Không giống như những ngôi sao "hái ra tiền" từ hào quang, "lão hề già" Mạc Can dù nổi tiếng một thời nhưng chữ nghèo lại đeo bám ông gần trọn cuộc đời.
Trong showbiz Việt, không phải nghệ sĩ nào nổi tiếng cũng giàu. Mạc Can là trường hợp như vậy, với gần 60 năm cống hiến cho màn ảnh Việt nhưng cuộc đời lại kham khổ. Hào quang của người nghệ sĩ này chỉ được chứng minh bằng những vai diễn gây dấu ấn, những danh xưng mà người hâm mộ đặt cho ông như "ông già Nam Bộ", "lão hề già"... và nhiều tài lẻ như viết văn, biên kịch, làm ảo thuật, diễn hài…
Mạc Can từng nói rằng mình "vô sản" cho đến cuối đời, không của cải, không người thân bên cạnh, nhưng luôn tự hào khi được nhớ tới bởi quãng thời gian làm nghệ thuật.
Với người hâm mộ, Mạc Can nổi tiếng nhất nhờ sự đa tài, một phần thừa hưởng từ người cha "quái kiệt" - ảo thuật gia Lê Văn Quý. Tuổi thơ của ông gắn liền với những gánh xiếc miền Tây, chuyên đi mua vui, chọc cười khán giả. Lúc đó, cậu bé Mạc Can nhớ như in hình ảnh được tán thưởng, vỗ tay trên sân khấu. Ông kể: "Cha tôi là nhà ảo thuật nên kêu tôi diễn hài phụ họa. Đêm nào cũng vậy, tôi sẽ cầm nón để sẵn lá bài, ông thò tay vào bốc lá bài ra. Người ta thấy ngộ quá, vỗ tay rần rần. Hồi đó, có lần tôi lật tẩy 'mánh' của cha trước mặt mọi người, bị ông đánh quá trời".
Hình ảnh Mạc Can lúc nhỏ đi diễn xiếc với gia đình.
Nhiều người nói khoảnh khắc Mạc Can sinh ra trên ghe hát kiếm sống của gia đình đã là điềm báo cho cuộc đời phiêu bạt của ông sau này. Lớn lên, Mạc Can rời gánh xiếc đến Sài Gòn tìm cơ hội. Ban đầu, ông xin diễn hài, làm ảo thuật ở các phòng trà, rạp chiếu phim, phụ diễn tân nhạc để góp vui… Trời sinh không có vóc dáng cao ráo hay ngoại hình "hớp hồn" khán giả, nhưng bù lại nét bèo nhèo, nhỏ con, lăng xăng của Mạc Can lại hợp diễn ảo thuật, ai xem cũng mê.
Về sau ông thử viết báo, bắt đầu lân la vào các đoàn phim tập viết tin, được gọi là "ký giả cà phê", từ đó "bỏ túi" thêm công việc viết kịch bản hài. Thời điểm chương trình Trong nhà ngoài phố của HTV tạo "cơn sốt", Mạc Can đóng góp một phần không nhỏ khi đưa những điều bình dị nhất của cuộc sống lên truyền hình. Dần dần, ông mạnh dạn làm diễn viên. Chính nét tếu táo, ngoại hình có phần lam lũ nhưng lại nhiều "mảng miếng" duyên dáng đã giúp khán giả nhớ đến Mạc Can. Ông kể, cứ tối nào có tiểu phẩm là hôm sau đi chợ có khán giả nhận ra ngay.
Nét tếu táo, khác lạ của Mạc Can được khán giả yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ vì mê cách ông diễn xiếc, làm trò.
Từ chú hề hội chợ, diễn viên phòng trà, khán giả dần nhớ mặt Mạc Can khi ông xuất hiện nhiều trên màn ảnh, đặc biệt là qua những bộ phim cổ tích của hãng phim Phương Nam. Từ đó, "lão hề già" củng cố lượng fan nhí, rèn giũa kỹ năng diễn xuất. Khi lên truyền hình, Mạc Can hợp nhất những vai người miền Tây thật thà, chất phác nhưng hài hước.
Đến nay, sau gần 6 thập kỷ mang tiếng cười cho khán giả, ông chưa từng "mặc cả" chuyện nhận vai, không nề hà ngay cả khi được giao vai phụ, vai nhỏ. Nam diễn viên nói vui rằng những ngày tháng đi đóng phim, tai nạn nhiều vô số kể, lúc chui bụi cây đạp gai, chạy chân trần đến chảy máu, hay có lần bị trâu giẫm chân đến mức sưng vù…, vậy mà ông vẫn cười. Đó là bởi người nghệ sĩ này yêu nghề, yêu vai diễn của mình.
Mạc Can từng rất nổi tiếng khi đóng phim cổ tích Việt Nam. Trong quá trình quay phim, người trong đoàn tiết lộ nam nghệ sĩ không nề hà hay than mệt dù thời tiết nóng bức.
So với những ngôi sao kiếm bộn tiền nhờ sự nổi tiếng, Mạc Can đem về những tràng vỗ tay, giải thưởng và sự ghi nhớ trong lòng người hâm mộ. Thật may, ông cũng chẳng màng chuyện tiền bạc: "Lương bổng với tôi xưa giờ không quan trọng lắm, vì tôi ăn đạm bạc, uống thì chỉ cần trà đá thôi, nên không có đòi hỏi gì nhiều, cũng không có nhu cầu gì lớn nên rất dễ sống…".
Có thời điểm, nhiều người bất ngờ khi nghe tin Mạc Can sang Mỹ định cư. Nhưng chỉ vài năm sau, ông trở về vì tuổi già không hợp với xứ lạnh. Vốn yêu sự ồn ào, tiếng cười nên ông thèm cái nhốn nháo của Sài Gòn thay vì cảnh trơ trọi nơi đất khách quê người. Ở Mỹ, nam diễn viên vốn chẳng giỏi ngoại ngữ, chỉ "bỏ túi" vài ba câu chào hàng xóm. Đi diễn ảo thuật kiếm tiền phải lựa chỗ, làm thêm việc bán bánh mì, tiệm nail cũng được một thời gian, chỉ vừa đủ sống. Ông kể: "Một số du học sinh Việt Nam ở Mỹ nhận ra tôi, khẽ khàng nói: 'Chú Can về Việt Nam đi, ở đây không hợp với chú đâu'. Tôi nghe xong bảo: 'Nghe con nói mà chú rớt nước mắt. Con học xong cũng về lại quê nhà nha'. Nó ừ xong nhưng mà ở lại luôn, còn tôi về thật".
Mạc Can trở về Việt Nam chỉ sau vài năm ở Mỹ vì không chịu được cảnh cô đơn.
Câu nói "vai diễn vận vào đời" chẳng sai với Mạc Can. Chữ "nghèo" đeo bám ông gần như suốt cuộc đời dù nổi tiếng, đi đâu cũng được mọi người nhận ra.
Ở tuổi U80, Mạc Can sống lủi thủi một mình trong căn phòng trọ chưa đầy 15m2, không vợ con bên cạnh. Ngoài những vai diễn để đời, tài sản đáng giá nhất lúc này của ông có lẽ là chiếc xe máy cũ để di chuyển lên đoàn phim và chiếc laptop dùng hơn 10 năm để viết bản thảo hàng ngày. Tất cả đều là quà tặng của người thân, đồng nghiệp lúc khó khăn.
Muốn tự kiếm sống bằng sức lao động, nên nhiều lúc tuổi cao sức yếu khó đi lại, Mạc Can vẫn nhận vai vì yêu nghề. Ông từng nói: "Người ta đưa vai diễn, hỏi tôi giá bao nhiêu. Tôi trả lời rằng các ông có cơm thì tôi cũng có cháo, chứ tôi không ra giá". Có khi nam diễn viên lại tếu táo trêu: "Tuổi này rồi, ăn chi lắm cho tốn tiền. Ăn sao cũng được, miễn để sống thôi, không quan trọng. Tiền còn lại để cho bồ".
Căn phòng trọ chưa đầy 15m2 chứa nhiều kỷ niệm của Mạc Can.
Hiện tại, người nghệ sĩ ở tuổi U80 vẫn chăm chỉ mỗi ngày dành thời gian viết kịch bản, tiểu phẩm, viết truyện cho báo… Dù vậy, thu nhập của ông vẫn bấp bênh, có khi "ngồi chơi xơi nước" cả tháng. Có lần, Mạc Can hài hước nói về chuyện kiếm sống: "Tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu vì tôi xài sang lắm, một ngày uống… 2 - 3 ly trà đá lận". Nói rồi ông lại cười: "Tôi hay nói chơi, cô nghe cho vui thôi nha. Ráng nói câu đàng hoàng thì tôi có một thân một mình, cũng đâu có dám đòi hỏi gì cao sang".
Nếu ai hỏi về sức khỏe, nam nghệ sĩ hay đùa rằng mình mắc "bệnh viêm màng túi kinh niên", nhiều lúc chờ tiền nhuận bút, cát-xê mòn mỏi. Cũng bởi thu nhập không đều nên dù làm lụng cả đời ông cũng chẳng dành dụm được gì. Có lần, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nghe tin Mạc Can phải đi mổ tim, bèn ngỏ ý hỗ trợ. Tuy nhiên, đó chỉ là tin vịt. Thế là nam ca sĩ chuyển số tiền đó cho ông gửi tiết kiệm. Vậy rồi gặp lúc khó khăn, ông cũng đành phải rút ra, xài hết.
Có giai đoạn, Mạc Can "nối lại tình xưa" với người vợ cũ từng chia tay. Đó là lúc ông hạnh phúc khi tuổi xế chiều có nơi nương tựa. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài lâu, người bạn đời của ông qua đời vào giữa năm 2022. Lúc ấy, gia đình giấu Mạc Can, chỉ nói bà đi trị bệnh. Ngày biết tin vợ mất, ông khóc không cầm được nước mắt. Sau này, ông cũng từ chối về nhà em gái vì sợ đem tới gánh nặng.
Ở tuổi xế chiều, Mạc Can buồn bã khi người bạn đời đã ra đi. Hiện tại, ông di chuyển khó khăn vì bệnh xương khớp.
Năm ngoái, khi một đồng nghiệp ghé thăm nhà, khán giả thấy Mạc Can đi lại khó khăn vì bệnh xương khớp nhưng tinh thần vẫn lạc quan. Sau khi vợ qua đời, con gái của Mạc Can đã về sống cùng và là người chăm sóc chính cho nam nghệ sĩ. Con gái ông nói: "Trong người ba tôi giờ bình thường, chỉ có chân bị bệnh khớp nên đi lại không được, chỉ ngồi được thôi. Ba tôi có thể tự sinh hoạt được, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp. Mỗi sáng, tôi chuẩn bị sẵn cơm nước cho ba trước khi đi làm. Đến trưa, chiều tôi lại về tiếp tục chăm sóc ông".
Gần đây, nam nghệ sĩ được con gái đưa vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè để tiện chăm sóc vì sợ ông ở một mình, không ai kề cạnh những lúc cô đi làm. Mạc Can tâm sự: "Tôi vui vì có nhà mới, đó giờ chỉ toàn ở nhà thuê, bây giờ có nhà ở thì phải vui". Vào đây, những lúc rảnh ông vẫn theo thói quen hàng ngày mở máy viết lách, trò chuyện với mọi người.
Hình ảnh Mạc Can vừa được chuyển vào ngôi nhà mới.