Khi trẻ sơ sinh bị ho, mẹ cần phải tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh để điều trị đúng cách.
Trẻ sơ sinh bị ho là một hiện tượng phổ biến mẹ không cần quá lo lắng. Khi bé bị ho mẹ chỉ cần bình tĩnh làm theo các chỉ dẫn sau đây để giúp bé mau hồi phục sức khỏe.
NGUYÊN NHÂN TRẺ SƠ SINH BỊ HO
Trẻ sơ sinh bị ho có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các lý do phổ biến là dị ứng, cảm lạnh thông thường hoặc do môi trường ô nhiễm.
Ngoài ra bé có thể bị ho do các nguyên nhân nghiêm trọng hơn là do virus hợp bào đường hô hấp (RSV), viêm phổi, viêm xoang, ho gà, nuốt phải vật lạ.
Cụ thể, các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho như sau:
Dị ứng là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị ho. (Ảnh minh họa)
- Dị ứng: Nếu bé bị dị ứng với các chất có trong môi trường như bụi, lông chó mèo, phấn ho thì sẽ dẫn đến hắt hơi và ho nhiều. Khi bé bị dị ứng mẹ nên nói chuyện với bác sĩ Nhi khoa để được tư vấn cách chữa thích hợp.
- Cảm lạnh thông thường: Khi bị cảm lạnh bé sẽ có dấu hiệu ho, hắt hơi, sổ mũi, chán ăn và sốt nhẹ.
- Virus hợp bào đường hô hấp: Đây là một loại virus phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị ho. Các dấu hiệu nhiễm virus hợp bào có thể bị nhầm lẫn với cảm lạnh. Mẹ cần chú ý thei dõi vì RSV có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Nếu bé có triệu chứng giống như cảm lạnh cùng với ho nặng và thở khó khăn thì mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ.
- Ho gà: Triệu chứng bé bị mắc ho gà bao gồm ho nhiều, hắt hơi, sổ mũi và sốt cao.
- Viêm phế quản: Nếu bé có dấu hiệu ho kèm theo thở khò khè thì khả năng bé bị mắc viêm phế quản rất cao. Mẹ nên đưa bé đi khám để được chữa trị kịp thời.
CÁCH ĐIỀU TRỊ KHI TRẺ SƠ SINH BỊ HO
Khi trẻ sơ sinh bị ho mẹ không nên tự mua thuốc ho cho bé uống bởi vì trẻ dưới 3 tháng tuổi không được uống thuốc mà không có kê đơn của bác sĩ. Nếu bé bị viêm phế quản, ho gà, nhiễm virus hợp bào thì mẹ nên đưa bé đi khám để được chữa trị kịp thời.
Ngoài ra mẹ có thể thực hiện các phương pháp chữa ho tại nhà như sau:
Sữa mẹ giúp tăng cường sức đề kháng. (Ảnh minh họa)
- Cho bé bú mẹ thường xuyên: Trong sữa mẹ có kháng thể tự nhiên có thể giúp bé tăng sức đề kháng chống trọi với bệnh tật. Ngoài ra cho bé bú mẹ thường xuyên cũng giúp đảm bảo cơ thể bé không bị mất nước.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng bé: Hơi nước có khả năng làm dịu cơn ho. Vì vậy mẹ có thể bật máy tạo độ ẩm trong phòng để giúp bé được thoải mái.
- Vệ sinh mũi họng cho bé: Mẹ nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé. Khi được vệ sinh đúng cách bé sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
- Kê cao gối ngủ: Khi bé bị ho mẹ nên cho bé gối cao đầu khi ngủ. Cách này sẽ giúp bé giảm ho vào ban đêm để bé có thể ngủ được ngon giấc.
- Nghỉ ngơi điều độ: Điều quan trọng nhất khi trẻ sơ sinh bị ho là mẹ cần cho bé ngủ, nghỉ hợp lý để tăng cường sức khỏe.
KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI KHÁM BÁC SĨ?
Mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bé có các dấu hiệu sau:
- Thở khò khè.
- Khó thở.
- Sốt cao.
- Ho do cảm lạnh kéo dài hơn 5 ngày.