Theo TS. Vũ Thu Hương, bà đã thử rất nhiều lần, phản ứng của đứa trẻ khi được chào thì bé sẽ chào lại, giống như là một phản xạ, phản hồi lại thông tin người khác đưa ra cho mình.
Tết trong ký ức trẻ thơ luôn là những ngày thật đẹp, được mặc quần áo mới, được cùng cả nhà đi thăm ông bà, cô dì chú bác, và được lì xì. Do đó, tâm lý chung của con trẻ những ngày này luôn coi mình là “trung tâm của vũ trụ”, được chiều và dù có làm gì sai thì bố mẹ cũng không mắng hoặc ít khi phạt bởi vì… Tết.
Chính vì suy nghĩ đó mà nhiều trẻ có những ứng xử thiếu chừng mực hoặc khi gặp người lớn không chào hỏi khiến không ít cha mẹ cảm thấy khó xử và "muối mặt" với họ hàng, bạn bè. Cách cư xử của con một phần có thể do thường ngày cha mẹ bận rộn với công việc mà không để ý đến những hành xử của con với người khác, nên vô tình đã hình thành thói quen ở trẻ.
Dưới đây, TS. Vũ Thu Hương, Khoa giáo dục tiểu học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội sẽ có những chia sẻ về cách dạy con để trẻ có những ứng xử đúng mực ngày Tết.
Người lớn nên chủ động chào trước để con tiếp thu. (Ảnh minh họa)
“Sao người lớn không chào con mà bắt con chào?”
Câu hỏi tưởng như ngô nghê của con trẻ lại khiến người lớn chột dạ suy nghĩ. Đó là câu chuyện từ Tết năm ngoái của chị Trang Nhung (Hà Nam). Mồng 4 Tết khi khách đến nhà chơi, bé Tuấn Anh (5 tuổi) - con chị Nhung, đang chăm chú vào màn hình ti vi, thấy khách đến bé chỉ quay ra nhìn rồi lại tiếp tục với bộ phim hoạt hình yêu thích.
Chị Nhung yêu cầu con chào khách 2 lần mà con vẫn coi như không nghe thấy gì, đến lần thứ 3, thấy mẹ có vẻ hơi cáu nên Tuấn Anh quay ra chào và kèm theo câu nói phụng phịu: “Sao người lớn đến nhà không chào con trước mà toàn bắt con chào?”.
“Lúc đó xấu hổ vô cùng vì sự vô lễ của con, vì đang có khách nên mình chỉ bảo con ra chỗ khác chơi. Nhưng sau đó suy nghĩ lại, mình thấy con nói cũng có lý, chắc tại mình dạy con chưa đúng” – Chị Nhung chia sẻ.
Khác với chị Nhung, chị Tuyết Mai (Hà Nội) thì lại bẽ mặt trong một tình huống khác. Do lấy chồng xa nên mồng 5 Tết cả gia đình mới về ngoại đón Tết, vừa về đến nơi con chẳng chào hỏi ai mà sà luôn xuống mâm cỗ đã bày sẵn lấy tay bốc miếng chả ăn trong sự ngạc nhiên của mọi người. Gia đình không ai trách con trẻ mà lấy thêm đồ ăn cho con vì nghĩ con đi đường xa nên đói. Nhưng chị Mai vẫn luôn tự trách bản thân vì đã không dạy con "đến nơi đến chốn".
Chị Mai cảm thấy "bẽ mặt" khi con ăn uống hơi vô phép. (Ảnh minh họa)
Thực tế, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh màn chào hỏi ngày Tết, có thể đó chỉ là phép lịch sự xã giao, nhưng nó lại thể hiện văn hóa ứng xử của trẻ cũng như phản ánh phần nào cách dạy con của mỗi gia đình.
Thời điểm dạy con cách chào hỏi thích hợp nhất
TS. Vũ Thu Hương cho rằng ngay khi con bắt đầu học nói thì bố mẹ đã phải dạy con cách chào hỏi. Khi bố mẹ chào con 1000 lần thì may ra con mới chào lại 100 lần. Có như vậy thì trẻ mới hình thành phản xạ và có phản ứng chào trước mặt mọi người. Do vậy ngay từ khi con khoảng 2, 3 tuổi thì bố mẹ nên hình thành thói quen chào và cũng đề nghị tất cả mọi người khi gặp con thì việc đầu tiên là người lớn chào rồi trẻ sẽ chào lại.
Cha mẹ nên dạy con chào hỏi ngay từ khi con bắt đầu học nói. (Ảnh minh họa)
“Chúng ta không có thói quen người lớn chào trẻ em mà chúng ta chỉ đòi hỏi trẻ em chào người lớn thì nó mâu thuẫn và đứa trẻ sẽ không đáp ứng được. Do vậy câu chào sẽ trở thành gượng ép chứ không tự nguyện. Vì vậy trước tiên bố mẹ phải chào trước và chào đúng trước mặt con, chào câu đầy đủ cả chủ cả vị chứ không phải chào cụt lủn. Đó là một hình thức để cho đứa trẻ tiếp thu nhanh nhất.
Ngay kể cả với con thì bố mẹ cũng phải chào và là người chào đầu tiên để cho con học hỏi theo. Khi đã nhiều lần nghe những câu chào như vậy thì đứa trẻ sẽ ý thức được việc chào hỏi. Không chỉ trong dịp Tết mà bố mẹ đều phải chủ động chào hàng ngày, hàng giờ thì trẻ sẽ nhớ và sẽ chào nghiêm túc. Mà trẻ đã không có thói quen chào rồi mình nhắc nhở con sẽ rất là ức chế, và lần sau có thể phản ứng lại với những lời chào như thế” – Bà Hương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều bé còn bị chính bố mẹ hoặc mọi người xung quanh đánh giá là hư, hay nhút nhát, kém tự tin… khi không chào hỏi mọi người. Đây dường như là tình huống mà bất cứ bố mẹ nào có con nhỏ cũng đều từng gặp phải, và cảm thấy rất bối rối khi tìm cách “xử lý” con sao cho hiệu quả. Do đó cần phải dạy trẻ kỹ năng chào hỏi ngay từ khi còn nhỏ.
Cần đưa ra những hình phạt khi trẻ không chào
Bên cạnh việc dạy con ngay từ khi con nhỏ thì việc đưa ra các hình phạt khi con không lễ phép chào hỏi cũng rất cần thiết. Hình phạt đối với trẻ thì có rất nhiều và rất đa dạng, mà hoàn toàn không cần phải xâm phạm vào thân thể của con. Ví dụ bố mẹ có thể bắt trẻ đứng úp mặt vào tường, yêu cầu trẻ tập thể dục đứng lên ngồi xuống, khi đó trẻ sẽ cảm thấy mệt và thấy rất phiền phức, do vậy lần sau sẽ chú ý để chào tốt hơn.
Cha mẹ không nên quát mắng con trước mặt khách. (Ảnh minh họa)
“Không nên quát mắng con vì như vậy sẽ tạo áp lực cho con, lần sau đứa trẻ sẽ không chào, càng mắng càng không chào, con mình không sẵn sàng với việc đấy thì bố mẹ phải chuẩn bị trước tinh thần. Khi mà con còn đang ngơ ngác nhìn các vị khách mới thì mẹ sẽ chủ động chào vị khách và nháy vị khác đó hãy chào lại con.
Mình đã thử rất nhiều lần, phản ứng của đứa trẻ khi được chào thì sẽ chào lại, giống như một là phản xạ, phản hồi lại cái thông tin người ra đưa cho mình” – Bà Hương chia sẻ.
Làm thế nào để văn hóa chào hỏi trở thành có ý thức đối với trẻ luôn là câu hỏi của những người làm cha, làm mẹ. Không cần tạo áp lực cho con mà các bậc phụ huynh hãy chủ động chào hỏi, cần lấy mình làm gương để con noi theo. Bởi ở lứa tuổi còn nhỏ, mỗi việc làm, hành động của người lớn sẽ đều khiến trẻ chú ý và lâu dần sẽ hình thành nên thói quen ở trẻ.