Bất ngờ bài thơ về nhạc sến của Lê Tuấn Anh

Ngày 17/09/2013 12:13 PM (GMT+7)

Chồng NSND Hồng Vân quyết định làm bài thơ để "bảo vệ" người bạn thân Ngọc Sơn.

Thời gian vừa qua, dư luận ồn ào về "cuộc chiến" tranh cãi về nhạc sến giữa NS Quốc Trung và các nghệ sĩ Ngọc Sơn, Bảo Yến. Theo đó, trong một bài phỏng vấn, Quốc Trung cho biết, chỉ những thanh niên bất thường mới nghe nhạc sến: “Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm thì có gọi là bình thường hay không? Họ còn nhầm lẫn và cho đó là đẳng cấp của văn hoá hay sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật. Sự chênh lêch giữa tốc độ sống và cảm xúc nghệ thuật chính là sự lệch lạc”.

Và: "Nó (nhạc xưa, nhạc sến - PV) có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc thì đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tác, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ”.

Bất ngờ bài thơ về nhạc sến của Lê Tuấn Anh - 1

NS Quốc Trung thẳng thừng chê nhạc sến

Ngay sau nhận định của NS Quốc Trung, đã dấy lên khá nhiều lời phản bác của các nghệ sĩ theo dòng nhạc này. Theo đó, ca sĩ Bảo Yến khẳng định, Quốc Trung chưa chắc đã hiểu kĩ về loại nhạc mà anh chê:

“Trong từ điển âm nhạc Việt Nam không có từ nhạc sến, chỉ có dòng nhạc thính phòng, nhạc trữ tình, nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca 3 miền. Nhạc sến là dùng để ngồi nói chuyện với nhau trong cuộc sống hàng ngày.   Người ngoài không phải là ca sĩ, nhạc sĩ có thể dùng từ đó nhưng Quốc Trung là một nhạc sĩ mà dùng từ này để “hạ bệ” dòng nhạc trữ tình là không nên. Nhạc sến là gì? Vì sao có từ "sến" Quốc Trung có hiểu không?".

Còn ca sĩ Ngọc Sơn - người được coi là "chuyên trị" nhạc sến thì trả lời rất bình thản: "Ai muốn chửi, cứ chửi. Cứ chửi thoải mái, vô tư đi! Tôi không quan tâm! Tôi chỉ biết sáng tạo, làm hài lòng “đại gia đình” của mình. Đại gia đình của tôi là ai? Là anh phụ hồ, ông chạy xe ôm, chị bán cá, bà ăn xin ngoài đường…".

Bất ngờ bài thơ về nhạc sến của Lê Tuấn Anh - 2

Lê Tuấn Anh và Ngọc Sơn vốn là bạn thân "chí cốt"

Bất ngờ hơn, mới đây, diễn viên Lê Tuấn Anh đã viết một bài thơ ca ngợi "nhạc sến". Theo đó, anh khẳng định, thời trẻ, "Lúc còn nông nổi, adua theo đám đông" cũng "gật gù theo nhạc thính phòng" dù không hiểu". Thế nhưng, khi về già, xa quê hương, mới thấy thấm thía, ngậm ngùi trước những ca khúc "sến" này: Chỉ đến khi tóc xao xác đổi màu/ Ngậm ngùi nhìn mưa lã chã/ Hay một chiều, ở nơi xa..xứ lạ/ Mới hay "sến" rất ngọt ngào Nghe lời hát, giai điệu mà cứ thấy nao nao/ Lệ hoen mi cảm xúc...".

Không chỉ vậy, cựu diễn viên nổi tiếng một thời cũng dành những lời khen ngợi cho giọng hát của người bạn thân từ thủa hàn vi với anh - "danh ca nhạc sến" Ngọc Sơn, theo đó, đây là một giọng ca đầy ấm áp và chan chứa tình cảm: "Giọng hát Ngọc Sơn sao mà nghe chan chứa Lòng Mẹ, Tình Cha, ấm áp tình quê".

Bất ngờ bài thơ về nhạc sến của Lê Tuấn Anh - 3

Mới đây, chồng  của NSND Hồng Vân quyết định viết một bài thơ để thể hiện quan điểm  của anh với 'nhạc sến'

Ngay sau khi bài thơ này được lan truyền trên mạng, rất đông độc giả đã tỏ vẻ thích thú trước khả năng làm thơ của diễn viên Lê Tuấn Anh. Không chỉ vậy, cư dân mạng cũng xúc động trước tình cảm mà Lê Tuấn Anh dành cho người bạn thân thiết từ ngày nào: "Bài thơ chưa thật sự hay lắm, nhưng quan trọng là tình cảm của người viết trong đó. Nếu không có tình bạn bè thân thiết, sát cánh thì khó có thể viết được như vậy. Dù Ngọc Sơn có lối sống ra sao, nhưng nếu xét về giọng hát thì mình nghĩ Lê Tuấn Anh nói đúng" - Nickname Loan Nguyễn cho biết.

"Mình cũng thấy đây là một bài thơ chứa đựng nhiều tình cảm. Lê Tuấn Anh không phải nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp, nhưng anh ấy nói lên cảm xúc của một người nghe trước dòng nhạc mà nhiều người vẫn cho là "sến". Mình nghĩ mỗi giai đoạn, mỗi đối tượng sẽ có một gu thưởng thức âm nhạc khác nhau, vì thế, không nên đề cao một dòng nhạc nào, mà quan trọng là thưởng thức nó một cách văn minh" - Một độc giả bình luận.

Bất ngờ bài thơ về nhạc sến của Lê Tuấn Anh - 4

Bất ngờ bài thơ về nhạc sến của Lê Tuấn Anh - 5

Độc giả thích thú với bài thơ của Lê Tuấn Anh

Bài thơ ca ngợi nhạc sến của Lê Tuấn Anh:

Ngày xưa, lúc còn nông nổi

Cũng a dua theo đám đông

Gật gù nghe nhạc thính phòng

Mà chẳng hiểu gì Sonat

Chẳng mấy khi nghe quan họ

Mây trôi bèo dạt Nghe cải lương, nhạc "sến" vội lắc đầu

Chỉ đến khi tóc xao xác đổi màu

Ngậm ngùi nhìn mưa lã chã

Hay một chiều, ở nơi xa..xứ lạ

Mới hay "sến" rất ngọt ngào

Nghe lời hát, giai điệu mà cứ thấy nao nao

Lệ hoen mi cảm xúc

Tuồng cải lương xưa lâm ly, vinh, nhục

Lời lẽ ngẫm ra, sao hay đến khôn cùng

Lan và Điệp đâu chỉ có chuông rung

Ca từ như có thơ trong đó

Opera của mắt xanh mũi lõ

Nghe cũng hay hay, khốn nỗi, chẳng hiểu gì

Dàn giao hưởng thật khủng, rất chính quy

Lại chẳng mấy lọt tai, khi Việt Nam thuần nông, mần lúa

Giọng hát Ngọc Sơn sao mà nghe chan chứa

Lòng Mẹ, Tình Cha...ấm áp tình quê

Thương cái lối đi, về

Chiếc áo bà ba, mùa bông điên điển

Vẫn vang xa đêm đèn dầu thiếu điện

Ai hát nghêu ngao Dạ cổ hoài lang

Rượu đế nhà nghèo đã hơn thứ rượu vang

Đem về từ hải ngoại

Có nhiều bài hát ngày xưa, ngày nay phối lại

Như thấy mới hơn, cũng rất ngọt ngào

Có lẽ mình...văn hóa không cao

Học vấn nhì nhằng đôi bằng đại học

Trót yêu thương những gì thô, mộc

Chẳng dám sành điệu bằng ai

Thích bông mướp, bông lài

Và nghe chèo, cải lương, nhạc sến...

" Nhạc sến" bắt nguồn từ thời Pháp thuộc để chỉ những người phụ nữ không có học hành mà ăn diện lòe loẹt, đỏm dáng nhưng ưa nói chữ nghĩa để ra vẻ ta đây là dân sành điệu. Vì vậy, mọi người mới dùng từ “sến” cũng đồng nghĩa với từ “con sen” (người giúp việc) để ghép với cái tên Mary thành "Mary sến". Từ đó, từ "sến" ra đời và người ta chỉ dùng từ này để nhận xét về thẩm mỹ của một ai đó chứ không phải để nói đến âm nhạc" - Bảo Yến.

An An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường showbiz