Khi trẻ sơ sinh bị đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, có nước, sủi bọt… bé có khả năng đã bị tiêu chảy. Vậy khi con bị tiêu chảy mẹ nên và không nên làm gì để giúp con đi ngoài bình thường, hết tiêu chảy?
Thông thường trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ đi ngoài từ 5 -7 lần/ngày. Phân lỏng hoặc mề, có màu vàng hoặc màu cam, xanh lục nhạt và có ít hạt trắng. Còn với bé bú thêm sữa công thức, sẽ đi ngoài ít hơn khoảng 1 - 3 lần/ngày. Phân mềm, và màu sắc tùy thuộc vào loại sữa công thức bé uống mà có màu xanh xám, nâu, vàng.
Trẻ sơ sinh bị đi ngoài nhiều với các dấu hiệu như:
- Đi ngoài nhiều hơn bình thường, đi liên tục
- Trẻ sơ sinh đi ngoài sủi bọt, nhiều nước, phân lỏng, có dịch nhầy, chuyển màu….
- Quấy khóc do đau bụng
- Bú ít, bỏ bú
- Sốt
- Nôn và trớ
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi trong 1 - 2 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trường hợp nặng bé mất nước nhiều sẽ gây suy thận, suy hô hấp thậm chí là tử vong. Bố mẹ hết sức lưu ý.
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đi ngoài nhiều
Nhiễm khuẩn
Đây là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy cụ thể như:
- Do virus (nguyên nhân phổ biến nhất): Rotavirus chiếm 40% các trường hợp trẻ bị bệnh. Bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông, ủ bệnh từ 12 giờ - 5 ngày. Bệnh kéo dài 3 ngày đến 1 tuần.
- Do vi khuẩn: Coli gây bệnh, lỵ trực trùng (Shigella), tụ cầu, tả...
- Nhiễm ký sinh trùng qua thức ăn hoặc nước uống.
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh (Ảnh internet)
Dị ứng với sữa
Chế độ ăn của mẹ không khoa học, đảm bảo vệ sinh, các loại thực phẩm có mùi tanh, cay nóng, chất kích thích... khiến trẻ bị dị ứng với sữa mẹ. Sữa công thức không phù hợp với bé khi chứa lượng đường cao cũng dẫn đến hiện tượng bé bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều.
Thay đổi chế độ ăn đột ngột
Bé đang bú sữa mẹ rồi đột ngột chuyển qua bú sữa công thức khiến bé dễ bị đi ngoài do không quen, hợp loại sữa thông thường bé vẫn hay bú.
Ăn dặm quá sớm cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đi ngoài nhiều lần có nước do hệ tiêu hóa của bé còn yếu, non nớt, nhạy cảm chưa quen được với thực phẩm mới.
Rối loạn tiêu hóa
Trẻ bị rối loạn chức năng ruột như hội chứng kích ruột gây nên hoạt động bất thường của dạ dày và ruột.
2. Trẻ sơ sinh bị đi ngoài mẹ nên làm gì?
Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng, phân có nước… các mẹ khá lo lắng, hoang mang không biết cách xử trí thế nào. Trẻ đi ngoài ở thể nhẹ sẽ có thể tự khỏi trong 1 - 2 ngày nếu được chăm sóc tốt đúng cách. Mẹ có thể tham khảo các cách chăm sóc sau.
Tăng cữ bú cho bé
Sữa mẹ là giải pháp trị tiêu chảy cho bé an toàn, hiệu quả cao nhất. Trong sữa mẹ chứa các vitamin và khoáng chất tốt giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, cung cấp dưỡng chất cho cơ thể giúp bé khỏe, hệ tiêu hóa ổn định hơn.
Khi trẻ đi ngoài nhiều lần mẹ nên tăng cữ bú nhiều hơn bình thường đẻ con có sức đề kháng tốt hơn, khỏe hơn. Tuy nhiên mẹ nên cho bé bú lượng sữa vừa đủ, không bú quá no.
Sữa mẹ là giải pháp trị tiêu chảy cho bé an toàn, hiệu quả cao nhất (Ảnh internet)
Bù nước qua bú mẹ
Trẻ sơ sinh bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, đó đó mẹ chỉ cần cho con bú bằng sữa mẹ là đủ.
Thay đổi tã thường xuyên
Không để bé ẩm ướt trong chiếc tã bẩn do tiêu chảy để tránh hăm lở và nhiễm trùng da.
Chế độ ăn của mẹ
Sữa mẹ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển của con. Nếu mẹ ăn uống không khoa học, đồ ăn không phù hợp sẽ khiến tình trạng tiêu chảy ở bé nặng hơn.
Tốt nhất mẹ nên tránh những thực phẩm gây nóng, đồ tanh, chất kích thích và ăn chín uống sôi để đảm bảo nguồn sữa chất lượng, tốt nhất cho con yêu.
Để trẻ nghỉ ngơi
Trẻ đi ngoài nhiều khá mệt mỏi, quấy khóc mẹ nên để bé được nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái trong trong phòng thoáng đãng, kín gió, yên tĩnh.
Khi được ngủ đủ giấc, ngủ ngon bé sẽ khỏe hơn, hạn chế tình trạng đi ngoài phân có nước.
Vệ sinh sạch sẽ
Sau khi bé đi ngoài, mẹ cần vệ sinh sạch sẽ tay chân, mông, bẹn cho con để đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập gây bệnh. Ngoài ra khi sơ chế đồ ăn, mẹ cần phải đảm bảo rửa sạch thực phẩm, tay trước và sau khi nấu ăn.
Đưa trẻ đến bệnh viện
Nếu trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt và nhầy kèm máu, tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, bỏ ăn… mẹ nên đưa bé đi bệnh viện để được điều trị tốt nhất.
Tiêu chảy lâu ngày, kéo dài ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, sau 1 - 2 ngày không thấy bé hết các triệu chứng tiêu chảy bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện, tránh điều trị tại nhà sẽ dẫn đến biến chứng, tình trạng bệnh nặng hơn.
Mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ khi bệnh tiến triển xấu (Ảnh internet)
3. Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ không nên làm gì?
Không cho trẻ nhỏ dùng đường
Tránh các chất lỏng có vị ngọt bao gồm cả trà gừng, nước đường và nước trái cây pha loãng. Tất cả những loại thức uống chứa đường sẽ làm nước rút vào ruột và khiến cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn.
Không tự ý cho trẻ uống thuốc tiêu chảy
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy uống thuốc gì là câu hỏi được nhiều mẹ quan tâm. Tùy trường hợp bệnh, trẻ sẽ được bác sĩ kê đơn chỉ định liều dùng nếu cần thiết.
Mẹ không nên tự ý mua thuốc tiêu chảy cho bé uống - điều này rất nguy hiểm, gây hại tới sức khỏe của con. Do đó mẹ tuyệt đối không được cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào nếu bác sĩ không chỉ định.
Không dùng các bài thuốc dân gian trị tiêu chảy cho trẻ
Chữa đi ngoài cho trẻ sơ sinh bằng búp ổi, ăn hồng xiêm xanh, chuối xanh... là mẹo được nhiều mẹ truyền tai nhau, tuy nhiên với trẻ sơ sinh mẹ không nên áp dụng các mẹo chữa bằng lá cây cho bé để tránh trường hợp bé bị dị ứng, bệnh nặng hơn.
Không cho bé uống các loại nước thảo mộc, nước trái cây
Các loại nước thảo mộc như nước gừng, nước gạo rang… các loại nước trái cây như cà rốt, rau sam…
Các loại nước này chỉ có thể sử dụng cho trẻ trên 1 tuổi, hệ tiêu hóa đã ổn định còn với trẻ sơ sinh mẹ không cho bé uống nước gì ngoài sữa mẹ để đảm bảo an toàn tốt nhất cho con.
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tiêu chảy do hệ tiêu hóa còn non nớt, sức đề kháng kém. Tuy nhiên bệnh sẽ tự khỏi trong 2 ngày nếu mẹ chăm sóc con đúng cách, tốt. Riêng với trường hợp nặng có biểu hiện đi ngoài ra máu, đi liên tục, lâu không khỏi mẹ nên đưa trẻ đi bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo Bs. Văn Bàng trên báo Sức khỏe & Đời sống, trẻ sơ sinh bình thường (đặc biệt những trẻ bú mẹ) thường đi tiêu sau mỗi cữ bú. Bé thường đi 5-10 lần trong một ngày, phân sệt, màu vàng sậm, trẻ tăng cân tốt. Nếu trẻ bú không đủ, phân có màu xanh lẫn nước nhưng lượng ít. Nếu trẻ bú nhiều quá, mẹ uống thuốc xổ hoặc ăn thức ăn nhuận tràng thì trẻ bú mẹ có thể bị tiêu chảy. Một số nguyên nhân khác gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh bao gồm: nhiễm trùng, dị ứng sữa, hội chứng kém hấp thu. Ngoài ra, nếu bé bú mẹ thì mẹ cần lưu ý chế độ ăn của mẹ, tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo no, rán, nướng... Nên chọn các thực phẩm lành như thịt nạc, gà, sữa chua, bánh mỳ có kèm nhiều rau, hoa quả, cháo.... |