Bộ phim tài liệu độc lập đầu tiên của Việt Nam ám ảnh người xem bằng những khoảng lặng và nỗi đau rất “con người”.
Cảnh đầu tiên của bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng mở ra ở một bãi đất trống, khi người ta bắt đầu căng những cây cọc buộc cờ đuôi nheo sặc sỡ, chằng buộc những thanh sắt, những tấm tôn vào với nhau để tạo thành một khu hội chợ, với trung tâm là sân khấu ngoài trời rực rỡ ánh đèn. Những đêm hội chợ sáng ánh đèn khi đêm xuống dường như là loại hình giải trí duy nhất mà những người dân ở những miền đất xa xôi có được, cũng giống như việc với chị Phụng và đoàn lô tô của mình, khung cảnh ấy là giấc mơ đẹp nhất trong đời họ. Giấc mơ mà trong đó, họ được sống thật nhất với bản năng của mình.
Poster phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"
Người xem dễ dàng nhận ra những người đàn ông ở đầu bộ phim – những người tưởng chừng thô lậu vì quanh năm làm những công việc chân tay vất vả, lại chính là những “cô gái” duyên dáng yểu điệu đứng trên sân khấu rực rỡ đèn hoa khi màn đêm buông. Những cô gái ấy, cũng giống như không khí náo nhiệt ở hội chợ, đều là một giấc mộng phù du, một ảo ảnh vừa hư vừa thực phản chiếu tâm hồn những người đàn ông với số phận trái ngang. Ở những vùng quên xa xôi hẻo lánh, thì những đoàn nghệ thuật lưu động như họ chính là thứ ánh sáng hiếm hoi khuấy động thứ màn đêm mịt mù yên tĩnh. Và đứng giữa thứ ánh sáng đó, giữa những ảo ảnh hư thực, là chị Phụng.
Chị Phụng đang trang điểm trước giờ biểu diễn
Chị Phụng đã ngoài 40, sau một đoạn đời nhiều sóng gió, giờ đang là chủ của một đoàn lô tô 30 người. 30 – một con số tưởng ít so với một đoàn biểu diễn, nhưng lại là một nỗ lực lớn lao của chị. Nuôi ăn, nuôi mặc, tạo công ăn việc làm cho những con người ấy hẳn nhiên là chuyện khó khăn, nhưng khó khăn hơn nữa, là làm sao bảo vệ những con người ấy xa khỏi vòng vây của những thị phi, của tội ác luôn rình rập phía bên ngoài khu lán trại dựng tạm bợ giữa bốn bề âm u tĩnh mịch. Trong bộ phim, không ít lần ta thấy những vụ cãi vã, cướp bóc, hành hung, quấy rối… và chị Phụng là người đứng ra chịu trách nhiệm cho hậu quả của những hành vi ấy.
Trong chuyến hành trình lang bạt của chị Phụng, còn có vô vàn những mặt người, những số phận khác, những con người mà ta có thể quên mặt, quên tên, nhưng câu chuyện của họ sẽ là thứ còn ám ảnh ta mãi.
Đó là người đàn ông trông quầy hàng ở hội chợ với những lời tâm sự nhói lòng: các chị gái của ông chỉ sinh toàn con gái, còn ông thì “thế này”, tội cho cha mẹ của ông lắm thay. Chính vì vậy mà ông nhận nuôi một đứa con trai để cha mẹ ông được nghe tiếng “ông nội, bà nội” cho ấm lòng… Đó còn là những chàng trai sẵn sàng đi theo những người đàn ông lạ mặt mò vào căn lều tạm của họ mỗi đêm, vừa háo hức, vừa lo lắng, vừa sợ hãi… để rồi ngay sau đó lại phải nhổ trại ra đi, đến một nơi xa lạ, và lặp lại chuỗi những hành động ấy.
Người đàn ông trông quầy hàng ở hội chợ với những lời tâm sự nhói lòng
Mỗi người trong số họ đều có những giấc mơ riêng. Nhưng trong một cuộc hành trình không điểm bắt đầu, không điểm kết thúc rong ruổi khắp các cung đường của những miền quê xa ngãi, những giấc mơ ấy dường như đều vỡ vụn.
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được nhắc đến, được ca ngợi như một tuyên ngôn về quyền được sống, được yêu thương của những người thuộc giới tính thứ ba. Nhưng nếu đã là một tuyên ngôn mạnh mẽ, thì sao trong từng khoảnh khắc, từng giây phút mà bộ phim trôi đi, ta thấy trong đó đầy ắp những nỗi buồn? Đó là những nỗi buồn mà dường như chúng ta đang cố quên đi, hoặc tìm cách lấp liếm nó bằng việc cường điệu hoá những điểm khác biệt của “giới bóng gió” – cách gọi của chị Phụng thành những trò cười bạc ác.
Chị Phụng công bằng nhìn nhận bản thân mình và những người sống quanh chị - một cộng đồng những con người bị xã hội chối bỏ. Chị cũng mặc cảm vì những điểm khác biệt của bản thân, hiểu rằng vì nó mà mình sẽ không bao giờ có được sự đối xử công bằng, nhưng chị vẫn sống, và hướng mọi người trong cộng đồng của mình, theo điều thiện và lẽ phải. Chị Phụng tuân thủ phương châm đó, rõ ràng như thể cách chị sòng phẳng nói về việc “con người cũng có dăm bảy loại người, thì thế giới bóng gió cũng có loại này loại kia”. Rõ ràng giới tính không phải, và không bao giờ là thứ quyết định tính lương thiện của một con người.
Một đêm biểu diễn của chị Phụng
Chị Phụng thường hay nói về việc một ngày kia, khi chị không còn sức chèo lái cả cái đoàn lô tô này nữa… chị nói như thể đó là một ngày rất xa trong cái tương lai mù mờ phía trước, và khi ngày đó đến, chị sẽ thanh thản mà quay về chốn tịnh tâm nơi cửa Phật. Ấy vậy mà cho đến phút sau cùng, ước mơ nhỏ nhoi của chị vẫn mãi dang dở. Có tiếng kêu xé lòng trong đêm lửa cháy, có những giọt nước mắt cố nén lại giữa đống tro tàn, nhưng chị Phụng vẫn là chị, vẫn là người kiên trì vực dậy cái cộng đồng bé nhỏ và dị biệt mà chị đã một tay gây dựng nên.
Đoàn lô tô ấy không chỉ là công việc nuôi thân, nó còn là mái nhà của biết bao con người cùng chung một nỗi đau, cùng chung một nỗi niềm sâu kín, là nơi mà họ được là chính mình, dù chỉ trong đôi ba khoảnh khắc ngắn ngủi. Đoàn lô tô ấy giống như hi vọng, một niềm hi vọng mong manh, mơ hồ và vô định, niềm hi vọng vào sự công bằng và được chấp nhận bởi phần còn lại của thế giới. Và chị Phụng chính là người truyền lửa cho niềm hi vọng ấy.
Tuy là bộ phim kể về hành trình rong ruổi qua những vùng đất của đoàn lô tô chị Phụng, nhưng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, cho tới cảnh phim cuối cùng, chị Phụng chỉ đứng ở ngôi thứ hai kể về mình. Ngôi thứ nhất của bộ phim thuộc về đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, và giấc mơ tuổi thơ của chị. Đây có thể coi như sự lồng ghép của những câu chuyện khác nhau, chung một âm hưởng là sự đổ vỡ.
Nếu như với chị Phụng, những mong ước trong cuộc đời chị mãi dở dang và tan vỡ, thì với đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, điều vỡ vụn trước mắt chị chính là giấc mơ của một thời thơ bé. Tuổi thơ buồn tẻ của chị ở một vùng thuỷ điện xa xôi được sưởi ấm bằng đôi ba phiên hội chợ với buổi biểu diễn của những đoàn tạp kĩ như đoàn lô tô của chị Phụng. Cũng giống như chuyến tàu trong truyện của Thạch Lam, những buổi biểu diễn ấy đã để lại trong tâm trí cô bé Thắm những kí ức rực rỡ sắc màu và niềm vui, tới độ người phụ nữ Thắm trưởng thành sẵn sàng đi lang bạt với một đoàn biểu diễn lưu động như thế suốt nhiều năm trời.
Có lẽ ở một ngóc ngách nào đó trong tâm hồn mình, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm muốn tìm lại thứ ánh sáng mê hoặc năm xưa. Không ai ngoài chị có được câu trả lời. Nhưng có lẽ, khi bộ phim khép lại, cũng chính là lúc những mơ ước ấu thơ ấy tan nhoà và vỡ vụn, bởi đằng sau những ánh đèn màu rực rỡ, đằng sau khung cảnh náo nhiệt của hội chợ, đằng sau những khuôn mặt được trang điểm kĩ càng, đằng sau những nụ cười trên sân khấu, là những nỗi buồn, nỗi thất vọng ê chề của những kiếp sống tha phương. Những con người ấy, họ không làm gì sai, ngoài “tội lỗi” duy nhất là thứ mà họ không được quyền quyết định.
Đến phút cuối cùng, những người mang đến niềm vui cho mọi người vẫn không thể cứu vãn được hạnh phúc của bản thân mình. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng khép lại một cách lửng lơ, như những khoảng trống chơi vơi còn lại trong trái tim của người xem, như thể một thứ gì đó đã bị lấy đi mất. Điều an ủi duy nhất, có lẽ là chị Phụng không bao giờ phải đối mặt với khuôn mặt già nua của chính mình như những gì chị vẫn lo sợ.