Thịt đỏ, hải sản, trứng, rau xanh, các loại hạt giúp bổ sung sắt, hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu, tăng cường hệ miễn dịch cho phụ nữ sau sinh.
Sau sinh, cơ thể phụ nữ thường mất đi lượng sắt lớn do mất máu, có thể dẫn tới thiếu máu sau sinh, làm suy giảm sức khỏe, mệt mỏi hoặc nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết sắt là khoáng chất cần thiết với cơ thể, chiếm khoảng 0,004% khối lượng trong mỗi tế bào. Sắt hỗ trợ tổng hợp myoglobin và hemoglobin - hai protein liên kết oxy của các tế bào hồng cầu, chứa thành phần nguyên tử là heme (sắt hữu cơ).
Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ sau sinh nên tăng cường bổ sung sắt, giúp cơ thể có đủ nguyên liệu tổng hợp tế bào máu mới, từ đó, khôi phục lại quá trình trao đổi chất, hỗ trợ người mẹ tạo đủ lượng sữa cho con.
Thịt đỏ như bò, heo, cừu, dê chứa hàm lượng sắt cao nằm ở dạng heme, loại sắt dễ hấp thụ có thể nhiều gấp 10 lần so với sắt vô cơ. Thịt đỏ còn giàu folate, vitamin B12 và protein, giúp phụ nữ sau sinh ngăn ngừa thiếu máu.
Hải sản như cá, tôm, cua, sò, nghêu thường có hàm lượng chất sắt dồi dào, tốt cho phụ nữ sau sinh. 100 g nghêu có thể chứa tới 3 mg sắt, đáp ứng 17% nhu cầu sắt hàng ngày của người trưởng thành. Các loại hải sản còn cung cấp hàm lượng vitamin B12 cao, góp phần thúc đẩy chuyển hóa axit folic và tổng hợp ADN, cần thiết để sản sinh tế bào hồng cầu.
100 g cá hồi cung cấp khoảng 4,15 mcg vitamin B12, tương đương 173% nhu cầu vitamin B12 hàng ngày của người trưởng thành. Phụ nữ sau sinh có thể ăn 58 g cá hồi là cung cấp đủ cho cơ thể lượng vitamin B12 cần thiết cho cả ngày.
100 g trứng chứa 1,67 mg sắt, 1,02 mcg vitamin B12 và 12,4 g protein, giúp quá trình sản xuất hồng cầu ở tủy xương diễn ra hiệu quả. Trứng gia cầm còn chứa nhiều DHA và choline, hỗ trợ phụ nữ sau sinh duy trì sức khỏe não bộ, thị giác và hệ thống thần kinh.
Rau xanh như rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, cải thìa, cải ngọt, bông cải xanh thường giàu chất sắt, hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu sau sinh, hạn chế táo bón, góp phần tống sản dịch sau sinh ra ngoài. Rau xanh có nhiều vitamin C, tăng cường hấp thu sắt, nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
Các loại hạt như hạt bí xanh, hạt chia, hạt điều, óc chó, hạnh nhân thường chứa hàm lượng sắt dồi dào, góp phần quan trọng trong quá trình tạo máu của cơ thể. Trung bình 100 g hạt bí xanh cung cấp 3,31 mg sắt, tương đương 18,3% nhu cầu sắt hàng ngày của người trưởng thành. Hàm lượng vitamin B12 và B9 (folate) trong các loại hạt khá cao, thúc đẩy quá trình hình thành tế bào hồng cầu. Một số loại hạt còn chứa nhiều vitamin C, giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
Lượng sắt cần bổ sung cho mỗi phụ nữ sau sinh có thể khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như lượng máu mất, sinh mổ hay thường, chế độ ăn trước đó ra sao. Tuy nhiên, bổ sung sắt quá nhiều có thể tăng nguy cơ dẫn đến ngộ độc sắt, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo phụ nữ nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa hoặc huyết học và đi khám dinh dưỡng trước khi bổ sung sắt. Xét nghiệm vi chất bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC có thể xác định mức độ thiếu sắt và các vi chất khác sau sinh. Từ đó, bác sĩ tư vấn xây dựng chế độ dinh dưỡng và hàm lượng, cách thức bổ sung sắt phù hợp.