Do thai phụ bị mở ối quá sớm và sa ra nhiều, thậm chí chân thai nhi còn thò ra ngoài nên quá trình đẩy ối rất vất vả.
Đang công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, bác sĩ Hoàng Văn Khanh hàng ngày khâu cấp cứu cổ tử cung cho rất nhiều mẹ bầu. Mới đây có 1 mẹ bầu tên Nguyễn Thị Quyên ở Hòa Bình khiến bác sĩ nhớ mãi.
Bác sĩ Khanh kể lại, chị Quyên sinh năm 1986. Do lấy chồng muộn nên lần mang thai con đầu lòng này mẹ bầu cũng rất cẩn trọng đi thăm khám. Tuy nhiên khi đi khám định kỳ, bác sĩ phát hiện cổ tử cung của chị đã mở 3 cm. Vì thế chị Quyên vội vàng đến bệnh viện để được khâu cổ tử cung.
Mới mang bầu 17 tuần nhưng cổ tử cung của thai phụ đã mở 3 cm. (Ảnh minh họa)
“Sau khi thăm khám cổ tử cung, mình là bác sĩ cũng phát hoảng khi thấy mẹ bầu này mới 17 tuần mà cổ tử cung đã mở 3 cm, túi ối chui ra ngoài bằng cái chén. Thậm chí chân thai nhi còn đạp hẳn ra ngoài.
Do thai phụ bị mở ối quá sớm và sa ra nhiều nên quá trình đẩy ối rất vất vả. Đặc biệt trong quá trình đẩy ối không may bị tách màng ối nên chảy máu khá nhiều khiến máu tụ dưới màng ối. Vì thế phải đòi hỏi khâu cấp cứu nhanh và kiểm tra lại kỹ càng. Cũng may ca khâu cổ tử cung cấp cứu đã thành công”, bác sĩ Khanh nói.
Ngay sau khi khâu cổ tử cung cấp cứu xong, chị Quyên đã được cho dùng thuốc để điều trị ổn định, các khối máu tụ đã hết. Sau 6 ngày điều trị, sức khỏe mẹ bầu đã ổn định nên được xuất viện về nhà.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Khanh cho biết, khâu cổ tử cung khi mang thai là thủ thuật khâu một vòng xung quanh cổ tử cung nhằm mục đích thu hẹp lỗ trong tử cung. Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện nhất vào tuần thứ 16 đến 20 của thai kỳ. Đó chính là thời điểm trước khi eo cổ tử cung bị giãn ra.
Phương pháp khâu cổ tử cung này chỉ được áp dụng đối với một số thai phụ:
- Mẹ bầu được bác sĩ chẩn đoán bị hở eo tử cung.
- Thai phụ có tiền sử bị sảy thai do hở eo tử cung.
- Từng bị sảy thai 2 lần trở lên mà chưa tìm được nguyên nhân chính xác.
- Trường hợp mẹ bầu mang song thai, đa thai. Tuy nhiên, chiều dài cổ tử cung của mẹ bầu nhỏ hơn 25 mm.
- Thai phụ từng khâu eo cổ tử cung trong quá khứ.
Bác sĩ Hoàng Văn Khanh đang thăm khám cho 1 mẹ bầu. (Ảnh: BSCC)
Sau khi khâu cổ tử cung, mẹ bầu như chị Quyên nói trên không nên vận động hoặc đi lại nhiều. Mục đích là để vết khâu nhanh lành. Nếu có bất cứ bất thường nào như: đau nhiều nơi vết khâu, chảy máu, sốt kèm ớn lạnh, rét run, cơ quan sinh dục có mùi hôi khó chịu, rỉ nhiều dịch mủ… thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử trí kịp thời.
Thông thường với những mẹ bầu đã khâu cổ tử cung, bác sĩ Khanh khuyến cáo thai phụ phải thăm khám kỹ càng mỗi 2 tuần/lần nhằm kiểm soát mọi biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Có như vậy mới mong có cơ hội đón em bé chào đời.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.