Một lần nọ khi tôi đang xếp hàng dài ở siêu thị chờ thanh toán thì bà mẹ dẫn con gái một cô bé chen ngang.
Có lần tôi bắt gặp một vị phụ huynh đang “nói thầm” với con mình trước quầy mua vé xem phim:
Con nhớ nói với chú kia là con chỉ năm tuổi thôi nhé.
Đứa bé dậm chân phụng phịu: nhưng con mới vừa đi học lớp Một. Con lên sáu tuổi rồi cơ mà.
Bà mẹ đưa tay lên miệng ra dấu “suỵt” nhưng đứa trẻ vẫn có vẻ ấm ức: Nhưng dưới 5 tuổi là vé được giảm những 50% cơ đấy. Con mà nói ra tuổi thật là mẹ lại phải mất thêm tiền mua vé. Trông con vẫn còn bé thế này cơ mà, nói 5 tuổi là ai cũng tin. Con không việc gì phải sợ.
Cuối cùng bà mẹ và đứa trẻ vẫn mua được hai chiếc vé xem phim. Một vé cho người lớn và một vé giảm giá. Người mẹ cười hớn hở gõ vào đầu con mình: Ngốc nhỉ, không nghe lời mẹ thì có mà thiệt nhé. Tiền thừa này mẹ con mình mua bỏng ngô hoặc nước ngọt có phải hơn không.
Lần khác tôi được tham dự một buổi giới thiệu sách cho thiếu nhi. Ban tổ chức đặt trên bàn các vị khách tham gia những chai nước suối và nước ngọt. Sau buổi giới thiệu, những chai nước của khách vẫn còn nhiều. Tôi ra ngoài cửa phòng, lại thấy một bà mẹ “nhắn nhủ” với cô con gái: Con cứ vào trong kia rồi lấy hết các chai nước ra đây, mình mang về nhà uống cho đỡ phí. Cô con gái chị khoảng sáu hay bảy tuổi cứ vô tư chạy vào bên trong, thu gom những chai nước con nguyên trên bàn, nhét vào chiếc túi ni lông mẹ đưa sẵn rồi ì ạch mang ra. Cô bé còn nhắn với mẹ: Còn nhiều nước lắm nhưng con không mang ra được, hay bây giờ mẹ con mình mang túi nước này ra cốp xe, rồi con lại chạy lên lấy tiếp nhé…
Trẻ thiếu văn minh cũng là do cha mẹ dạy. (ảnh minh hoạ)
Một lần nọ khi tôi đang xếp hàng dài ở siêu thị để chờ thanh toán tiền thì một cô bé chen ngang trước tôi và nhiều người khác rồi ngay lập tức dí dí túi đồ của mình cho nhân viên siêu thị thanh toán. Cô nhân viên hỏi: Cháu bé phải xếp hàng chứ, sao lại chen lên đây để đòi trả tiền trước bao nhiêu người? Cô bé không nói gì, chỉ lầm lũi kéo túi đồ xuống và lùi lại vị trí xếp hàng sau hai người (nhưng tất nhiên là cô bé đó vẫn nhảy hàng trước nhiều người đã đến trước cô). Thực ra nhiều người lớn đứng đằng sau thừa biết là cô bé vẫn chen hàng, nhưng có lẽ họ nể nang số hàng trong giỏ của cô bé không đến nỗi nhiều lắm, cộng thêm vấn đề chẳng ai muốn đôi co với con nít làm gì.
Lúc bé kia đến lượt thanh toán, vì không thấy ai phải đối gì nên cô nhân viên cũng đồng ý bấm máy, lúc cô đọc số tiến thì em bé kia quay ra phía ngoài gọi to: Mẹ ơi, ba trăm mười bốn ngàn mẹ ạ. Con mà không xếp hàng cho mẹ thì còn lâu mẹ mới được trả tiền ngay nhé. Người mẹ chạy vào trả tiền, gương mặt thoáng chút xấu hổ trước lời phát biểu vô tư của con rồi nhanh chóng kéo cô bé ra ngoài cửa trước cái lắc đầu ngao ngán của không ít người trong siêu thị.
Nhiều bố mẹ chỉ vì một ít lợi nhỏ mà biến con mình trở thành “công cụ” để giúp họ thực hiện những ý đồ xấu. Chúng ta không nên trách cứ bọn trẻ bởi bản chất chúng vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng. Chúng làm những việc không tốt chỉ bởi chúng chưa đủ lớn để nhận thức được điều gì là đúng, điều gì là sai. Chúng hồn nhiên làm, hồn nhiên nghe lời vì bố mẹ bảo thế cơ mà. Chúng cần được người lớn chỉ bảo, dạy dỗ để phân biệt những điều hay, lẽ phải.
Một khi những người lớn thường xuyên xui trẻ làm những việc không tốt để có lợi cho mình, trẻ sẽ dần dần biết nói dối, biết mưu lợi, học được cách khôn lỏi để hơn những bạn khác… Tới khi những tính cách của trẻ hình thành, tới khi trẻ mắc lỗi với bố mẹ mình bằng chính những tính cách mà trẻ học được qua những “nhiệm vụ” mà ngày bé hay được bố mẹ giao phó, liệu bố mẹ có còn vui, có còn tự hào vì con mình hơn người, con mình rất khôn khéo chỉ bằng những trò lỏi?
Bố mẹ đang dạy con hư chỉ bằng những việc rất tầm phào ấy. Trẻ nhỏ là tấm gương phản chiếu của người lớn. Nếu bé hư, trước tiên đừng nên trách trẻ mà nên nhìn lại chính bản thân mình.