"Thực sự là khi liều mình nhận lời làm MC chương trình này, tôi không nghĩ nó lại mang cho mình nhiều trải nghiệm lý thú đến như thế!"- nhà báo Phan Đăng chia sẻ.
Clip nhà báo Phan Đăng trò chuyện với người chơi.
- Sau một thời gian gắn bó với chương trình “Ai là triệu phú”, thời điểm này nhìn lại anh thấy điều gì là khó khăn nhất?
Đây là chương trình truyền hình đầu tiên tôi làm MC, nên chắc chắn không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Trước đó, tôi thường lên hình với tư cách khách mời, nhưng MC rõ ràng là một vai trò khác. Lần đầu làm MC lại là MC của "Ai là Triệu Phú" - một chương trình có những đòi hỏi khá khắt khe về mặt kỹ thuật (mỗi câu nói phải khớp với nhạc, khớp với ánh sáng), lại là người thay thế MC số 1 Việt Nam, anh Lại Văn Sâm - với tất cả những điều như thế, nếu bảo không bị áp lực là dối lòng.
- Nhưng đấy là thời điểm ban đầu, còn bây giờ thì sao?
Phải nói, sau đợt ghi hình đầu tiên tôi đã vỡ ra rất nhiều điều. Và khi đợt ghi hình đầu tiên lên sóng, chính thức được nhìn lại mình ở trên hình, tôi nhận ra hàng loạt vấn đề cần phải chỉnh sửa. Đến đợt ghi hình thứ 2 thì tôi đã thực sự tự tin. Đấy cũng là đợt ghi hình mà tôi đã bắt đầu dám sáng tạo hơn, thay vì chỉ cố gắng "thuộc bài" như đợt 1.
Nhà báo, MC Phan Đăng trong chương trình "Ai là triệu phú".
- Anh có gặp trở ngại trong việc giao lưu với người chơi, khán giả trong trường quay không?
Nhiều năm qua, tôi phụ trách chuyên mục "Đối thoại & Suy ngẫm" trên báo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng. Có thể nói, cùng với thể loại bình luận, thể loại đối thoại vốn là một sở trường của tôi. Do vậy, những kỹ năng đối thoại, hỏi đáp, thực ra tôi đã quen trong quá trình gần 10 năm làm báo giấy. Sắp tới, tôi sẽ trình làng một cuốn sách có tên “Ở trong đầu trí thức” tổng hợp lại khoảng 20 bài đối thoại với các chính trị gia, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội...Khi đối thoại với những người như thế đôi khi rất "khó nhằn", rất khó khai thác, vì nhiều người không muốn trả lời, nhất là những vấn đề tế nhị, liên quan đến thời cuộc.
Còn với những người chơi "Ai là triệu phú" thì ngược lại, phần lớn đều vô cùng hợp tác. Nên việc đối thoại với họ diễn ra nhìn chung là thuận lợi.
- Khi dẫn “Ai là triệu phú” anh đã có cơ hội gặp trực tiếp nhà báo, MC Lại Văn Sâm chưa?
Quả thực tôi chưa gặp trực tiếp anh Lại Văn Sâm nhưng thời gian đầu khi tôi bỡ ngỡ, thì chính con trai anh Sâm - đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng đã hỗ trợ tôi rất nhiều.
Phan Đăng: "Tôi chưa gặp trực tiếp anh Lại Văn Sâm".
- Anh có đọc những lời nhận xét của MC Lại Văn Sâm về mình khi dẫn những số đầu tiên không?
Tôi có đọc trên báo. Bên cạnh đó, tôi cũng đọc một số những bình luận, nhận xét của khán giả. Tôi đọc tất cả những điều đó trên tinh thần lắng nghe, cầu thị để cố gắng hoàn thiện mình hơn.
- Ngoài “Ai là triệu phú” anh có dẫn chương trình nào nữa không?
Nói thật, tôi có nhận được một số lời mời làm MC của các chương trình bên ngoài nhưng đến thời điểm này tôi chưa nhận lời bất cứ chương trình nào cả.
- Vì sao vậy?
Vì sau khi đọc format, tôi thấy những chương trình ấy không phù hợp với tố chất của tôi. Ngoài ra đây cũng là thời điểm tôi đang dồn thời gian viết văn. Có rất nhiều suy nghĩ, rất nhiều nỗi ám ảnh chất chứa trong tôi nhiều năm qua. Và giờ là lúc tôi muốn "bung" nó vào văn chương.
MC Ai Là Triệu Phú 2018: "Tôi luôn tâm niệm đừng cố gồng lên làm gì".
- Vậy thì đến khi nào anh mới coi MC như công việc chính?
Tôi muốn đính chính một điều, với tôi làm MC là một trải nghiệm thú vị. Nó là một trải nghiệm thú vị, chứ không phải công việc chính của tôi. Công việc chính của tôi là một nhà báo. Trước đây thì tôi là nhà báo theo dõi chuyên mảng thể thao. Nhưng từ gần 1 năm trở lại đây tôi đã chấm dứt mảng này, chuyển sang làm mảng văn hóa, xã hội. Cụ thể, hiện nay tôi làm ở tờ An Ninh Thế Giới Cuối Tháng.
- Anh có muốn xây dựng thương hiệu gắn với “Ai là triệu phú” giống như MC Lại Văn Sâm?
Như tôi đã nói, tôi coi đây là một trải nghiệm của bản thân, nên hiệu quả của việc trải nghiệm đó như thế nào thì hãy cứ để khán giả nhận xét. Về phần mình, không riêng gì trong công việc này, trong tất cả các công việc khác mà tôi làm thì tôi luôn tâm niệm: Hãy cứ luôn là mình, đừng cố gồng lên làm gì. Nếu lúc nào cũng phải cố gồng lên, cố "diễn" thì mệt lắm.
Phan Đăng dẫn dắt trong phần thi của thí sinh.
- Anh có thể kể một vài kỉ niệm đáng nhớ trên ghế nóng “Ai là triệu phú” chứ?
Tôi gặp khá nhiều người chơi thông minh và thú vị. Ví dụ có một người chơi chia sẻ luôn mang trong mình khát vọng số 10. Anh ấy yêu những cầu thủ mang áo số 10, như Diego Maradona. Anh ấy muốn trả lời ít nhất 10 câu hỏi, để có tiền mang về giúp sinh viên nghèo. Nghe anh ấy nói thế, tôi suy nghĩ nhiều về số 10 - về sự trọn vẹn của cuộc đời.
Một ví dụ khác, như bạn đã biết, chương trình “Ai là triệu phú” có luật dừng cuộc chơi. Có nhiều người dừng đúng lúc và có người dừng không đúng lúc. Có nhiều người dừng hợp lý, có nhiều người dừng chưa hợp lý. Có nhiều người không dừng, và sau đó nuối tiếc. Bản thân điều đó cũng khiến tôi chiêm nghiệm nhiều. Tôi nghĩ đến 6 mục tiêu giáo dục mà trường Đại học Shute, một trường Đại học lớn ở Đài Loan đưa ra, đó là Lễ - Tiêu - Lạc - Ngự - Tri - Thức. Trong 6 mục tiêu này có mục tiêu "ngự", nghĩa là dừng đấy. Họ quan niệm, phải dạy con người ta biết dừng đúng chỗ đúng lúc, vì trong cuộc đời, nếu không biết dừng đúng lúc sẽ phải trả giá, và sẽ không hạnh phúc.
Tất nhiên "Ai là triệu phú" là một game show, nhưng từ một điều lệ của game show ấy, thực sự là tôi nghĩ đến những thực ngoài nó, rộng hơn nó.
Và chính những chiêm nghiệm, những suy nghĩ ấy là những ý nghĩa rất lớn mà chương trình mang lại cho tôi. Thực sự là khi liều mình nhận lời làm MC chương trình này, tôi không nghĩ nó lại mang cho mình nhiều trải nghiệm lý thú đến như thế!
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!