ không đáng có.

Trẻ bị dị ứng thời tiết: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa - 2

Trẻ bị dị ứng thời tiết hoàn toàn có thể điều trị và phòng ngừa nhưng không nên chủ quan. (Ảnh minh họa)

Cách chữa dị ứng ở trẻ em như thế nào?

Trẻ em bị dị ứng thời tiết chỉ khỏi theo từng đợt, chứ không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Đối với một số trẻ, khi thời tiết ấm dần lên hoặc thời tiết ổn định, cơn ngứa cũng chấm dứt. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ gãi nhiều, xước xát chân tay hoặc luôn quấy khóc khó chịu, biếng ăn, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay. Dân gian có một số mẹo nhỏ để chữa dị ứng thời tiết ở trẻ em như:

- Pha chanh với một cốc nước ấm và mật ong: Với trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể làm cách này và cho bé uống vào mỗi buổi sáng sớm, đều đặn trong một vài tháng để tăng hệ miễn dịch cho trẻ. 

- Uống nước ép hoa quả thường xuyên: Đây được xem như một phương pháp chữa trị hiệu quả bởi uống thường xuyên sẽ tăng sức đề kháng và miễn dịch rất tốt. Từ đó, làm giảm tình trạng dị ứng thời tiết của trẻ.

- Luôn luôn giữ ấm cho trẻ: Đặc biệt khi thời tiết lạnh, mẹ không nên cho bé ra ngoài trời. 

- Tập thể dục thể thao: Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng, mức độ nhạy cảm của cơ địa. 

- Phòng tránh tiếp xúc: Tránh không cho trẻ tiếp xúc với một số yếu tố như phấn hoa, nấm mốc, lông chó mèo…

Trẻ bị dị ứng thời tiết: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa - 3

Trẻ em bị dị ứng thời tiết chỉ khỏi theo từng đợt, chứ không thể chữa khỏi vĩnh viễn. (Ảnh minh họa)

Phòng ngừa dị ứng thời tiết của trẻ em 

- Chú ý đến sự thay đổi của thời tiết, chủ động giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh. 

- Kiểm soát môi trường sống xung quanh gia đình.

- Chẩn đoán và điều trị đúng, cha mẹ không nên đoán mò nguyên nhân mà hãy tìm đến bác sĩ để kiểm tra.

- Chuẩn bị đối phó với dị ứng bằng cách chuẩn bị sẵn thuốc, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, cần có sự tham vấn từ các bác sĩ. 

Trẻ bị dị ứng thời tiết hoàn toàn có thể điều trị và phòng ngừa nhưng nếu chủ quan có thể tái phát nhiều lần và trở thành nguyên nhân mắc các bệnh lý cơ địa của trẻ sau này như: viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng… Vì vậy, nếu như thấy các dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên chủ động có các phương án điều trị, chăm sóc trẻ đúng cách. 

Trẻ bị hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì?
Thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa nên trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp, cảm lạnh, gây ra hắt hơi sổ mũi. Vậy trẻ bị hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì cho...

Linh Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp