Rất may mắn trong lần chuyển phôi đầu tiên, mọi chuyện đều suôn sẻ, chị T.N đã có bầu. Đây là niềm vui không chỉ riêng vợ chồng hiếm muộn này mà còn của gia đình nội ngoại 2 bên.
Cưới nhau đã 8 năm nay nhưng vợ chồng T.N (Thành phố Quy Nhơn) bị hiếm muộn chưa một lần được đón nhận tin vui con cái. Nguyên nhân là do T.N bị đa nang buồng trứng 2 bên và tử cung đôi, còn chồng chị hoàn toàn bình thường.
8 năm hiếm muộn, họ đã chạy chữa rất nhiều nơi, uống đủ các loại thuốc, thậm chí còn đi cầu con theo lời mọi người mách bảo nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười. Cho đến lúc họ đã nản chí, muốn từ bỏ thì may mắn mỉm cười.
Khi tới thăm khám, bác sĩ sản khoa Thân Trọng Thạch (ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh) đã giải thích cụ thể tình trạng đa nang 2 buồng trứng và tử cung đôi cho bệnh nhân cũng như tư vấn hướng điều trị sao cho hợp lý nhất. Cuối cùng cặp vợ chồng này đã quyết định làm thụ tinh ống nghiệm.
Rất may mắn trong lần chuyển phôi đầu tiên, mọi chuyện đều suôn sẻ, chị T.N đã có bầu. Đây là niềm vui không chỉ riêng vợ chồng hiếm muộn này mà còn của gia đình nội ngoại 2 bên.
Tuy nhiên trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu này cũng gặp phải rất nhiều trục trặc do cơ địa tử cung đôi. Chị bị động thai 2 lần suýt mất con, phải nằm dưỡng thai tại nhà 1 thời gian.
Cuối cùng, sau bao cố gắng trong thai kỳ, chị T.N vẫn phải sinh non khi mang bầu ở tuần 32. Sau sinh, do quá non nớt nên con phải nằm lồng kính hơn 1 tháng.
Sau những ngày con nằm lồng kính, hiện nay vợ chồng này đã được bế con trên tay. Giây phút ấy khiến họ vừa mừng vừa tủi vì hành trình vất vả đầy nhọc nhằn đã trải qua để có được thiên thần nhỏ.
Chia sẻ về trường hợp thai phụ bị đa nang 2 buồng trứng và 2 tử cung kể trên đã mẹ tròn con vuông, nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch nhận định, trường hợp buồng trứng đa nang nhưng ống dẫn trứng bình thường, chồng tinh trùng tốt thì bác sĩ hiếm muộn vẫn ưu tiên sử dụng thuốc gây phóng noãn và giao hợp tự nhiên. Hiếm muộn do buồng trứng đa nang là không phóng noãn nên dùng thuốc để gây phóng noãn. Cái khó ca này là bệnh nhân đi khám ở Sài Gòn, Huế và Hà Nội được sử dụng thuốc gây phóng noãn uống và chích đều không tạo được noãn nên mới quyết định làm thụ tinh ống nghiệm.
Thêm nữa, chị T.H còn bị tử cung đôi, ngoài nguy cơ hiếm muộn còn phải đối mặt với nguy cơ sảy thai và sinh non khi mang bầu. Do đó bắt buộc bác sĩ phải chuyển 01 phôi không nên chuyển 02 phôi. Bởi nếu mang bầu song thai thì nguy cơ sinh non của mẹ bầu này sẽ cực cao. Vì dù bầu đơn thai nhưng thai phụ vẫn sinh non do tử cung đôi về cấu tạo nó sẽ “ nhỏ” hơn so với tử cung bình thường nên thường dẫn đến sinh non.
Với những thai phụ bị đa nang 2 buồng trứng và tử cung đôi khi thụ tinh ống nghiệm xong, bác sĩ sản khoa sẽ quản lí giống thai kỳ bình thường, tuy nhiên cần dặn dò thai phụ phải chú ý những triệu chứng doạ sinh non như trằn bụng, gò tử cung, ra máu… Khi có những dấu hiệu này cần khám lại ngay để bác sĩ đánh giá và dự phòng sinh non cũng như chuẩn bị mọi thứ về dưỡng nhi trong trường hợp không thể kéo dài thêm thai kỳ được nữa.
Nam bác sĩ hiếm muộn cũng khuyên các mẹ bị đa nang buồng trứng và tử cung đôi nếu muốn có em bé phải:
- Cần đến bác sĩ hiếm muộn có kinh nghiệm điều trị ca khó và chuyên gia về dự phòng sinh non thăm khám và điều trị.
- Ưu tiên thai tự nhiên, nếu làm thụ tinh ống nghiệm thì nên chuyển duy nhất 01 phôi.
- Tuy nhiên việc có thai tự nhiên cần phải đảm bảo đơn thai là tốt nhất, đối với bác sĩ ít kinh nghiệm sẽ có xu hướng kích thích nhiều noãn khi giao hợp tự nhiên hoặc bơm tinh trùng nên nguy cơ đa thai rất cao.