Mới đây, một công ty Dược của Nhật Bản xác nhận đã có 5 người tử vong liên quan đến việc sử dụng thực phẩm bổ sung (thường gọi là TPCN) từ men gạo đỏ. TPCN xưa nay vẫn được cho là ‘lành’ và được nhiều người ưa chuộng sử dụng để nâng cao sức khoẻ.
Tuy nhiên, việc hướng dẫn và sử dụng thực phẩm chức năng đang tỏ rõ nhiều bất cập gây nguy cơ định hướng sai cho người bệnh dùng thay thuốc để chữa bệnh.
Bài viết dưới dây sẽ giúp đọc giả nhìn nhận một cách khái quát và rõ hơn về vấn đề này.
1. Khái lược về thực phẩm chức năng
Trước tiên phải khẳng định:
- Thực phẩm chức năng không phải là thuốc mà là thực phẩm cần cho cơ thể (nhưng không nhất thiết phải dùng), được sản xuất trên dây truyền công nghệ cao (đạt tiêu chuẩn GMP), có trong thành phần chủ yếu là các hoạt chất cũng được dùng làm thuốc nhưng đa phần với hàm lượng không phù hợp đủ liều lượng giúp điều trị bệnh.
- Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc chữa bệnh, nó chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thể sử dụng riêng nó chữa khỏi bệnh.
Hiện tại, về phương diện sử dụng không có ranh giới phân biệt tuyệt đối giữa thực phẩm chức năng và thuốc, chỉ có thể phân biệt thông qua việc đăng ký sản phẩm. Một số thực phẩm chức năng có thành phần, nồng độ hàm lượng đóng gói phù hợp liều điều trị thì cũng không thể coi là thuốc hỗ trợ điều trị .
- Một số thực phẩm chức năng cũng gây ra các phản ứng phụ cho người dùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây sốc phản vệ. Một số ít có hoạt chất tổng hợp hàm lượng cao, hoặc nguồn gốc dược liệu dùng quá liều có thể ngộ độc.
Khoa học y dược không có khái niệm "thảo dược hoàn toàn không độc" như nhiều nhà sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng vẫn quảng cáo.
Thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị bệnh. Không dùng TPCN như là một loại thuốc điều trị bệnh.
- Tất cả mọi quảng cáo thực phẩm chức năng chữa khỏi bệnh đều là lừa dối (dù là nhất thời hay lâu dài). Mọi trường hợp chỉ dùng thực phẩm chức năng chữa bệnh đều không cho kết quả khỏi bệnh (trừ một số bệnh chỉ do thiếu hụt dinh dưỡng vitamin, khoáng, dưỡng chất...)
Tại điều 2, khoản 23, Luật An toàn thực phẩm qui định:
"Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học".
Như vậy tùy thành phần từng sản phẩm, thực phẩm chức năng đầu tiên là cung cấp chất dinh dưỡng nhờ có vitamin, acid amin, acid béo, các nguyên tố vi lượng... Sau đó có thêm các chức năng khác như hỗ trợ tăng đề kháng, góp phần thiết lập cân bằng các rối loạn về chuyển hóa và sinh lý bệnh nhờ các chất chống ôxy hóa, các loại enzyme, probiotic (men tiêu hóa sống), các chất xơ, số ít các chất có hoạt tính sinh học bổ trợ.v.v…
2. Tác dụng chung của thực phẩm chức năng
Nhấn mạnh thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh, chỉ là sản phẩm có thể dùng kèm thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Một số thực phẩm chức năng có thành phần, nồng độ, hàm lượng đóng gói phù hợp liều điều trị như thuốc thì cũng không thể coi là thuốc chính, chỉ có vai trò phụ trợ.
Tác dụng chung của thực phẩm chức năng bao gồm:
- Bổ sung dinh dưỡng gồm các loại đường bột, chất béo, acid amin, vitamin, khoáng chất, men vi sinh...
- Bù đắp các thành phần hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể.
- Một số có phối hợp các thành phần giúp tăng sức đề kháng trước các nguy cơ bệnh tật
- Một số ít chống gốc tự do cho tác dụng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
- Số khác hướng vào hỗ trợ làm đẹp tăng thẩm mỹ cơ thể.
Theo các nghiên cứu khoa học, các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ nên được dùng với liều thấp nhất có hiệu quả và thời gian ngắn nhất.
3. Cần tỉnh táo trong việc mua và sử dụng đúng thực phẩm chức năng
3.1. Không cần dùng TPCN nếu hoàn toàn khỏe mạnh bình thường
Nếu cơ thể khỏe mạnh bình thường không cần phải dùng bất cứ một loại thực phẩm chức năng nào, kể cả thuốc bổ. Tự cơ thể có thể hấp thu và điều tiết đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu cần thiết. Hãy nhớ rằng nhiều thực phẩm chức năng có hoạt chất không khác gì việc bổ sung nó qua thực phẩm sử dụng hàng ngày với chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.
3.2. Không dùng riêng TPCN để chữa bệnh
Trong điều trị bệnh, đặc biệt là các tình huống cấp bách, các bệnh hiểm nghèo, các bệnh mãn tính... đe dọa trực tiếp đến tính mạng trước tiên bắt buộc phải điều trị bằng thuốc đi kèm các thủ thuật, kỹ thuật hỗ trợ hay can thiệp khi cần thiết. Thực phẩm chức năng chỉ dùng để hỗ trợ điều trị khi đã qua tình trạng bệnh tiến triển, cấp bách.
Nên nhớ rằng tốt đến đâu thì nó cũng chỉ có vai trò hỗ trợ điều trị ở mức khiêm tốn.
3.3. Tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ để hiểu rõ về sản phẩm có phù hợp không
Tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung khẳng định "chữa khỏi 100%", "vĩnh biệt căn bệnh"... đều là lừa dối người tiêu dùng. Theo số liệu công bố của Cục ATTP, hiện nay "có tới 99% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội không đúng sự thật".
Thực trạng phổ biến là "đăng ký một đằng, quảng cáo một nẻo", thậm chí nhiều loại được quảng cáo như một thứ "thần dược" có khả năng kỳ diệu, chữa "bách bệnh". Điều này, Cục An toàn thực phẩm thường xuyên đưa ra các cảnh báo.
Điều đáng nói, quá nhiều người kinh doanh thực phẩm chức năng không có chuyên môn về y dược, không hiểu sản phẩm, không kiểm soát được chất lượng của sản phẩm.
3.4. Hãy cân nhắc giá trị thật sự và giá cả có hợp lý và tương xứng hay không (nếu có thể)
Trước khi quyết định chọn mua và sử dụng 1 loại thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần quan tâm tìm hiểu kỹ về thành phần có trong sản phẩm. Tốt nhất hãy tham vấn, qua trợ giúp trực tiếp của dược sĩ, bác sĩ tin cậy.
Có thể tìm hiểu có chọn lọc thông qua tài liệu hướng dẫn, qua các trang mạng chuyên môn uy tín (nếu có kiến thức nhất định).
a. Thành phần công bố của thực phẩm thế nào ?
Thành phần trong thực phẩm chức năng quan tâm có thực sự có tác dụng với yêu cầu dinh dưỡng và tình trạng bệnh tật hay không ?
Trên thực tế, đa phần thực phẩm chức năng không ghi rõ và đầy đủ những thông tin cần thiết về thành phần, nồng độ hàm lượng. Một số sản phẩm nội địa, tem nhãn tiếng Việt, nhưng nội dung công bố thành phần hoàn toàn bằng tiếng Anh nên nhiều người dùng không thể đọc hiểu.
b. Nồng độ hàm lượng công bố trên nhãn, bao bì thực phẩm có đảm bảo cho nhu cầu hỗ trợ hiệu quả không ?
Đa số hoạt chất trong thực phẩm chức năng có nồng độ, hàm lượng thấp hoặc rất thấp, không phù hợp để dùng làm thuốc do đó đừng lầm tưởng nó như là thuốc. TPCN thường được công bố thành phần không thống nhất cho 1 đơn vị đóng gói nhỏ nhất, nồng độ hàm lượng có thể là của 1v, 2v, 10v... cho 1 vỉ nhiều viên, cho 1 hộp nhiều vỉ nhiều gói, 1 lọ nhiều viên, nhiều ml... rất dễ nhầm lẫn là của 1 đơn vị chia liều nhỏ nhất (viên, ống, gói, lọ đơn liều, ml...).
Nhiều sản phẩm công bố nồng độ, hàm lượng chuyển đổi thành đơn vị tính không phổ biến thông thường như UI, mmol, microgam... rất khó phân biệt, dễ nhầm lẫn khó tính toán liều sử dụng.
c. Cân nhắc về giá cả và nguồn gốc
Thực phẩm chức năng không thuộc nhóm hàng phải quản lý bình ổn giá, nên nhiều sản phẩm có giá rất cao so với thuốc. Để đánh giá, nên tham khảo ý kiến đánh giá và tư vấn của các bác sĩ, dược sĩ tin cây, có am hiểu để phân biệt và đề phòng "ma trận" giá cả.
Nên nhớ: Không phải giá cao thì sản phẩm sẽ tốt hơn.
3.5. Không nên mua TPCN trên mạng xã hội nếu chưa hiểu đầy đủ về sản phẩm cần mua
- TPCN là sản phẩm cần thiết, nhưng không nhất thiết phải dùng, không thể thay thế thuốc.
- Dù không phải kê đơn, song vẫn phải lưu ý dùng đúng đối tượng, dùng đúng cách mới cho hiệu quả đúng nghĩa.
- Không mua và dùng thực phẩm chức năng theo cảm nhận đám đông mà bỏ qua tư vấn từ thầy thuốc.