Vì chủ quan với sức khỏe khi mang bầu mà mẹ bầu này đã bị ngộ độc thai kỳ nặng nề khiến những ngày cận kề đi đẻ trở nên ám ảnh.
Trong chương trình “Chat với mẹ bỉm sữa”, chị Trang Anh, hiện đang là TikToker đã xúc động chia sẻ về hành trình mang thai không hề đơn giản của mình khi bị tiểu đường thai kỳ.
Cộng thêm áp lực công việc và chủ quan khi chăm sóc bản thân mà chị Trang Anh đã gặp biến chứng nặng hơn gây ra ngộ độc thai kỳ hiếm gặp, chưa từng có tiền lệ tại bệnh viện đi sinh. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các bà mẹ bỉm sữa cần chú trọng hơn về sức khoẻ cũng như kiến thức cần thiết để hành trình làm mẹ được suôn sẻ hơn.
Chị Trang Anh bên con.
Bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu vẫn chủ quan ăn uống vô tội vạ
Sau cưới 1 năm chị Trang Anh bị trễ kinh. Mặc dù lúc đó chị đã 28-29 tuổi và trễ kinh 1 tháng nhưng do không có kinh nghiệm và quá bận rộn với công việc nên bản thân người vợ này không để ý. Tận khi anh xã phát hiện ra vợ bị trễ kinh và nhận thấy cơ thể vợ có chút khác thường nên giục thử thai.
Chiều lòng ông xã, một lần đi về qua nhà thuốc nên chị đã mua que về thử. Kết quả hiện lên 2 vạch khiến chị bị bất ngờ và đơ người mất 2 ngày. Trong khi anh xã thì vui lắm, chạy ra siêu thị mua rất nhiều đồ tẩm bổ cho vợ.
Mặc dù bị tiểu đường thai kỳ nhưng mẹ bầu vẫn chủ quan.
“Do công việc áp lực quá, ngày đi làm 8 tiếng tại công sở, tối về vẫn phải làm việc nên em chưa có ý nghĩ sẽ sinh con, em nghĩ tầm 2-3 năm nữa có con thì hợp lý mà bất ngờ mang bầu bị đơ người mất vài ngày suy nghĩ”, mẹ bầu thú nhận.
Khi thai kỳ ở tuần 27-28, chị Trang Anh bị tiểu đường thai kỳ. Mặc dù vậy thời kỳ này, mẹ bầu vẫn chủ quan và ăn uống vô tội vạ, không ý thức được bệnh sẽ nguy hiểm như thế nào với 2 mẹ con. Thậm chí, chị còn không tìm hiểu về bệnh và nghĩ đó là bệnh lý bình thường khi mang thai.
Do có suy nghĩ như vậy nên mỗi khi đến ngày phải đo chỉ số đường huyết là mẹ bầu lại có hành động ăn ít đi để có chỉ số đẹp chống đối và lừa bác sĩ.
"Mỗi khi đo chỉ số đường huyết là trước đó em lại ăn ít đi để đối phó trước mắt với bác sĩ. Sau đó em ăn vô tội vạ để thỏa mãn cơn thèm ăn. Trước khi lên bàn đẻ em vẫn đòi chồng dẫn đi ăn tôm, ăn 1 cân cua và hải sản. Và đây chính là quyết định sai lầm và hối hận nhất của em”, chị Trang Anh nói.
Ngay sau khi ăn xong mẹ bầu đã thấy nhức chân quá. Sau đó cơn đau nhức lan lên dần tới vùng bụng. Khi về nhà, cơn ngứa ngày càng trầm trọng hơn. Sau 1 đêm, bụng bầu của chị Trang Anh đỏ như quả cà chua chín vì gãi và bị dị ứng phải đến viện.
Mẹ bầu ngộ độc thai kỳ chưa từng có tiền lệ tại viện, sau sinh điều kỳ diệu đã xảy ra
Khi đến viện làm các xét nghiệm, chị Trang Anh bị ngộ độc thai kỳ vì ăn đạm quá nhiều. Dù tình trạng ngộ độc thai kỳ của chị chưa từng có tiền lệ tại viện nhưng do chỉ còn 2 tuần nữa là sinh nên bác sĩ chỉ định mẹ bầu không được uống thuốc, chỉ bôi thuốc ngoài da để không ảnh hưởng đến em bé.
Lúc gần sinh chị Trang Anh bị ngộ độc thai nghén nặng.
Sang ngày thứ 3 tình trạng ngứa ngáy lan đến cả đầu, sưng vù cả mặt, mẹ bầu cả ngày chỉ biết ngồi trong máy lạnh chịu trận. Liên tục 7 ngày như vậy khiến chị Trang Anh gần như phát điên lên. Tất cả người đều phù ra và mệt mỏi khiến mọi người thân vào viện thăm không ai nhận ra chị.
“38 tuần, không chịu được nữa nên em đòi bác sĩ cho đẻ mổ dù trước đó em luôn quyết định đẻ thường từ đầu thai kỳ. Do tình trạng bị ngộ độc thai kỳ nặng nên 38 tuần 1 ngày bác sĩ quyết định cho mổ”, mẹ bỉm nhớ lại.
Khi con vừa được bác sĩ lấy ra khỏi cơ thể mẹ thì điều kỳ diệu đã xảy ra. Các nốt ngứa dần lặn mất và chỉ sau 2 tiếng sau sinh, các nốt ngứa đã bay hết như chưa từng bị ngộ độc thai nghén vậy.
Trải qua một hành trình mang thai không mấy suôn sẻ, phải đối mặt với tình trạng nhiễm độc thai nghén nguy hiểm nên mẹ bỉm sau sinh khuyên các chị em áp dụng 1 số biện pháp đơn giản để phòng ngừa tình trạng này xảy ra như:
- Nếu mắc phải các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận…, chị em nên điều trị trước khi có ý định mang bầu để ngăn ngừa các biến chứng không may xảy ra.
- Nên khám tiền sản trước khi có ý định mang thai.
- Khi có thai cần ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ các nhóm chất như đạm, vitamin, chất vi lượng, uống bổ sung axit folic, viên sắt…
- Trong giai đoạn đầu mang thai, mẹ cần đi khám thai định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của thai nghén.