Là đạo diễn của nhiều tác phẩm kịch nổi tiếng, Quốc Thảo thừa nhận phải học lại từ đầu khi đặt chân đến Mỹ, nhiều lúc cơ cực, tủi thân đến mức không muốn liên lạc với ai khi về Việt Nam.
NSƯT Quốc Thảo là một trong những đạo diễn kỳ cựu và tài năng, từng là diễn viên sân khấu kịch Idecaf vào thời kỳ hoàng kim. Những vở kịch ông tham gia có thể kể đến: 8 người đàn bà, Nắng chiều, Vàng hay bạc nhái… Quốc Thảo hoạt động cùng thời với nhiều nghệ sĩ lớn như Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Ái Như, Thành Hội, Thanh Thủy, Kim Xuân, Minh Nhí…
Đạo diễn - NSƯT Quốc Thảo thời trẻ và hiện tại.
Có thời điểm, nghệ sĩ Quốc Thảo gây tranh cãi với phát ngôn: "10 nghệ sĩ Việt sang Mỹ, 9 người rưỡi muốn về". Thực tế, điều đó được nghiệm ra từ chính câu chuyện cuộc đời ông khi nếm trải nỗi cơ cực nơi xứ người.
"Cô đơn khủng khiếp" trong gần 10 năm ở Mỹ, sợ nghe điện thoại của đồng nghiệp
Đầu những năm 2000, NSƯT Quốc Thảo sang San Diego theo học khoa Nghệ thuật, chuyên ngành Đạo diễn Sân khấu và Điện ảnh. Vốn là cái tên đang nổi ở sân khấu kịch Idecaf, quyết định sang Mỹ của ông được đánh giá là liều lĩnh. Bản thân nam nghệ sĩ thì cho rằng việc nạp thêm kiến thức mới là điều cần thiết nếu không muốn mãi "gặm nhấm" những tư duy, ý tưởng cạn kiệt. Bạn bè, đồng nghiệp đều bất ngờ trước quyết định đột ngột của Quốc Thảo.
Ngày Quốc Thảo tuyên bố đi Mỹ ở tuổi gần 40, ai cũng chửi: "Mày khùng quá, ngu quá, đang ngon lành như vậy mà đi, điên rồi", vì thời điểm đó thật sự là giai đoạn huy hoàng của ông ở Idecaf. Nam nghệ sĩ chấp nhận nhiều rủi ro, kể cả việc phải học lại từ đầu về ngôn ngữ, vừa làm vừa học để mưu sinh.
Đang là ngôi sao sân khấu kịch, Quốc Thảo bị chửi "ngu" khi sang Mỹ.
Những ngày đầu đến Mỹ, rào cản đầu tiên là ngôn ngữ. Dù đã cố gắng cải thiện nhưng với một người đàn ông ở tuổi trung niên như Quốc Thảo, điều này càng khó khăn hơn. Trong ký ức của nam nghệ sĩ, quãng thời gian lúc đó được ví với cụm từ "khủng khiếp", nhưng do "lì" nên ông đã vượt qua.
Vị đạo diễn nổi tiếng tâm sự: "Gần 10 năm tôi ở bên đó là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp. Tôi làm ở nhà hàng Việt Nam với công việc test (nếm thử) đồ ăn, coi vị đó chuẩn chưa, món đó chuẩn chưa, cần thêm gia vị gì rồi đưa ý kiến cho bếp xử lý. Nhờ công việc này, tôi có tiền đóng học phí và sinh hoạt.
Rồi tôi và bà xã mở tiệm nail. Ngày làm nail, tối đi học tới 10 rưỡi mới về. Nhưng số phận sinh tôi ra không phải để làm công việc này. Tôi đi làm mà lòng buồn hiu hắt vì nhớ nghề. Nhất là những khi có bạn bè ở Việt Nam qua diễn, điện cho mình đi xem là tim muốn thắt lại.
Bởi vậy, mỗi lần nghe điện thoại của Hồng Vân, Thành Lộc... ở Việt Nam sang là tôi sợ lắm. Không đi thì không được mà đi thì buồn. Nhất là lúc tiễn bạn ra sân bay về Việt Nam, trên đường lái xe về nhà, tôi không khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra. Cô đơn khủng khiếp. Các bạn được về với gia đình, được làm nghệ thuật còn mình thì đi làm nail. Nghề nail không có gì xấu cả nhưng sở thích, đam mê của tôi không nằm nơi đó. Và đó là động lực thôi thúc khiến tôi phải trở về".
Quốc Thảo có mối quan hệ thân thiết với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Ông bảo có hôm đi làm, khách vào tiệm nhận ra Quốc Thảo từng là diễn viên kịch nổi tiếng, thốt lên: "Sao nghệ sĩ lại đi làm nail". Dù hơi ngại nhưng vì cuộc sống và hoàn cảnh, ông vẫn phục vụ khách bình thường.
Làm nhiều nghề nhưng Quốc Thảo trong những năm tháng ở Mỹ vẫn... nghèo. Bởi dù kiếm tiền khó khăn nhưng ông lại rất "chịu chi", có khi thoải mái trả vài chục ngàn đô chỉ để mua vé xem kịch. Có hôm, ông sẵn sàng bay 4 tiếng sang tiểu bang khác xem chương trình vì đam mê.
Điều nung nấu lớn nhất của người nghệ sĩ này là học hỏi sự mới mẻ của nghệ thuật quốc tế, mang về cống hiến cho quê hương.
Kiếm được bao nhiêu tiền, Quốc Thảo đổ hết vào sân khấu. "Mọi người tưởng tôi làm sân khấu, đào tạo thì lãi lắm. Tôi không đặt lời lãi trong việc đào tạo, chỉ mong đủ vốn để tái tạo vở mới, trả lương cho các thầy cô và một số chi phí khác. Thật lòng, tôi đi dạy ở sân khấu khác thì có lương, còn dạy ở sân khấu của mình thì không. Phần lương đó, tôi chi trả các chi phí khác để sân khấu được hoạt động. Bù lại, tôi được sống trong bầu không khí trường lớp, được cùng học trò thể nghiệm nhiều ý tưởng, được trao kiến thức mình học được ở nước ngoài cho các em", ông nói.
Bị mất lòng vì phát ngôn, ở tuổi xế chiều vẫn còn điều ấp ủ chưa làm được
Sau gần 1 thập kỷ vừa học vừa làm ở xứ người, Quốc Thảo quay trở về quê hương cống hiến. Ông hài lòng với lựa chọn này vì vẫn còn nhiều tham vọng, dự định muốn làm cho sân khấu Việt Nam. "Tôi cứ cảm thấy mình mắc nợ sân khấu, chưa trả được vậy. Tôi chờ tới lúc mình mạnh về tài chính hoặc được ủng hộ để làm những dự án còn ấp ủ bao nhiêu năm nay", nam nghệ sĩ chia sẻ.
Ông nói bản thân như "gã si tình", cứ chạy theo "người yêu" mong chờ được đón nhận. Đến giờ, Quốc Thảo vẫn miệt mài đứng đằng sau cánh gà tạo ra những tác phẩm, chương trình mong được sự đón nhận của công chúng.
Những năm gần đây, ông góp phần sản xuất nhiều gameshow chất lượng cho khán giả như: "Gương mặt thân quen", "Tiếu lâm tứ trụ nhí", "Lò võ tiếu lâm", "Ai cũng bật cười"…
Trong một chương trình khác, ông trải lòng: "Tôi sang Mỹ để đi học và cũng không có mong muốn là sẽ ở lại. Ban đầu tôi có ý định học xong là sẽ về ngay, nhưng cuộc sống bên Mỹ nó cuốn hút mình quá. Song song đó tình yêu nghệ thuật cũng không bao giờ nguội lạnh đối với tôi. Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ tại sao mình không bỏ hết tất cả đi bởi vì cuộc sống bên Mỹ của mình không thiếu gì cả.
Nếu nói giàu thì không phải nhưng tôi có cuộc sống ổn định và mọi thứ đều tốt đẹp. Nhưng niềm đam mê nghệ thuật vẫn cứ đau đáu trong lòng, mỗi lần bên Mỹ có show diễn của các bạn nghệ sĩ Việt Nam mời đi xem tôi đều thấy rất sợ. Đau khổ nhất là khi chương trình kết thúc, tôi lại lái xe về nhà. Những lúc như thế, tôi thấy con đường dài vô tận và thấy mình lẻ loi giữa cuộc sống phồn hoa này. Tôi lại trăn trở tại sao mình không làm nghề mà mình yêu thích. Chính những điều đó đã thôi thúc tôi trở lại".
Có giai đoạn khi về nước, Quốc Thảo từng gây tranh cãi vì phát ngôn: "10 nghệ sĩ Việt sang Mỹ thì 9 người rưỡi muốn về". Nguyên văn chia sẻ của nam nghệ sĩ lúc đó: "Tôi nghĩ 10 người nghệ sĩ sang Mỹ thì 9 người rưỡi muốn về, nếu không muốn nói là cả 10 người. Có những nghệ sĩ tôi biết từng tuyên bố quyết tâm không bao giờ về Việt Nam thì bây giờ cũng đã về rồi. Lý do là nghệ sĩ nào cũng muốn về vì muốn gặp lại khán giả của mình. Ở nước ngoài, chúng tôi có tất cả mọi thứ về vật chất nhưng vẫn có cảm giác không phải nhà của mình. Đó là lý do mà nhiều ca sĩ, nghệ sĩ hải ngoại muốn về Việt Nam".
Hiện tại, Quốc Thảo đã trở về Việt Nam để sống gần gia đình. Những năm tháng trôi nổi nơi đất khách dạy cho ông nhiều bài học đáng quý.
Nam nghệ sĩ tâm sự câu nói này là cách nhìn nhận thực tế đổi bằng gần 10 năm lăn lộn ở Mỹ. Có người đồng tình, nhưng cũng khiến nhiều đồng nghiệp "mất lòng". "Tôi đành phải chịu thôi vì sự thật nó như vậy. Tôi sống ở Mỹ 9 năm nên hiểu được những tâm tư, tình cảm của anh em nghệ sĩ ở Mỹ thế nào, nên tôi biết chắc là như vậy", ông nói.
Đến nay, dù đã cống hiến nhiều nhưng nghệ sĩ Quốc Thảo vẫn có điều tiếc nuối chưa làm được là thực hiện một vở nhạc kịch như những gì đã học hỏi ở Mỹ. Tuy nhiên, kỹ thuật ở Việt Nam chưa cho phép ông làm điều đó. "Tôi vẫn ước mơ có thể quy tụ được lớp diễn viên nổi tiếng ngày xưa như Thành Lộc, Hồng Vân, Minh Nhí, Thanh Thuỷ... cùng hợp lại để làm một vở diễn nhưng vẫn sẽ khó làm được. Các em diễn viên bây giờ được đào tạo nhưng vẫn còn khiếm khuyết nhiều. Tôi vẫn đang ấp ủ sẽ đào tạo được một lứa diễn viên như thời xưa, phải diễn hay như diễn viên, hát hay như ca sĩ và múa được như vũ công", ông chia sẻ.
Cũng trong gần 10 năm ở Mỹ, Quốc Thảo "đứt gánh" hôn nhân 2 lần. Lúc này, ở tuổi xế chiều, ông thừa nhận tình yêu đối với bản thân sẽ khó khăn hơn vì mọi thứ cần phải tính toán, suy nghĩ và lựa chọn cẩn thận. "Với tôi, phải nói là tôi đã 2 lần ngã ngựa rồi thì cảm thấy rất khó để có tình yêu đến với mình. Hiện tại tình yêu của tôi dành cho nghệ thuật, tình yêu của tôi dành cho những học trò của mình nó chiếm nhiều hơn", nam nghệ sĩ nói.