Các mốc khám thai định kỳ quan trọng, mẹ bầu tuyệt đối không được bỏ qua

Minh An - Ngày 22/08/2022 16:00 PM (GMT+7)

Khám thai đầy đủ, đúng lịch giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh thì khám thai định kỳ rất quan trọng. Mẹ cần tuân thủ đúng và đầy đủ lịch khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và sự phát triển của em bé trong bụng. 

Lịch khám thai định kỳ chuẩn cho bà bầu 

Ngay từ khi biết mang thai, điều đầu tiên mà các mẹ phải làm đó là lựa chọn cho mình một bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để bắt đầu lên lịch khám thai định kỳ. Việc tuân thủ khám thai trước khi sinh rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Quan sát cho thấy khi người mẹ không được theo dõi thai kỳ thường xuyên, con của họ có nguy cơ sinh ra nhẹ cân cao gấp 3 lần.

Khám thai định kỳ là việc làm rất cần thiết, mẹ bận đến mấy cũng phải tuân thủ đầy đủ. (Ảnh minh họa)

Khám thai định kỳ là việc làm rất cần thiết, mẹ bận đến mấy cũng phải tuân thủ đầy đủ. (Ảnh minh họa)

Lịch khám thai định kỳ được các bác sĩ khuyến cáo như sau:

- Tuần 4 - 28: Khám 1 lần/ tháng

- Từ tuần 28 - 36: Khám thai 2 tuần 1 lần.

- Từ tuần 36 - 40: Khám thai 1 lần 1 tuần.

Đây là lịch khám thai định kỳ chuẩn được các bác sĩ khuyến cáo dành cho các mẹ bầu. Khi khám thai, nếu phát hiện những bất thường các bác sĩ có thể yêu cầu mẹ khám thai nhiều hơn so với lịch khám chuẩn này.

Các mốc khám thai quan trọng nhất mẹ bầu không nên bỏ qua 

Với lịch khám thai định kỳ trên sẽ kèm theo các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ. Những mốc khám thai quan trọng đó là:

Mốc khám thai đầu tiên tuần 6 - tuần 10

Mốc khám thai lần đầu tiên được thực hiện ngay sau khi mẹ phát hiện mình mang thai. Có thể mẹ phát hiện sớm từ tuần thứ 4, nhưng cũng có mẹ phải đến sau trễ kinh 1 - 2 tuần, tức là lúc này thai đã ở tuần thứ 5, 6. Trong lần khám thai đầu tiên này bác sĩ sẽ thực hiện:

- Ghi lại bệnh sử của mẹ bầu và kiểm tra sức khỏe tổng quát của mẹ.

- Ghi lại các chỉ số huyết áp, cân nặng, chiều cao của mẹ để tính chỉ số BMI để đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì... nếu phát hiện bất thường bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ kiểm soát cân nặng trong quá trình mang thai.

- Kiểm tra sức khỏe tổng quát, các vấn đề liên quan tim mạch, hô hấp của mẹ.

- Bác sĩ cũng sẽ căn cứ vào tình trạng của mẹ bầu đưa ra những tư vấn về chế độ ăn uống và lối sống để mẹ thực hiện trong cả thai kỳ.

- Siêu âm thai từ tuần thứ 6 - 9 của thai kỳ để xem em bé có ở đúng vị trí không, tính ngày dự sinh và xác định tim thai (đây là giai đoạn quan trọng, phải xác định được tim thai, nếu giai đoạn từ 6 - 9 tuần thai chưa có tim thai là rất nguy hiểm).

- Mẹ cũng được thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định nhóm máu, tình trạng Rhesus, Hemoglobin, chức năng tuyến giáp, tìm ra các bệnh nhiễm trùng, viêm gan B, HIV, lậu, giang mai (nếu có).

- Xét nghiệm máu để kiểm tra lượng đường trong máu, kiểm tra tình trạng tiểu đường.

- Xét nghiệm nước tiểu để xác định lượng protein, xác định các vấn đề về dấu hiệu tiền sản giật và nhiễm trùng nước tiểu, có thể làm tăng nguy cơ sinh non.

Sau khi đã thử thai lên 2 vạch, mẹ bầu cần đi khám lần đầu để xác định thai đã vào tử cung chưa. (Ảnh minh họa)

Sau khi đã thử thai lên 2 vạch, mẹ bầu cần đi khám lần đầu để xác định thai đã vào tử cung chưa. (Ảnh minh họa)

Mốc khám thai từ tuần 11 - 13

Trong tuần từ 11 - 13 của thai kỳ, khi khám thai các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm quét Nuchal Translucency (NT), siêu âm NT là quan trọng nhất trong lần lần khám thai này, các bác sĩ sẽ thực hiện:

- Chụp độ mờ da gáy đo độ dày của chất lỏng để đánh giá nguy cơ mắc hội chứng Down.

- Khám thai tuần thai này cũng kiểm tra huyết áp, đo cân nặng, xác định mức độ tăng cân của mẹ để hiểu được sự phát triển của thai.

- Mốc khám thai này cũng sẽ là bước đánh dấu cho quá trình bổ sung sắt và canxi cho mẹ bầu.

Mốc khám thai tuần thứ 16

Tuần thứ 16 khám thai bác sĩ sẽ xác định:

- Huyết áp và cân nặng của mẹ.

- Khám bụng và kiểm tra sự phát triển của bé.

- Từ tuần khám thai này mẹ bầu có thể nghe được nhịp tim của thai nhi.

- Giai đoạn này mẹ tiếp tục bổ sung sắt và canxi. Đặc biệt bổ sung sắt quan trọng trong giai đoạn này, nếu thiếu sắt mẹ sẽ bị thiếu máu, thiếu lượng máu cần thiết cho thai phát triển.

- Tuần thứ 16 mẹ bầu đã thích nghi với những thay đổi trong cơ thể mình.

Mốc khám thai tuần 18 - 24

Lần khám từ tuần thứ 18 - 24 cũng là một trong các mốc khám thai quan trọng. Mốc khám thai này là nửa chặng đường mang thai. Khi khám thai lần này mẹ bầu sẽ biết được:

- Kiểm tra huyết áp, cân nặng của mẹ để xác định sự phát triển của bé.

- Lần siêu âm này đã có thể nhìn thấy hầu hết các cơ quan quan trọng của bé như hình dạng và cấu trúc của đầu, mặt, chiều dài và mặt cắt của cột sống, thành bụng, tim, dạ dày, thận, cánh tay, chân, bàn tay và bàn chân.

- Lần kiểm tra này cũng giúp xác định tình trạng phát triển, chuyển động của thai nhi, sự phát triển của các cơ quan nội tạng, phát hiện những dị tật nếu có.

- Bác sĩ cũng kiểm tra nhau thai, nước ối và dây rốn để xem sự phát triển của thai nhi.

Mốc khám thai tuần 24 - 26

Vào mốc khám thai này, các bác sĩ sẽ thực hiện:

- Khám và kiểm tra huyết áp, cân nặng, vùng bụng của mẹ bầu để đảm bảo mẹ có cân nặng an toàn, thai nhi phát triển tốt.

- Siêu âm nghe nhịp tim của thai nhi, xác định sự phát triển của thai nhi.

- Thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hemoglobin, dựa trên kết quả này xác định mẹ bầu có thiếu sắt hay không và mức độ bổ sung sắt.

- Xét nghiệm glucose tầm soát tiểu đường thai kỳ. Xác định tiểu đường thai kỳ đặc biệt quan trong trong tuần khám thai này từ đó có những hành động cần thiết đảm bảo an toàn cho mẹ và sự phát triển của thai.

- Mốc khám thai tuần thứ 26 có thể sẽ được khuyến cáo nên tiêm phòng cúm cho bà bầu.

Mốc khám thai tuần 24 - 26 là thời điểm tiến hành tầm soát tiểu đường thai kỳ. (Ảnh minh họa)

Mốc khám thai tuần 24 - 26 là thời điểm tiến hành tầm soát tiểu đường thai kỳ. (Ảnh minh họa)

Mốc khám thai tuần 28

Mốc khám thai tuần 28 cực kỳ quan trọng, trong lần khám thai này bác sĩ sẽ thực hiện:

- Tiếp tục theo dõi huyết áp, cân nặng, khám vùng bụng, xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hemoglobin để xác định bổ sung sắt cho thai kỳ.

- Lần khám này xác định mẹ bầu có khả năng mắc uốn ván khi mang thai hay không. Uốn ván cực kỳ nguy hiểm, có thể gây nhiễm trùng huyết, gây tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh. Lần khám này mẹ sẽ được khuyến cáo tiêm vacxin uốn ván.

- Khám thai tuần 28 - 32 cũng đo chu vi đầu của em bé (HC) và bụng của em bé (AC), chiều dài xương đùi của em bé (FL) và độ sâu của nước ối xung quanh em bé. Xác định em bé có lớn hơn so với bình thường hay không. Các tuần tiếp theo cũng sẽ theo dõi sự phát triển của em bé và bác sĩ có những tư vấn cụ thể cho mẹ bầu.

Mốc khám thai tuần 30 - 36

Từ tuần 30 trở đi mẹ đã gần đến ngày sinh, có thể sinh bất cứ lúc nào nên mẹ cần đến khám thai 2 tuần 1 lần. Lần khám thai này sẽ xác định:

- Kiểm tra đường huyết, huyết áp, cân nặng và đo vùng bụng để biết em bé đang phát triển có tốt không.

- Xác định nhịp tim của thai nhi có đang hoạt động tốt hay không.

- Xác định vị trí nằm của thai nhi có tốt hay không.

- Lần khám này cũng sẽ tiến hành khám vú để chuẩn bị cho con bú sau này.

- Tuần thai thứ 36 mẹ đến khám để tiêm 2 mũi vắc-xin giải độc tố uốn ván.

Mốc khám thai tuần 37 và 38

Từ tuần 36 của thai kỳ, mẹ bầu cần khám thai mỗi tuần một lần. (Ảnh minh họa)

Từ tuần 36 của thai kỳ, mẹ bầu cần khám thai mỗi tuần một lần. (Ảnh minh họa)

Từ sau tuần 36 của thai kỳ trở đi, mẹ sẽ đến khám thai hàng tuần. Khám tuần thai này sẽ thực hiện:

- Tiếp tục theo dõi huyết áp, đường huyết, cân nặng, vòng bụng, nhịp tim thai để biết bé có phát triển tốt hay không.

- Mốc khám thai này xác định được vị trí thai nhi có thuận lợi cho việc sinh hay không. Tư thế thuận lợi nhất là tư thế đầu bé quay xuống dưới.

- Một số thai nhi ngôi mông thai ngược có thể được chẩn đoán phải sinh mổ.

- Mốc khám thai này xác định mẹ có thể sẽ sinh bất cứ lúc nào. Nếu mẹ có những dấu hiệu như đau bụng, chảy nước âm đạo, thai nhi giảm cử động, chảy máu âm đạo thì có thể được chỉ định sinh con ngay.

Mốc khám thai tuần 39 - 40 tuần

Tuần thai thứ 39 của thai kỳ đã gần tới ngày sinh. Khi khám mẹ được tiếp tục theo dõi huyết áp, cân nặng, nhịp tim thai. Theo dõi ngôi thai thuận hay ngược và những biểu hiện bất thường chuẩn bị sinh.

Nếu mẹ chưa sinh con ở tuần thứ 40 thì bắt buộc phải tới bệnh viện để thực hiện khám. Bác sĩ sẽ thực hiện khám như các tuần thai trước, khám âm đạo để kiểm tra mức độ thuận lợi của cổ tử cung chuẩn bị cho quá trình sinh con.

Trên đây là các mốc khám thai quan trọng cũng như diễn giải những việc thực hiện trong những lần khám thai. Mẹ bầu cần tuân thủ các mốc khám thai định kỳ để đảm bảo thai kỳ phát triển bình thường, khỏe mạnh.

Bà bầu uống trà sữa được không, uống bao nhiêu là an toàn?
Loại thức uống yêu thích của nhiều chị em liệu có an toàn trong thời kỳ mang thai?

Dinh dưỡng thai kỳ

Theo Minh An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết