Từ nông thôn đến thành thị, từ người già đến trẻ nhỏ, nhiều người từng hát câu “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn...” do ông sáng tác.
XEM VIDEO: Kinh ngạc với giọng hát quá hay của nhạc sĩ "Hai mùa Noel" dù đã cao tuổi.
Các ca sĩ thường được giới truyền thông chú ý từ sự nghiệp tới đời tư và cả những scandal, trong khi "cha đẻ" của các ca khúc thường khá thầm lặng, ít ai biết đời thực phía sau những tác phẩm nổi tiếng của họ. Tại chương trình Người kể chuyện tình đã hé lộ cuộc đời nhiều nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam.
Tại tập 8, cuộc đời của người sáng tác hàng loạt các ca khúc Bolero, trữ tình đình đám như Hai mùa Noel, Hoa mười giờ, Căn nhà dĩ vãng, Chuyến xe miền tây, Tình nghèo có nhau, Đừng nhắc chuyện lòng, Bài tình ca cô đơn... đã được tiết lộ. Ấy là nhạc sĩ Đài Phương Trang.
Đáng chú ý, ca khúc nổi nhất đưa tên tuổi ông đến gần với công chúng là Người yêu cô đơn. Nhạc phẩm tiêu biểu này đã giúp ca sĩ Tuấn Vũ được khán thính giả khắp nơi yêu mến. Như danh ca Phương Dung nhận định trong chương trình, từ nông thôn đến thành thị, từ người già đến trẻ nhỏ, người không cô đơn cũng hát “đời tôi cô đơn”.
Đây chính là tác giả của bài hát "Người yêu cô đơn" với những câu "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn..."
Đó là một thành công hiếm có, không phải ai cũng làm được. Xuất hiện trên truyền hình, nhạc sĩ Đài Phương Trang bồi hồi nhớ lại: "Tôi viết Người yêu cô đơn năm 1973, khi bản thân đã có một gia đình hạnh phúc, chứ không thất tình như nhiều người lầm tưởng. Tôi thấy bạn bè nhiều người khổ lụy vì bị tình phụ nên sáng tác ca khúc như một lời động viên".
Có một cuộc sống gia đình viên mãn, hạnh phúc nên ông chủ yếu lấy cảm hứng sáng tác từ những mảnh đời xung quanh. Tuy nhiên khi người vợ mà ông hết mực yêu thương qua đời vào năm 2017, ông chỉ biết bầu bạn với nỗi cô đơn như chính lời ca khúc ông đã sáng tác khi xưa. Nhạc sĩ Đài Phương Trang cho biết: “Hãy chấp nhận sống chung với nỗi cô đơn và đừng tuyệt vọng, hãy xem nỗi cô đơn như là tình nhân của mình, bạn sẽ cảm thấy bớt cô đơn”.
Nam nhạc sĩ sống hạnh phúc, viên mãn cho đến khi vợ mất.
Tại đây, ông cũng kể chuyện tình éo le ẩn sau ca khúc nổi tiếng. Với ca khúc Đừng nhắc chuyện lòng, Đài Phương Trang nhớ lại câu chuyện cảm động về một mối tình có thật do chính ông chứng kiến. Đó là một cặp trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm vì gia cảnh chàng trai nghèo khó. Cô gái phải nghe lời cha mẹ chia tay người yêu và đi lấy chồng.
Một thời gian sau, hai người vô tình gặp lại nhưng cô gái cố ý tránh mặt tình cũ vì cho rằng mình đã có gia đình. Khi cả hai người tâm sự với Đài Phương Trang, ông đồng cảm và sáng tác nên ca khúc Đừng nhắc chuyện lòng. Khi có dịp, ông đàn guitar và hát lại ca khúc cho hai người bạn nghe khiến họ vô cùng xúc động và cảm ơn ông.
Với kho âm nhạc đồ sộ của mình nhưng nhạc sĩ tài hoa này lại bật mí nếu được đứng trước khán giả ông chỉ hát những ca khúc hợp với chất giọng của mình nhất là Hai mùa Noel và Căn nhà dĩ vãng. Ngay trên truyền hình, ông khiến khán giả thảng thốt vì giọng hát quá hay vì đã cao tuổi. Danh ca Thái Châu kinh ngạc cho biết nếu khi xưa Đài Phương Trang đi hát, nhạc sĩ hoàn toàn có thể trở thành đối thủ của anh.
Đã cao tuổi nhưng ít ai biết nam nhạc sĩ này lại hát quá hay.
Danh ca Thái Châu cho biết anh đã từng được các hãng đĩa giao trình diễn nhiều ca khúc của nhạc sĩ Đài Phương Trang như Hai mùa Noel, Người yêu cô đơn, Chuyến xe miền Tây. Vì nghệ danh Đài Phương Trang nên Thái Châu hiểu lầm đó là một nữ nhạc sĩ xinh đẹp cho đến khi được đồng nghiệp mách bảo đó là nam nhạc sĩ.
Nhân dịp này, nhạc sĩ Đài Phương Trang có dịp giãi bày về cái tên đặc biệt này. Ông cho biết lúc trẻ mình là một tay đàn hát có tiếng. Các bạn bè của ông thường yêu cầu ông biểu diễn văn nghệ để giải khuây. Thế nhưng đó là khi xung quanh chỉ toàn đàn ông, con trai bởi ông rất “nhát gái”.
Nếu xuất hiện bóng hồng nào đó, ông sẽ lập tức đàn hát kém đi. Từ đó nghệ danh Đài Phương Trang ra đời, là cách nói lái của “đàn phương trai”, có nghĩa chỉ đàn hát ở những nơi toàn nam nhi mà thôi. Nghe xong lời giải thích, tất cả mọi người đều bật cười và thích thú trước sự hài hước, dí dỏm của nhạc sĩ.