Hội chứng này cho đến nay y học thế giới vẫn chưa giải đáp được hết.
Một bà mẹ họ Ngô 23 tuổi, đến từ Nghi Xương (Trung Quốc) khi siêu âm ở tuần thai 25 thì nhận kết quả không ngờ. Thai nhi của cô bị dị tật ở phần chân, thay vì có đầy đủ 2 chân thì thai nhi chỉ có một "cái đuôi" giống như nàng tiên cá.
Các bác sĩ cho biết thai nhi đã mắc Sirenomelia (hội chứng nàng tiên cá). Đây là một dị tật rất hiếm gặp và bác sĩ buộc phải đề nghị người mẹ này chấm dứt thai kỳ. Các chuyên gia ước tính rằng, em bé chỉ có thể sống sót vài tiếng sau sinh. Dù mang thai được nửa năm, người mẹ vẫn phải đau lòng lựa chọn phương án mà bác sĩ đưa ra.
Bác sĩ thăm khám cho cô Ngô nói rằng: "Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại dị tật này trong hơn 30 năm chẩn đoán siêu âm".
Thai nhi mắc hội chứng người cá hiếm gặp.
Theo bệnh viện Nghi Xương, tỷ lệ mắc dị tật này là rất hiếm khoảng 1/100.000 ca. Đây là hiện tượng y học vẫn chứa nhiều bí ẩn, chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trước đó, vào năm 2012, ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cũng xảy ra trường hợp tương tự. Đây là ca "người cá" đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán.
Theo đó, người mẹ mang bầu 28 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử di truyền hoặc bệnh tật gì. Ở tuần thai thứ 26, thai nhi của cô được chẩn đoán mang dị dạng bẩm sinh hiếm gặp. Thai nhi không có bong bóng dạ dày, không nhìn thấy các cơ quan quan trọng khác như thận, bàng quang... Chi dưới của thai nhi cũng không phát triển hoàn thiện. Do đó, trường hợp này bác sĩ cũng khuyên nên chấm dứt thai kỳ.
Cô bé Shiloh Pepin (người Mỹ), được mệnh danh là "cô bé tiên cá", một trong những trường hợp hiếm hoi mắc dị tật này được sinh ra đời. Mặc dù đã trải qua 150 ca phẫu thuật để giúp em trở thành một người bình thường nhưng cô bé vẫn qua đời vào năm 2009 khi mới 10 tuổi.
Cô bé người Mỹ từng sống sót đến năm 10 tuổi sau khi mắc hội chứng hiếm gặp.
Một trường hợp "người cá" nổi tiếng khác đó là cô bé Milagros Cerron. Em đã mạnh mẽ sống sót khi chào đời. Vào năm 2005, cô bé được phẫu thuật lần đầu tiên, tách thành công phần từ gót chân đến đùi. Sau đó em tiếp tục được tiến hành phẫu thuật và thậm chí đã cố gắng tập đi.
Năm 2018, Milagros trải qua một ca phẫu thuật khác để đôi chân linh hoạt hơn. Tuy nhiên, một năm sau đó, cô bé "nàng tiên cá" đã qua đời ở tuổi 15 sau một hành trình dài chiến đấu mạnh mẽ với hội chứng quái ác. Sự ra đi của cô bé khiến nhiều người xót xa và tiếc nuối.
Cô bé Milagros sống đến năm 15 tuổi.
Tính đến thời điểm hiện tại Tiffany York là “nàng tiên cá” sống lâu nhất trên thế giới. Cô gái sinh năm 1988 này đã được phẫu thuật tách chân ngay trước sinh nhật 1 tuổi của mình. Do xương chân yếu, nên Tiffany phải sử dụng nạng hoặc xe lăn trong quãng đời sinh sống của mình. Cô ra đi vào tháng 2/2016 ở tuổi 27.
Sử gia y tế, tiến sĩ Lindsey Fitzharris nói, "hội chứng nàng tiên cá" xảy ra do trục trặc ở hệ thống mạch máu, khi dây rốn không hình thành 2 động mạch. Hậu quả là không đủ nguồn cung cấp máu tới bào thai. Do thiếu dinh dưỡng mà bào thai không thể phát triển 2 chân riêng lẻ như bình thường. Những đứa trẻ chào đời với "hội chứng nàng tiên cá" hiếm khi sống quá vài ngày sau khi chào đời với một nửa số trường hợp tử vong ngay sau khi sinh do khuyết thuyết nhiều bộ phận cần thiết để sinh tồn.