Sự ra đi của các nhạc sỹ lão thành như Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu, Hàn Ngọc Bích, An Thuyên, Trần Văn Khê để lại một khoảng trống khó có thể bù đắp cho âm nhạc Việt Nam.
Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, nền âm nhạc Việt Nam đã phải chứng kiến sự ra đi của nhièu "cây đại thụ" như Hàn Ngọc Bích, Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu, Trần Văn Khê, An Thuyên. Sự ra đi của lớp nhạc sỹ “vàng” để lại những khoảng trống khó có thể khỏa lấp cho làng nhạc Việt.
Dù họ có mất đi nhưng những tác phẩm âm nhạc của họ vẫn trường tồn trong trái tim của những người yêu nhạc trong cả nước.
Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích – cha đẻ của những ca khúc thiếu nhi
Có lẽ, bất cứ ai trong chúng ta cũng từng nghêu ngao những ca khúc thiếu nhi vui nhộn nhưng đầy ý nghĩa của nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích. Những bài hát như Rửa mặt như mèo, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Bay trong đêm pháo hoa, Tre ngà bên lăng Bác…là những ca khúc quen thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Hàn Ngọc Bích sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông từng là giáo viên giảng dạy tại tỉnh Hà Tây đồng thời có hàng chục năm công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích cũng là 1 trong 2 tác giả biên soạn cuốn Sách giáo viên hát nhạc.
Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích - nhạc sỹ được các thế hệ thiếu nhi Việt Nam yêu mến
Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích có cuộc sống bình yên và ấm áp bên cạnh người vợ là bà Nguyễn Thị Thanh. Hai người có mối tình “sét đánh” khi ông về Hà Tây (cũ) dạy học năm 1968. Từ đó, bà Nguyễn Thị Thanh trở thành người bạn đời âm thầm đứng sau những thành công của nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích.
Sinh thời, Hàn Ngọc Bích nổi tiếng với các ca khúc viết cho thiếu nhi. Ông có khoảng 40 ca khúc thiếu nhi được các thế hệ trẻ Việt Nam thuộc nằm lòng.
Ngày 1/5 vừa qua, nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích qua đời sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư phổi, ông hưởng thọ 75 tuổi. Sự ra đi của ông để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho các thế hệ khán giả yêu nhạc Việt.
Nhạc sỹ Phan Nhân – nhạc sỹ miền Nam đau đáu về Hà Nội
Nhạc sỹ Phan Nhân tên thật là Liêu Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15-5-1930 tại Long Xuyên, An Giang. Ông từng gắn bó với Đài tiếng nói Việt Nam trong một thời gian dài (từ năm 1959 đến năm 1975). Sau khi giải phóng, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam II đến khi nghỉ hưu.
Nhạc sỹ Phan Nhân may mắn có được người bạn đời chung thủy, tận tụy - NSƯT Phi Điểu
Nhạc sỹ Phan Nhân sáng tác không nhiều. Tuy nhiên, những ca khúc của ông thường để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu nhạc. Những ca khúc như Hà Nội niềm tin và hy vọng, Em ở nơi đâu, Thành phố của tôi, Trên quê hương Minh Hải, Tình bạn già, Cây đàn guitar VictoHara...do ông sáng tác chắc chắn sẽ sống mãi trong lòng khán giả Việt Nam. Ông cũng có một số sáng tác cho thiếu nhi như Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác...được đông đảo các bạn nhỏ yêu thích.
Sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng nhạc sỹ Phan Nhân lại rất yêu thích các làn điệu dân ca Bắc bộ. Những ca khúc như Em ở nơi đâu, Nhớ về Pác Bó,…mang đậm âm hưởng dân ca Bắc bộ. Đặc biệt, chỉ riêng ca khúc Hà Nội – niềm tin và hi vọng đã đủ sức đưa Phan Nhân trở thành một trong những nhạc sỹ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam.
Có lẽ thành công lớn nhất của nhạc sỹ Phan Nhân chính là có được người bạn đời yêu thương hết mực – nghệ sỹ ưu tú Phi Điểu. Nghệ sỹ Phi Điểu là một giọng đọc quen thuộc đã làm mê đắm không biết bao nhiêu thính giả của Đài tiếng nói Việt Nam trong tiết mục Đọc chuyện đêm khuya. Gắn bó với nhạc sỹ Phan Nhân hơn nửa thế kỷ (từ năm 1950), nghệ sỹ ưu tú Phi Điểu không chỉ là người bạn đời mà còn là một người “đồng sáng tác”, một trợ thủ đắc lực góp phần vào thành công cho những sáng tác của chồng.
NSƯT Phi Điểu chăm sóc chồng tận tình trong những ngày cuối đời
Ngày 29/6 vừa qua, người yêu nhạc trong cả nước bàng hoàng khi nghe tin nhạc sỹ Phan Nhân đã qua đời sau hơn 2 tháng chiến đấu với bệnh suy tim và ung thư phổi. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống khó có thể khỏa lấp trong làng âm nhạc Việt Nam.
Với những nỗ lực của mình, nhạc sỹ Phan Nhân được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (2001), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, cùng nhiều huy chương và giải thưởng uy tín khác.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu – “cách chim vàng” của nhạc Việt
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 tại Đà Nẵng trong một gia đình có 11 người con. Ông tham gia hoạt động âm nhạc khá sớm. Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là “cánh chim vàng” của làng nhạc Việt.
Phan Huỳnh Điều - Người chắp cánh cho những bài thơ tình lãng mạn
Phan Huỳnh Điểu để lại cho hậu thế hơn 100 ca khúc. Những tác phẩm âm nhạc của ông như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng... đã trở thành những tình khúc sống mãi trong trái tim của người yêu nhạc Việt Nam.
Điều thú vị là, hơn 1 nửa trong gia sản sáng tác khá đồ sộ của Phan Huỳnh Điểu được ông phổ thơ. Có thể nói, âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu đã góp phần chắp cánh cho những bài thơ tình lãng mạn của Xuân Quỳnh, Trần Đình Chính, Ngọc Anh…bay xa.
Ngoài phổ nhạc cho các bài thơ tình lãng mạn, Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc cách mạng được đông đảo nhân dân yêu mến. Những ca khúc như Hành khúc ngày và đêm, Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, Giải phóng quân…với giai điệu hùng hồn, khỏe khoắn đã góp phần khích lệ tinh thần chiến đầu của đồng bào và chiến sỹ cả nước trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt.
Ngoài ra, một số sáng tác cho thiếu nhi của Phan Huỳnh Điểu như Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác,…cũng được rất nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc nằm lòng.
Khoảnh khắc đời thường của Phan Huỳnh Điểu
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu may mắn có được người bạn đời chung thủy, giàu đức hi sinh. Gắn bó với Phan Huỳnh Điểu hơn 60 năm, bà Phạm Thị Vân đã chia sẽ những vất vả, thầm lặng đứng phía sau những thành công của chồng. Trong những ngày ông bị bệnh nặng, bà cũng chính là người chăm sóc chu đáo cho ông.
Ngày 29/6, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Thống nhất (TP. Hồ Chí Minh) hưởng thọ 92 tuổi.
Giáo sư Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê là tiến sỹ âm nhạc học đầu tiên của Việt Nam. Ông sinh ngày 24/7/1915. Trần Văn Khê mồ côi từ rất sớm: lên 9 tuổi mẹ mất, 10 tuổi mồ côi cả cha. Ông được một bà cô nuôi nấng và dạy dỗ vô cùng chung đáo và bài bản.
Năm 1958, Trần Văn Khê đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne với luận án về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông đã trở thành tiến sỹ âm nhạc học đầu tiên của Việt Nam.
Trong suốt hơn 50 năm hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của mình, Trần Văn Khê đã đi qua 67 nước để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Với hoạt động tích cực của mình, Trần Văn Khê đã góp phần quan trọng truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam cho bạn bè quốc tế.
Giáo sư Trần Văn Khê
Ông tự ghi âm 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sỹ Việt Nam; trên 300 giờ âm nhạc Châu Á, châu Phi, chụp hơn 8.000 tấm ảnh, dương bản, ảnh màu hoặc đen trắng về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và tại nhiều nước đã đi qua. Ông thu thập được gần 500 đĩa hát của các nước trên thế giới, thực hiện được hơn 15 đĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Do tuổi cao, bệnh nặng, Giáo sư Trần Văn Khê đã để tạ thế ngày 24/6/2015. Sự ra đi của ông là tổn thất vô cùng lớn lao cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Mặc dù vậy, gia sản nghiên cứu đồ sộ mà ông để lại cho hậu thế sẽ góp phần quan trọng và việc giữa gìn và phát huy âm nhạc dân tộc.
Nhạc sỹ An Thuyên – người con ưu tú của xứ Nghệ
Thiếu tướng – nhạc sỹ An Thuyên là người con ưu tú của xứ Nghệ anh hùng. Nhạc sỹ An Thuyên tên thật là Nguyễn An Thuyên sinh và và lớn lên ở vùng quê Quỳnh Lưu – Nghệ An.
Nhạc sỹ An Thuyên bắt đầu sáng tác năm 1972 với ca khúc Em chọn lối này. Các ca khúc của nhạc sỹ An Thuyên thường lay động tâm hồn người nghe bởi giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn và đậm chất âm nhạc xứ Nghệ. Những ca khúc như Ca dao em và tôi, Huế thương, Chín bậc tình yêu, Đêm nghe tiếng đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê,….của ông đã từng làm thổn thức trái tim của hàng triệu người yêu nhạc Việt Nam.
Nhạc sỹ An Thuyên làm thổn thức bao thế hệ nghe nhạc bởi chất dân gian xứ Nghệ đậm đà trong các sáng tác của ông
Nhạc sỹ An Thuyên nguyên làm Hiệu trưởng trường Văn hóa nghệ thuật quân đội, Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá V và hiện là Chủ tịch Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.
Chiều 3/7 vừa qua, người yêu nhạc trong cả nước bàng hoàng trước thông tin nhạc sỹ An Thuyên đột ngột qua đời.
Sự ra đi của nhạc sỹ An Thuyên cùng những nhạc sỹ lão thành khác như Hàn Ngọc Bích, Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu, Trần Văn Khê…để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy cho âm nhạc Việt Nam. Có lẽ phải rất lâu nữa âm nhạc Việt Nam mới lại có những nhạc sỹ tài năng làm nên những ca khúc sống mãi với thời gian như thế hệ của Hàn Ngọc Bích, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, An Thuyên…