Hành trình sinh con vất vả của người mẹ trẻ 32 tuổi liên tiếp bị sảy thai 13 lần trong 12 năm

Thảo Nguyên - Ngày 10/11/2022 09:34 AM (GMT+7)

Suốt 12 năm qua, người phụ nữ này đã bị sảy thai 13 lần nhưng cô vẫn nỗ lực mang thai và cuối cùng quả ngọt đã đến khi sinh con ở tuổi 32.

Người phụ nữ may mắn trên họ Lưu, 32 tuổi, sống ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Năm 2010, cô Lưu kết hôn khi tròn 20 tuổi. Ngay sau đám cưới, người vợ trẻ này đã rất muốn sinh con nhưng chưa bao giờ chạm được vào ước mơ ấy.

Để có con, mỗi năm cô Lưu đều cố gắng thụ thai nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng sảy thai tự nhiên. Cứ qua 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là cô bị sảy. 

7 năm sau khi kết hôn, năm 2017, cô Lưu quyết định tìm đến bác sĩ để kiểm tra. Sau nhiều xét nghiệm, bác sĩ đã chẩn đoán cô mắc một bệnh tự miễn gọi là lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Khi bị bệnh này, hệ miễn dịch sẽ tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của cơ thể gây viêm nhiễm ở nhiều nơi và có thể khiến mô của một số cơ quan bị tổn thương.

Bác sĩ cũng cho rằng, chính Lupus ban đỏ hệ thống rất có thể là lý do khiến cô Lưu bị sẩy thai liên tục nên khuyên cô không nên cố gắng để có bầu. Mặc dù vậy, bất chấp lời khuyên của bác sĩ, cô Lưu vẫn không từ bỏ mong ước có con của mình và vẫn tiếp tục mang thai.

Tất nhiên những lần mang thai sau của cô Lưu vẫn tiếp tục bị sảy. Cơ thể của người phụ nữ này cũng bị suy yếu và bắt đầu xuất hiện triệu chứng suy giáp. Điều này khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, cô Lưu thường xuyên bị mệt mỏi, chịu đựng kém khi thời tiết lạnh. Dù bệnh tật nhưng cô Lưu vẫn bất chấp rủi ro, tiếp tục mang thai vào tháng 8/2021.

Dù sinh non và chào đời bằng phương pháp sinh mổ nhưng con cô Lưu vẫn rất khỏe mạnh (Ảnh minh họa)

Dù sinh non và chào đời bằng phương pháp sinh mổ nhưng con cô Lưu vẫn rất khỏe mạnh (Ảnh minh họa)

Ở lần mang thai này, may mắn đã đến với cô Lưu khi thai nhi vượt qua được 3 tháng đầu tiên. Cho đến tháng thứ 5 của thai kỳ, người phụ nữ này phát hiện mình bị đau bụng, ra máu và một số triệu chứng khó chịu khác. E ngại bị sảy thai nên cô Lưu đã đến viện kiểm tra.

Các bác sĩ đã phải áp dụng nhiều phương pháp để giảm nguy cơ sảy thai, ngăn nhiễm trùng với một lộ trình điều trị công phu bảo vệ cô Lưu và đứa con trong bụng.

Tháng 3/2022 vừa qua, người phụ nữ này đã sinh con thành công tại Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán. Dù sinh non và chào đời bằng phương pháp sinh mổ nhưng em bé sơ sinh vẫn rất khỏe mạnh. Cô Lưu được xuất viện 3 ngày sau đó.

Bị lupus ban đỏ ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?

Bệnh ban đỏ lupus thường gặp ở phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ do đó vấn đề thai sản cần đặc biệt lưu tâm vì bệnh này và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau.

Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh lupus ban đỏ do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp. Trong đó thận tổn thương nặng nhất với biểu hiện viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong cho người mẹ trong thai kỳ.

Bệnh lupus ban đỏ cũng gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thai sản của bệnh nhân, dẫn tới nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi như tỷ lệ sảy thai và thai lưu, đẻ non, thai chậm phát triển…

Phụ nữ mang thai mắc bệnh lupus ban đỏ cần có kế hoạch cụ thể từ trước khi mang thai (Ảnh minh họa)

Phụ nữ mang thai mắc bệnh lupus ban đỏ cần có kế hoạch cụ thể từ trước khi mang thai (Ảnh minh họa)

Nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống mà có ý định mang thai thì cần phải thông báo cho bác sĩ điều trị vì không phải lúc nào mắc bệnh lupus ban đỏ cũng có thể mang thai vì có thể khiến bệnh nặng lên. Do vậy, khi có kế hoạch mang thai, bệnh nhân cần chuẩn bị trước, khi bệnh ổn định, kiểm soát bệnh lý tốt, cơ hội thành công thai nghén sẽ cao hơn.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ, một số kháng thể tự miễn gây nguy cơ đối với thai nghén. Một số bệnh nhân lưu hành kháng thể SSA, SSB (gây khô mắt, khô môi, khô da, khô tuyến ngoại tiết ở bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ), kháng thể này với nồng độ cao trong máu mẹ qua nhau thai sẽ gây block tim bẩm sinh, làm tim em bé không đều, rời rạc và có thể gây bệnh lupus sơ sinh.

Nói chung với phụ nữ mang thai mắc bệnh lupus ban đỏ cần có kế hoạch cụ thể từ trước khi mang thai, trong quá trình mang thai và sinh con, được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.

Cố gắng có con nhưng Pha Lê từng bị hỏng thai 13 lần: Vì sao nhiều mẹ bầu bị sảy thai liên tục?
Để cố gắng có con và có con gái đầu lòng, ít ai biết nữ ca sĩ gốc Hải Phòng đã từng bị hỏng thai 13 lần.

Câu chuyện mang thai

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dấu hiệu sảy thai