Nhắc đến những mối lo lắng bậc nhất khi mang thai thì tiền sản giật xứng đáng nằm trong top đầu.
Ở phụ nữ mang thai, triệu chứng tiền sản giật là tai biến sản khoa rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nặng nề cho cả thai phụ và thai nhi.
Tiền sản giật hay nhiễm độc thai nghén là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp đối với thai phụ sau tuần thứ 20. Đây là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng do huyết áp tăng cao và có dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là thận.
Mặc dù đến nay nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật khi mang thai vẫn chưa được tìm ra nhưng việc phòng ngừa tiền sản giật tại mọi thời điểm trong thai kỳ vẫn vô cùng quan trọng. Vào những ngày lễ Tết, mẹ bầu càng không được vì vui quá mà chủ quan, lơ là việc bảo vệ sức khỏe, dẫn đến nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con, trong đó có cả nguy cơ tiền sản giật.
Một số cách phòng tránh tiền sản giật
- Không bỏ việc tập thể dục: Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên với cường độ vừa phải, thích hợp cho cơ thể mẹ bầu sẽ nhận được rất nhiều lợi ích, bao gồm cả giảm nguy cơ gặp phải một số biến chứng thai kỳ trong đó có tiền sản giật.
- Uống đủ nước: Ngoài việc uống đủ nước (khoảng 2 lít nước/ngày), phụ nữ mang thai cần hạn chế tiêu thụ các thức uống chứa caffeine, chất kích thích như rượu, bia, cà phê… do các loại thức uống này làm tăng số lần đi tiểu, có thể gây mất nước cho cơ thể.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc trong thai kỳ là điều mà mẹ bầu nên chú ý để vừa đảm bảo sức khỏe của bản thân, của em bé, vừa phòng ngừa nguy cơ bị tiền sản giật.
- Ăn uống khoa học và lành mạnh: Một trong những nguyên nhân tiền sản giật đó là huyết áp cao. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao khi mang thai, mẹ bầu nên ăn nhạt, ăn nhiều thực phẩm giàu kali, nhất là rau củ quả và trái cây tươi.