NSƯT Chiều Xuân không giấu được những giọt nước mắt nhớ thương khi nhắc nhớ về mẹ Túc - người mẹ chồng "có một không hai".
Nghệ sĩ Thu An - người mẹ chồng đặc biệt trên màn ảnh
Trong đời làm nghệ thuật lẫn đời thường, NSƯT Chiều Xuân gắn liền với hai người mẹ chồng đặc biệt. Những người mẹ chồng đã để lại trong chị những dấu ấn không thể phai mờ và mỗi lần nhắc đến lại trào dâng một nỗi nhớ thương.
Nghệ sĩ Chiều Xuân và nghệ sĩ Thu An trong bộ phim nổi tiếng "Mẹ chồng tôi".
Những năm tháng làm nghề, nữ nghệ sĩ đảm nhận nhiều vai diễn nhưng được khán giả nhớ đến nhiều hơn cả là vai Thuận trong phim “Mẹ chồng tôi” do NSND Khải Hưng làm đạo diễn.
Thuận là một người vợ đang thì xuân sắc nhưng vừa cưới xong, chồng phải lên đường ra mặt trận. Cô ở nhà sống cùng mẹ chồng. Cả hai mẹ con sống yêu thương, chan hòa và san sẻ với nhau. Vì có giọng hát hay nên Thuận được cử làm văn công cho đài phát thanh xã.
Ở đây, Thuận gặp gỡ, nảy sinh tình cảm rồi có bầu với Lực - người phụ trách đài phát thanh của xã. Biết biết chuyện con dâu có bầu với người đàn ông không phải con trai mình, dù đau buồn nhưng người mẹ chồng vẫn thông cảm và rộng lòng tha thứ cho con dâu.
Người đã khắc họa thành công nhân vật mẹ chồng “có một không hai” trên màn ảnh Việt chính là cố NSƯT Thu An. Cố nghệ sĩ Thu An sở hữu khuôn mặt phúc hậu, dáng dấp thôn quê. Bà quen thuộc với khán giả cả nước qua các vai diễn về người phụ nữ nông thôn dịu hiền, tần tảo trong “Chung một dòng sông”, “Sao tháng Tám”, “Tướng về hưu”...
Nghệ sĩ Chiều Xuân vẫn luôn giữ những kỷ niệm đẹp về cố nghệ sĩ Thu An.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến “mẹ” Thu An, nghệ sĩ Chiều Xuân lại không kìm được nước mắt. Với chị, bà không chỉ là một người mẹ chồng trên phim ảnh mà còn là một người mẹ lớn trong nghề của chị. Ở bà luôn toát lên một sự gần gũi, mộc mạc, đôn hậu... mà chị luôn học hỏi, trân trọng. Trong quá trình quay phim, hai mẹ con có quá nhiều kỷ niệm.
Mẹ Túc - người mẹ chồng yêu thương con dâu như con gái nhỏ
Ngoài đời, NSƯT Chiều Xuân cũng có một người mẹ chồng rất đặc biệt. Theo đó, nữ nghệ sĩ kết hôn với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi mới 20 tuổi. Ở tuổi đó, bất kỳ cô gái nào về nhà chồng cũng phải đối diện với muôn vàn những điều bỡ ngỡ. Chiều Xuân lại càng bỡ ngỡ hơn bởi bước vào một gia đình mà bố chồng là nhạc sĩ tên tuổi Đỗ Nhuận và xung quanh nhà chồng cũng toàn những tên tuổi trứ danh của làng văn hoá – nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX.
NSƯT Chiều Xuân kể, bố Nhuận - mẹ Túc (bố mẹ chồng) là hai người đã ảnh rất lớn đến chị. Trong mắt chị, bố Nhuận là một người kiệm lời nhưng lại rất say mê âm nhạc. Ông say sưa với việc sáng tạo đến mức mỗi khi ngồi vào bàn viết nhạc là không còn biết gì đến những thứ xung quanh. Ngay cả khi bị tai biến, ông cũng không buông việc sáng tác âm nhạc của mình.
Nghệ sĩ Chiều Xuân và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chuẩn bị mâm ngũ quả gày Tết.
“Tôi thấy các văn nghệ sĩ thời đó luôn xem chuyện ốm đau là chuyện sẽ phải vượt qua. Các cụ coi thường chuyện bệnh tật và ôm chặt lấy đam mê. Ngay cả khi nằm trong bệnh viện, họ vẫn sáng tác và quan tâm đến mọi vấn đề của nghệ thuật”, Chiều Xuân nói.
Riêng mẹ Túc - người mẹ chồng đã hết mực yêu thương và chiều chuộng chị thì đặc biệt đến mức viết nên bao trang sách cũng không hết. Bà là một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu thương con cái và khéo léo việc nữ công gia chánh.
Khi Chiều Xuân sinh con gái đầu lòng - Hồng Mi, mẹ chồng tính từng ngày, từng giờ… con dâu trở dạ và chuẩn bị hết mọi thứ vào một chiếc làn để đưa con đến phòng hộ sinh. Bà chăm con dâu từng miếng ăn, từng giấc ngủ, từng tấm tã cho cháu nội. Thậm chí, tiền lương nhận về bà vo tròn buộc chặt rồi đưa cho con dâu cất giữ.
Gia đình nghệ sĩ Chiều Xuân du xuân Tết Tân Sửu.
Nữ nghệ sĩ kể thêm rằng, lúc bố chồng chị là nhạc sĩ Đỗ Nhuận ốm, mẹ chồng chị đã chăm chồng một cách khiến chị luôn xúc động. Bà luôn ngăn đôi nồi cơm ra, nửa nồi bên trái nấu bình thường để cả nhà ăn, nửa nồi bên phải bà đổ thêm ít nước để cơm nhão cho ông dễ ăn. May nhờ có mẹ chồng trông nom và chăm lo mọi thứ trong gia đình mà hồi đó con còn nhỏ nhưng chị vẫn có thể đi học và đi làm mà không bị vướng bận quá nhiều.
Chiều Xuân tâm sự rằng, cho đến bây giờ, gia đình chị vẫn giữ nếp nhà xưa mỗi khi đón Tết. Bữa cơm tất niên bao giờ cũng là bữa cơm thịnh soạn và ấm áp nhất trong năm. Ngày mùng 1, cả gia đình đi chúc Tết bên nội, bên ngoại và họ hàng.
“Mẹ chồng tôi là người rất tạo điều kiện cho các con. Khi ông bà còn sống hay mời các chú và các anh chị đến ăn bữa cơm sum vầy với cả nhà ngày cuối năm. Những năm đầu tôi về làm dâu, những ngày tết mẹ chồng và chồng làm đỡ hết. Đến bây giờ anh Quân vẫn là người “cầm trịch” trong việc nấu mâm cỗ ngày tết. Tôi chỉ đứng “phụ hoạ” cho anh ấy. Anh Quân nấu siêu ngon và siêu giỏi.
Nhà bao giờ cũng có món mực khô xào, nem vuông, canh măng chân giò… Tất cả những món truyền thống vẫn giữ nguyên và không thể thiếu trong mâm cơm cúng chiều 30 tết.
Lúc sinh thời, mẹ Túc luôn chăm chút cho tôi như chăm cô con gái nhỏ. Nhiều người cứ bảo, không hiểu sao, tôi giống mẹ chồng đến thế. Khi tôi sinh con gái đầu lòng, mẹ thường xuyên nấu cơm với thịt rang, canh rau ngót, cháo móng giò… cho tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn thích ăn món cháo móng giò. Bà còn làm rất nhiều thứ truyền thống như đi hái chín lá mít về đun cho tôi uống để tôi có nhiều sữa cho con bú.
Tiền lương mẹ nhận về, buộc chun và đưa hết cho tôi bằng niềm tin tuyệt đối. Đến ngay cả anh Quân là con trai nhưng cũng chỉ biết loáng thoáng chuyện đó chứ không hề biết cặn kẽ. Mẹ chồng tôi là người rất tiết kiệm và coi trọng giá trị của đồng tiền. Vì thế, lúc mẹ mất, tôi đã chia đều làm 3 phần cho 3 anh em”, Chiều Xuân hồi tưởng.