Những ngày qua, câu chuyện Trang Khàn sang Mỹ gấp khăn, làm lao công, bị đuổi việc… được dư luận quan tâm. Thực tế, cựu mẫu không phải là người đầu tiên hé lộ những góc khuất cuộc sống của nghệ sĩ Việt Nam tại xứ sở cờ hoa.
"Bằng cấp không có, được 20 đồng/ngày là may rồi"
XEM VIDEO: Trang Khàn gấp chăn kiếm 20 đô/ngày. Nguồn: Trang Trần.
Tháng 12/2023, Trang Trần đưa con gái Kiến Lửa sang Mỹ đoàn tụ cùng chồng. Thời gian này, cô thường xuyên chia sẻ về cuộc sống mới, những khó khăn khi đặt chân tới một đất nước xa lạ. Những clip chia sẻ công việc làm lao công, quét dọn, gấp khăn kiếm 20 đô/ngày của cựu người mẫu thu hút đông đảo khán giả theo dõi.
"Bằng cấp không có, người ta trả lương 20 đồng (20 đô - PV) là may rồi", cựu người mẫu trải lòng.
Trang Trần chia sẻ cô làm nhiều công việc tay chân ở xứ cờ hoa.
Theo Trang Trần, cô không muốn ở nhà chồng nuôi. Cựu người mẫu cho biết giai đoạn này khó tìm việc làm phù hợp bởi không có bằng cấp. Vì muốn tìm hiểu về nghề nail nên cô xin làm lao công cho tiệm nail ở gần nhà để tiện quan sát. Với Trang Trần, niềm vui là được đi làm, được là chính mình.
"Con người phải làm việc cho giải toả năng lượng. Khi các anh lấy vợ, các anh cưng vợ như cưng trứng thì chồng em cũng cưng em vậy. Tại sao chồng em không cho em mua cái tủ đông, chồng em không cho em buôn bán online bên này vì chồng em không muốn em vất vả. Tuy nhiên em thấy con người phải lao động, phải làm việc…", Trang Trần bộc bạch.
Cô cũng khẳng định cuộc sống của nhiều nghệ sĩ hải ngoại mà khán giả thấy "chỉ là đoạn vui thôi, đoạn thật thì không nhìn thấy đâu".
Gia đình hạnh phúc của Trang Trần ở Mỹ.
Những góc khuất của nghệ sĩ Việt Nam tại Mỹ
Nhiều nghệ sĩ cũng từng thừa nhận câu chuyện phải "trầy trật" khi từ bỏ ánh hào quang để sang Mỹ tìm kiếm cơ hội.
Phùng Ngọc Huy sang Mỹ định cư khi sự nghiệp đang phát triển, dần có tên tuổi trong lòng khán giả. Tuy nhiên, thời gian đầu ở xứ cờ hoa, anh phải đi bán mỹ phẩm để mưu sinh. Vì không biết chạy xe nên anh đi xe đạp, khoảng 15-20 phút từ nhà thuê đến chỗ làm. Vào mùa Đông, thời tiết rất lạnh, cứ chạy 5 phút nam ca sĩ lại dừng lại, chà 2 tay vào nhau cho ấm. Nỗi nhớ quê nhà, nhớ sân khấu, đồng nghiệp luôn day dứt trong anh.
Nghệ sĩ Quốc Thảo từng chia sẻ: "10 nghệ sĩ Việt Nam ở Mỹ thì có 9 người rưỡi muốn về" vì thiếu cơ hội làm việc chuyên nghiệp.
Đức Tiến là nghệ sĩ đa tài của showbiz Việt. Anh lấy vợ người Mỹ gốc Việt và sang Mỹ định cư. Chia sẻ với truyền thông trước đó, cựu siêu mẫu nói anh từng phải sống trong khu nhà di động dành cho người nghèo, làm công việc như chuyển hàng về Việt Nam bán, dẫn chương trình... để kiếm tiền.
Trước khi có công ty chuyên về mỹ phẩm, cựu người mẫu Ngọc Quyên phải bán hàng ở siêu thị để kiếm sống. Sau ly hôn, để có tiền nuôi con và lập nghiệp, cô ăn bánh mì các bữa trong ngày bởi "ăn thế mới giàu được".
Không riêng Phùng Ngọc Huy, Đức Tiến, Ngọc Quyên, mà thực tế nhiều nghệ sĩ Việt khi sang Mỹ cũng đi làm thêm những công việc như bưng bê quán ăn, livestream bán hàng... để mưu sinh nơi xứ người.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà NSƯT Quốc Thảo từng nói: "10 nghệ sĩ Việt Nam ở Mỹ thì có 9 người rưỡi muốn về". Theo ông, khi ở đây, nghệ sĩ thiếu cơ hội để làm việc một cách chuyên nghiệp. Ông chia sẻ, ca sĩ hay diễn viên lâu lâu mới có show. Những chương trình lớn thì 3, 4 tháng mới có, hoạ may có những show cuối tuần ở sòng bài, nhà hát..., mang tính chất chia sẻ với nhau nhiều hơn là làm việc chuyên nghiệp.
Nhiều nghệ sĩ Việt vất vả mưu sinh để bám trụ nơi xứ người như người mẫu Ngọc Quyên, diễn viên Hoàng Anh...
"Tại sao lại thấy công việc lao động tay chân là xấu hổ, chỉ có người lười lao động mới đáng xấu hổ", Trang Trần từng tuyên bố.
Thực tế, cuộc sống của nhiều nghệ sĩ Việt ở nước ngoài không hề dễ dàng, cũng chẳng hào nhoáng, "hái ra tiền" như dân tình vẫn nghĩ. Họ cũng phải bươn chải, làm nhiều công việc tay chân khác nhau để mưu sinh, bám trụ với lựa chọn của mình mong tới lúc "đổi đời".
Hiện tại, những chia sẻ của Trang Trần vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Có người cho rằng cựu người mẫu đang "nói quá lên". Đúng sai chỉ người trong cuộc mới rõ, nhưng có một điều Trang Trần nói đúng. Đó là: "Tại sao lại thấy công việc lao động tay chân là xấu hổ? Chỉ có người lười lao động mới đáng xấu hổ".