Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên: Khán giả “bắt đền” vì không có ghế ngồi

Ngày 04/07/2016 17:36 PM (GMT+7)

Trước đêm diễn khoảng 1 giờ đồng hồ, cơn mưa rào bất ngờ ập xuống khiến cho khán giả đã vào sân khấu phải tìm chỗ trú mưa. Khi trời tạnh, nhiều khán giả nhanh chân chiếm chỗ đẹp, khiến cho nhiều người có vé VIP trong tay không được ngồi đúng ghế đã quay sang “bắt đền” BTC.

Khán giả “mạnh ai nấy ngồi”

Đêm nhạc “Trăng” tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên đã được diễn ra tại chùa Bái Đính, Ninh Bình. Đây là quyết định khá táo bạo và mạo hiểm mà theo ca sĩ Bông Mai, lúc đầu bị nhiều người trong gia đình phản đối. Tuy nhiên, cô vẫn quyết tâm thực hiện với niềm tin rằng: “Trong không gian tâm linh này, chúng tôi sẽ được “gặp” ba mình ở đây”.

Trước đêm diễn khoảng 1 giờ đồng hồ, cơn mưa rào bất ngờ ập xuống khiến cho khu vực sân khấu ngoài trời đang ở khâu “nước rút” phải dừng lại. Không chỉ ê-kíp mà cả khán giả vừa đứng ngắm mưa vừa “cầu trời” nhanh dứt để không uổng phí cả tháng trời chuẩn bị, di chuyển từ Hà Nội đến Ninh Bình để xem chương trình. Thật may là cơn mưa chỉ kéo dài chừng 30 phút rồi tạnh hẳn, thành ra lại là “món quà” để không khí bớt oi bức, nóng nực cho không gian ngoài trời - vốn là nỗi ám ảnh của các đêm diễn vào mùa hè.

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên: Khán giả “bắt đền” vì không có ghế ngồi - 1

Gia đình và các ca sĩ cảm ơn khán giả sau đêm nhạc “Trăng” tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: TL

Tuy nhiên, có tổ chức ngoài trời mới thấy độ rủi ro của một đêm nhạc lớn đến mức nào. Ngoài vấn đề thời tiết “được chăng hay chớ” còn là những vấn đề phát sinh ngoài dự kiến đến từ khán giả. Các hàng ghế đều không thể đánh số như ở các nhà hát. Thành thử, sau cơn mưa, khán giả cứ mạnh ai nấy chọn chỗ đẹp nhất cho mình, khiến cho những người đến sau, lại là vé VIP một mực “bắt đền” BTC. Bất chấp những lời “nói khó” của ca sĩ Bông Mai, các khán giả “chiếm chỗ” vẫn nhất quyết không trở về đúng số ghế của mình. Để chương trình được diễn ra đúng giờ, Bông Mai đành phải xin sự thông cảm từ khán giả vé VIP mà phải ngồi ghế thường thì gia đình sẽ giải quyết sau đêm nhạc để khán giả không bị thiệt. Cuối chương trình, bà Ngô Huyền Lâm - vợ của cố nhạc sĩ một lần nữa đứng ra xin lỗi khán giả vì công tác tổ chức còn thiếu sót, khiến cho khán giả chưa hài lòng với BTC.

Ngoài sự cố nhỏ này, đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên đã không phụ sự kỳ công của cả người tổ chức lẫn người thưởng thức. Kết cấu đêm nhạc gọn gàng trong đúng 2 giờ đồng hồ. Không gian tổ chức ngoài trời cũng tạo điều kiện cho đạo diễn “phóng tay” hơn. Có ca khúc (Phật bà nghìn mắt nghìn tay) được biểu diễn với 100 tăng ni, 200 Phật tử, lấp đầy toàn bộ khu vực sân khấu trước Điện Tam Thế, tạo nên không khí trang nghiêm đầu tiên cho đêm nhạc tưởng nhớ.

Bên cạnh sự chững chạc trong giọng hát của các ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh, Phương Thảo, Uyên Linh và Tấn Minh, “Trăng” còn gây bất ngờ lớn khi vượt ra khỏi ý nghĩa của một đêm nhạc kỷ niệm. Có sự lắng đọng về cảm xúc, sự bồi hồi khi nghe lại những ca khúc làm nên tên tuổi của ông như: “Đêm nghe đò đưa nhớ Bác”, “Huế thương”, “Về miền Trung”, “Bến trăng”, “Hồ Gươm chiều thu”, “Ca dao em và tôi”... nhưng cũng ngập tràn sự tươi mới qua các chùm ca khúc do các ca sĩ trẻ thể hiện.

Không vũ đạo, Sơn Tùng vẫn “hot”

Khi biết đêm nhạc sẽ diễn ra ở khu tâm linh Bái Đính, lại có Sơn Tùng và Hồ Ngọc Hà biểu diễn, nhiều người đã hoài nghi cho rằng hai ca sĩ của dòng nhạc sôi động này sẽ khó mà phù hợp với không gian tôn nghiêm ở chùa chiền. Thế nhưng, Sơn Tùng đã gây bất ngờ với khán giả khi lần đầu hát ca khúc của người khác, dù phải hạn chế thế mạnh vũ đạo, đọc rap như thường thấy. Với ca khúc “Chín bậc tình yêu”, Sơn Tùng hát chững chạc, mang lại một màu sắc tươi sáng, mới mẻ mà ấn tượng cho ca khúc vốn được “đóng đinh” với phong cách của NSND Thanh Hoa. Có khán giả bình luận, nếu Sơn Tùng mặc bộ đồ dân tộc chứ không phải vest trắng thì sẽ còn ấn tượng hơn nữa, trọn vẹn cả phần nghe và nhìn hơn nữa.

Dù gia đình khẳng định “việc mời Sơn Tùng và Hồ Ngọc Hà không phải để bán vé”, mà do cả hai người đều có những gắn bó với nhạc sĩ An Thuyên khi còn sống nên muốn bày tỏ nghĩa cử với người thầy của mình, nhưng sự có mặt của hai ca sĩ giải trí này rõ ràng mang đến hiệu ứng không nhỏ đến số lượng vé phát ra. Có khán giả chỉ chờ nghe Hồ Ngọc Hà biểu diễn xong là ra về, hay tỏ ra tiếc nuối rằng “mất công mời Sơn Tùng sao lại “tiết kiệm” chỉ cho hát có một bài”...

Những ca khúc do nhóm Oplus, PB Nation thể hiện như: “Lạc”, “Bạn trong vườn”, “Ông vua đi cày” được phối khá trẻ trung, sôi động... Nhưng do đêm nhạc thực hiện trong không gian tâm linh, trước cửa Điện Tam Thế nên màu sắc âm nhạc sôi động như vậy quả thực là táo bạo. Bất ngờ, thú vị nhưng không loại trừ cũng sẽ bị “quy” là không phù hợp với không gian. Theo tiết lộ của ca sĩ Bông Mai: “Khi còn sống, ba tôi rất thích được “phá” ca khúc bởi các ca sĩ trẻ. Ông còn khuyến khích các ca sĩ tiếp tục “phá” nhiều nữa. Vì thế, đêm nhạc tưởng nhớ cũng dễ dàng đưa màu sắc mới lạ, chưa được nhiều người biết đến để công chúng hiểu rõ hơn về tính đại chúng và đa dạng trong sáng tác của ba tôi”.

Đêm nhạc khép lại bằng ca khúc “Ca dao em và tôi” với câu hát cũng chính là nỗi lòng của người ở lại: “Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người”. Nhạc sĩ An Thuyên không còn nữa nhưng trong tâm trí của người ở lại, của người thân thì ông vẫn ngự trị mãi mãi.

Một bất ngờ của đêm nhạc nằm ở chính người tổ chức - ca sĩ Bông Mai. Không chỉ ở vai trò tổng đạo diễn, con gái trưởng của cố nhạc sĩ gây xúc động mạnh khi lâu lắm rồi mới thấy chị hát. Ca khúc “Cha tôi” do nhạc sĩ An Hiếu (con trai của nhạc sĩ An Thuyên) sáng tác. Và bài “Nhớ mẹ” được cố nhạc sĩ viết khi Bông Mai lần đầu làm mẹ đã được ca sĩ này trình bày. Điều này đã được “bí mật” đến phút chót, ngay cả trong list chương trình chỉ ghi tên ca khúc mà không ghi người thể hiện là Bông Mai. Để thể hiện hai ca khúc ý nghĩa này, Bông Mai không ít lần phải kìm nén nước mắt.

Theo Minh Nhật
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trọng Tấn