TP HCM - Sản phụ xuất huyết âm đạo, bị co giật trên đường chuyển từ Bệnh viện Nhà Bè đến Bệnh viện Hùng Vương nên kíp cấp cứu đưa vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Ngày 20/3, BS.CK2 Hồ Thị Mỹ Bình, trưởng kíp trực sản, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết sản phụ mang thai 38 tuần, vào viện nhợt nhạt, huyết áp cao, đau nhiều vì tử cung gò liên tục, âm đạo chảy máu. Tình trạng em bé cũng vô cùng nguy cấp vì suy thai, tim thai rời rạc, nguồn máu nuôi bị ngắt quãng do nhau bong sớm.
Các bác sĩ báo động khẩn, mổ lấy thai nhằm cứu mẹ và bé. "Tình huống rất bị động vì chưa có đầy đủ thông tin về hồ sơ hay xét nghiệm cần thiết như những ca phẫu thuật thông thường", bác sĩ Bình nói.
Sau 9 phút kể từ lúc sản phụ nhập viện, bé gái nặng 2,5 kg chào đời. Tuy nhiên, hội chứng nhau bong non tác động làm bé giảm phản xạ, có dấu hiệu suy hô hấp. Các bác sĩ nhi túc trực sẵn hồi sức sơ sinh, đến khi em bé cất tiếng khóc đầu tiên cả ê kíp thở phào nhẹ nhõm.
Sản phụ mất hơn 2 lít máu, chiếm khoảng 1/2 tổng lượng máu cơ thể, do bệnh lý nhau bong non. Các bác sĩ sản khoa phẫu thuật lấy sạch máu và bánh nhau trong lòng tử cung, khâu phục hồi tử cung, cầm máu phòng nguy cơ rối loạn đông máu sau mổ. Ê kíp cố gắng bảo tồn tử cung, sử dụng thuốc gò tối đa để làm giảm nguy cơ máu mất thêm.
Sản phụ phải truyền thêm 10 đơn vị hồng cầu lắng, huyết tương tươi đông lạnh, theo dõi liên tục 24/24 để điều trị tình trạng choáng mất máu. Sau hai ngày, sản phụ hồi phục, có thể cho con bú.
Bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhau bong non là tình trạng nhau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi khi do có sự hình thành khối huyết. Khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự trao đổi oxy giữa mẹ và con. Đây là một cấp cứu sản khoa, diễn biến đột ngột, nhanh chóng gây tử vong cho thai nhi và đe dọa tính mạng người mẹ bởi các biến chứng nguy hiểm như choáng, rối loạn đông máu, vô niệu.
Bác sĩ Bình khuyến cáo bà bầu cần khám thai đầy đủ để giảm những nguy cơ khi chuyển dạ như băng huyết sau sinh, sa dây rốn, nhau bong non, vỡ tử cung, sản giật, nhiễm trùng hậu sản, cũng như nguy cơ trẻ suy hô hấp, dị tật nặng, ngưng tim... Khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ vào giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tiêm phòng uốn ván đầy đủ, bổ sung sắt, canxi...
Thai phụ cần chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng. Khi có một trong các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở... đến cơ sở y tế ngay.