Theo bác sĩ, đây là một mẹ bầu minh chứng rõ nhất cho thai kỳ an vui, 2 mẹ con đều khỏe mạnh, bình an.
Nhắc về những mẹ bầu đã tạo nên điều kỳ diệu mà đến chính bản thân họ cũng không tin nổi khi đón nhận tin vui mang bầu nhờ bí quyết sống an vui, nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch (Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) ấn tượng về câu chuyện của thai phụ T.
Theo bác sĩ kể lại, T. tuy là bệnh nhân của anh nhưng cả 2 người thường nói chuyện thân tình vui vẻ. Hơn 1 năm lập gia đình nhưng vợ chồng T. chưa có bầu dù rất mong muốn. Sau khi kiểm tra, T. tuy mới 25 tuổi nhưng đã bị giảm dự trữ buồng trứng. Nguyên nhân do bị lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng và lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung (Adenomyosis).
Sau đó vài tháng, T. được được tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng vì số noãn quá ít nên chỉ có được 2 phôi nên dự định sẽ làm tiếp rồi mới chuyển phôi. Bởi bản thân thụ tinh ống nghiệm mà chỉ có 2 phôi cũng đủ làm người trong cuộc stress nhiều do nguy cơ thất bại cao khi bỏ ra chi phí điều trị khá lớn.
Nhờ luôn lạc quan, tích cực khi điều trị hiếm muộn và thụ tinh nhân tạo mà mẹ bầu này đã may mắn có thai ngay lần chuyển phôi duy nhất. (Ảnh minh họa)
Thời điểm ấy, do gia đình có việc nên T. cũng phải tạm ngưng điều trị. Đến hơn 1 năm sau người phụ nữ này mới quyết định chuyển phôi sau vài tháng điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung.
“Thật may mắn cho em khi lần chuyển phôi duy nhất này đã có thai ngay. Cầm kết quả xét nghiệm máu mà chính bản thân em cũng không tin đó là sự thật. Bởi ngày đi chuyển phôi, em ấy kể đã gặp 1 phụ nữ khác. Chị này đã chuyển phôi rất nhiều lần thất bại tại các bệnh viện. Vì thế chị ấy phán là chuyển phôi lần đầu không có thai và thành công được khiến em ấy cũng hoang mang”, bác sĩ Thạch kể lại.
Song có lẽ do là người năng động và luôn suy nghĩ tích cực nên nhờ đó mà người vợ này đã may mắn hơn rất nhiều những phụ nữ hiếm muộn khác làm thụ tinh trong ống nghiệm. Từ ngày có tin vui, T. luôn tuân thủ chế độ ăn hợp lý và vận động nhẹ nhàng. Ngoài ra là người thích đi du lịch, T. vẫn rất chịu khó đi chơi các nơi.
“Em ấy thuộc tuýp người vui vẻ, tràn đầy năng lượng và rất chịu khó đi chơi. Em luôn tuân thủ chế độ ăn hợp lí trong thai kỳ và tăng số cân vừa phải đúng theo chỉ số thể trọng của em. Em tập yoga mỗi ngày từ đầu thai kỳ đến 39 tuần nên lúc nào cũng thanh thoát nhẹ nhàng, không dấu hiệu gì mệt mỏi hay nặng nề như các mẹ bầu khác. Thậm chí, mang thai em vẫn sắp xếp đi du lịch trong và ngoài nước như bình thường, đến 34 tuần vẫn còn đi. Có lẽ nhờ như vậy mà mẹ bầu này có được sức khoẻ và tinh thần vô cùng tốt trước khi bước vào phòng mổ. Em cũng muốn sinh thường nhưng đợi mãi thai vẫn là ngôi mông nên đành chọn mổ lấy thai”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Thạch, đây là một mẹ bầu minh chứng rõ nhất cho thai kỳ an vui, 2 mẹ con đều khỏe mạnh, bình an. Đặc biệt do mẹ bầu này duy trì 1 chế độ ăn uống hợp lý, cân nặng của con tốt và thai khỏe. Dù T. tăng chỉ 8kg trong thai kỳ nhưng khi chào đời, con vẫn được gần 3,6kg và dài 50cm. Hiện mẹ bỉm sữa trên đang ở cữ vẫn mong nhanh chóng hết 3 tháng cữ sẽ cùng lôi con theo những chuyến du lịch sắp tới của 2 vợ chồng.
Dù T. tăng chỉ 8kg trong thai kỳ nhưng khi chào đời, con vẫn được gần 3,6kg và dài 50cm (Ảnh: BSCC)
Chia sẻ về tầm quan trọng của tâm lý thoải mái, vui vẻ khi mang thai, bác sĩ Thân Trọng Thạch khẳng định: Mang thai là quá trình dài đầy căng thẳng, mệt mỏi và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các mẹ bầu. Nhưng kết quả của quá trình này lại là sự hạnh phúc tột cùng khi đón chào một thành viên mới trong gia đình. Vì vậy mẹ bầu cũng như cả gia đình nên chuẩn bị một tâm lý trước khi quyết định mang thai và trong suốt thai kỳ. Điều này sẽ giúp các chị em bớt lo lắng, phiền muộn, tạo ra những biến chuyển về sức khỏe tốt hơn cho cả thai phụ và thai nhi. Ngoài ra, còn giúp quá trình sinh con, hồi phục sau sinh trở nên thoải mái, dễ dàng hơn.
Trái lại nếu có tâm lý căng thẳng stress khi mang thai thì cả thai kỳ sẽ khiến thai phụ đối mặt với nhiều nguy cơ như: sảy thai, thai nhẹ cân, bé có nguy cơ tự kỷ sau này…