Mẹ bầu hoàn toàn có thể hạn chế tình trạng rạn da trong thai kỳ bằng những phương pháp chủ động.
Rạn da là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai, có thể khiến mẹ bầu buồn phiền, lo lắng. Nhiều mẹ bầu cho rằng việc bị rạn da trong thai kỳ là do di truyền và khó tránh khỏi. Vậy thực tế những nguyên nhân nào dẫn đến rạn da trong thai kỳ và có thể phòng tránh tình trạng này không?
Rạn da khi mang thai là gì?
Đó là khi sau khi phụ nữ mang thai, bụng phình to, da bụng sẽ mỏng dần, các sợi collagen và elastin trên bề mặt da bị co kéo và đứt gãy, xuất hiện các đường dọc hoặc ngang, có chiều rộng, chiều dài và màu sắc khác nhau như màu hồng, đỏ thẫm hoặc nâu. Những vết rạn này sẽ dần dần mất màu sau khi sinh nở, nhưng không có cách nào để tự loại bỏ chúng. Tuy nhiên tùy vào từng cơ địa của mẹ bầu, có người trong suốt quá trình mang thai không bị một vết rạn da nào.
Những vết rạn da xuất hiện khi mang bầu khiến mẹ mất tự tin từ trong thai kỳ đến sau sinh. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị rạn da
Yếu tố di truyền
Các nhà nghiên cứu cho biết vết rạn da thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Do đó, nếu người bà, người mẹ hoặc chị em gái của mẹ bầu bị rạn da thì rất có thể mẹ sẽ có nguy cơ cao bị rạn da khi mang thai và sau sinh hơn cao hơn so với những phụ nữ khác.
Tăng cân quá mức
Sau khi mang thai, nếu mẹ bầu bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể bị thừa chất dẫn đến tăng cân quá mức, các sợi da liên tục bị kéo căng và bị đứt gãy gây rạn da.
Trong trường hợp bình thường, mức tăng cân tốt nhất khi mang thai là 11 - 16kg để thai nhi phát triển tốt và mẹ bầu không quá béo.
Da thiếu dưỡng chất
Tất nhiên ai cũng mong muốn có một làn da tràn đầy sức sống, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào độ siêng năng của mẹ bầu. Nếu trong thời gian mang thai, mẹ bầu không thường xuyên chăm sóc da bằng cách bổ sung một số loại kem dưỡng, ăn uống đầy đủ Vitamin thì làn da sẽ nhanh chóng bị lão hóa, ít tính đàn hồi, độ co giãn kém có thể dẫn đến rạn da.
Lười tập thể dục thể thao
Theo quan sát có thể thấy tại các vùng bụng, ngực, đùi và cánh tay của mẹ bầu thường dễ bị rạn da nhất. Các vết rạn da sẽ ngày càng lớn hơn khi tuổi thai càng lớn và cân nặng của mẹ tăng càng nhanh. Vì vậy nếu mẹ bầu lười vận động, ít tập thể dục thể thao trước và trong thai kỳ sẽ có tỷ lệ bị rạn da cao hơn các thai phụ khác.
Có nhiều nguyên nhân gây rạn da trong thai kỳ ngoài yếu tố di truyền. (Ảnh minh họa)
Các biện pháp giúp mẹ bầu hạn chế rạn da khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân gây rạn da trong thai kỳ nhưng mẹ cũng hoàn toàn có thể phòng tránh tình trạng này khi áp dụng những biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là các vitamin A, C, E, hay các loại protein để có thể giúp da khỏe mạnh từ bên trong. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp không những đảm bảo được sức khỏe cho thai nhi mà còn có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ bị rạn da khi mang thai.
- Kiểm soát cân nặng khi mang thai theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Mang thai, phụ nữ thường ăn nhiều hơn so với bình thường. Tăng cường dinh dưỡng không đồng nghĩa với việc ăn tăng về số lượng mà là tăng cường dinh dưỡng dựa trên một chế độ ăn uống hợp lý.
- Ở tuần thứ 8 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu có sự phát triển mạnh. Ở giai đoạn này, các mẹ nên dùng kết hợp với các loại kem chống rạn da, làm da săn chắc.
Mẹ bầu nên thoa kem chống rạn da từ sớm để tăng độ đàn hồi cho da. (Ảnh minh họa)
- Có thể massage nhẹ nhàng vùng bụng trong quá trình mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Massage không những giúp mẹ với trẻ được thư giãn mà còn ngăn ngừa khả năng bị rạn da.
- Uống đủ nước để tăng độ đàn hồi cho da.
- Có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga để tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé, đồng thời rèn sự dẻo dai cho da cơ nên cũng có thể hạn chế tình trạng rạn da.