Sau tiết lộ về những cuộc tình với những người phụ nữ từng đi qua đời mình trong hồi ký, nghệ sĩ Thương Tín - người được mệnh danh là tài tử một thời đang nhận nhiều sự chỉ trích về việc có đáng mặt đàn ông khi kể chuyện kiểu "đàn bà" hay không?
Có thật người phụ nữ nào cũng bị tổn thương?
Một thời, nghệ sĩ Thương Tín từng được ngưỡng mộ nhờ hào quang nghề diễn nhất là sau vai Sáu Tâm của "Biệt động Sài Gòn". Sau này, những biến động, đổ vỡ trong đời sống riêng tư khán giả biết đến nhưng cũng không khiến hình tượng bị sụp đổ như thời điểm cuốn hồi ký Thương Tín, một đời giông bão phát hành.
Nổi bật trong hồi ký 192 trang này là hình ảnh người đàn ông đào hoa, từng trải tình trường với bao bí mật tưởng chừng "sống để bụng, chết mang theo"?
Câu hỏi đặt ra của đại đa số độc giả sau khi đọc hồi kỳ này là liệu Thương Tín có đáng mặt đàn ông khi kể ra những chuyện rất "đàn bà" nào đã ngủ với ai, bị ai cưỡng bức hoặc nêu tên cô ca sĩ từng phá thai nhiều lần...
Xét ở góc độ thể loại, hồi ký là một dạng tự thuật lại những sự kiện có thật từng xảy ra trong cuộc đời nhân vật. Nhưng nếu những chuyện có thật mà khi kể ra lại ảnh hưởng đến đời sống của người khác thì sẽ thế nào? Ranh giới giữa tôn trọng sự thật và gây họa cho người đời lúc này chỉ còn trong gang tấc.
Diễn viên thương Tín và người tình một thuở Diễm My
Nhưng có thật người phụ nữ nào trong hồi ký của Thương Tín cũng bị tổn thương bởi những điều được coi là sự thật?
Diễn viên Diễm My - người mà Thương Tín kể đã tặng ông đến 80 chiếc quần lót và dùng 3, 4 năm mới hết lại thoải mái đối diện với kí ức này. Đơn giản vì nữ hoàng ảnh lịch đang có cuộc sống viên mãn, chồng bà cũng chấp nhận, chia sẻ quá khứ của vợ nên Thương Tín thành ra rất "đáng yêu"!
Tuy vậy, ngoài Diễm My còn rất nhiều người phụ nữ được điểm danh trong hồi ký Thương Tín. Mỗi người họ hẳn sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau và không phải ai cũng đủ bình thản để đồng cảm với nhân vật chính.
Ngay cả người vợ trẻ hiện tại của ông, chắc gì đã không tổn thương bởi thiên tình sử đầy ngang trái của chồng? Liệu số tiền thù lao hồi ký người chồng góp vào việc trang trải cuộc sống có đủ xoa dịu những nỗi niềm?
Trong cuộc đời một người đàn ông, nên công khai sự thật bằng giấy trắng mực đen như Thương Tín hay chỉ nên kể trên bàn nhậu, trong cuộc vui chén tạc chén thù hoặc vĩnh viễn "đào sâu chôn chặt"? Với cùng một bí mật, khi nào công khai được gọi là dũng cảm, khi nào sẽ trở nên hèn hạ trong mắt mọi người?
Đó là điều không ai lường được. Nhưng văn hóa Việt vốn xem trọng chuyện "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay "đẹp tốt khoe ra xấu xa đậy lại" thì điều đó thường là không phù hợp.
Ai thiệt thòi hơn cả?
Trong lúc diễn viên Thương Tín phân bua mình viết hồi ký như để "trả nợ cuộc đời" thì đa phần độc giả cho đó là hèn hạ, trò kiếm tiền đáng khinh bỉ chính bởi những tình tiết gây sốc trong cuốn sách mà ông và người chấp bút ngay từ đầu đã lựa chọn khai thác...
Sóng gió mà cuốn hồi ký này mang lại khiến nhiều người nhớ đến hồi ký "Lê Vân - Yêu và Sống" phát hành năm 2006.
Thời điểm độc giả nhao vào "ném đá", chụp cho Lê Vân cái tội "bất hiếu" với bố là nghệ sĩ Trần Tiến thì những nhà văn gạo cội như Bảo Ninh nhận định rằng, "cái tội" ấy là do người chấp bút đã không hiểu hoặc không thể hiện được sắc thái tuy hai mà một giữa nỗi oán thán vô hạn và niềm thương yêu vô hạn của cha con Lê Vân nên gây ra những hiểu nhầm đáng tiếc và trong con mắt người trong nghề, đây vẫn là một tác phẩm văn học hay, mang giá trị đích thực.
Thương Tín và vợ trẻ, con thơ
Trên thế giới, không thiếu những cuốn hồi ký đầy khốc liệt, có chết chóc, có đắng cay mà vẫn nhân văn, sâu sắc. Với một cuốn sách dạng hồi ký, ngoài tôn trọng sự thật còn cần tài năng, tâm hồn của người viết để giải quyết được những bi kịch, ranh giới thị phi, định kiến cho nhân vật chính của mình.
Rốt cuộc, ai được, ai mất trong câu chuyện này? Nhà xuất bản nhận doanh thu, người chấp bút có thù lao, người kể được "nhuận miệng", công chúng thỏa chí tò mò, được quyền phán xét...
Trong vô vàn cái "được" kể trên, nếu tác phẩm phát hành bị chỉ trích thì nhân vật chính sẽ chịu thiệt đầu tiên và sẽ chẳng còn lại gì ngoài khoản thù lao đã kí kết trong hợp đồng xuất bản. Riêng những nhân tố khác? Họ vẫn ngồi "chiếu trên".
Cụ thể, nếu sách bán chạy thì nhà xuất bản nối bản, tái bản thu lợi, người chấp bút được hưởng phần trăm, công chúng tiếp tục đón đọc và phán xét?
Còn nhân vật chính như Thương Tín, sẽ chẳng ai hơi đâu đi viết "điếu văn" cho những nỗi thiệt thòi, những nỗi lời ẩn khuất bởi số đông vẫn nghĩ sau thời vang bóng, một người đàn ông kể ra bí mật mà nhiều người muốn quên đi hoặc bị tổn thương, mặc cảm thì có bị chỉ trích cũng đáng lắm!?