10 năm là cả một đoạn đường thanh xuân dài đối với người vợ này chỉ để dồn hết tâm sức giữ con.
Người phụ nữ ấy là Trần Thị Quyên ở Hoàng Mai, Hà Nội. Suốt từ năm 2014 đến nay đã tròn 10 năm, chị Quyên gần như mỗi năm lại phải đối diện với nỗi đau mất đi 1 đứa con ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Theo chị Quyên chia sẻ, như bao phụ nữ khác, chị cũng có niềm vui được đón nhận tin vui 2 vạch. Lần nào thai nhi cũng phát triển hoàn toàn bình thường nhưng cứ đến tuần 8-9 lại bị mất tim thai đột ngột. Tiền sử này cứ kéo dài mãi và giống nhau đến kỳ lạ.
Suốt từ năm 2014 đến nay đã tròn 10 năm, chị Quyên gần như mỗi năm lại phải đối diện với nỗi đau mất đi 1 đứa con ngay từ khi còn trong bụng mẹ. (Ảnh minh họa)
Là một mẹ bầu 1-2 lần phải trải qua nỗi mất mát như vậy đã thấy sợ hãi. Đằng này gần chục lần là ngần ấy lần chị Quyên trải qua 1 chuỗi mất mát, đau đớn. Điều này khiến chị sợ hãi đến run rẩy và không dám mang thai thêm lần nữa. Mặc dù vậy, chị vẫn luôn khao khát có em bé.
Khao khát ấy đã cho chị Quyên có thêm nghị lực và quyết tâm để tiếp tục hành trình tìm con thiêng liêng. Và chị đã tìm đến biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với 2 lần chuyển phôi sàng lọc 3 phôi đều... không đậu khiến bao hy vọng trong chị vụt tắt.
Một ngày chị Quyên đã tìm gặp Ths. Bs CKII. Nguyễn Đình Đông, Chuyên gia IVF, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Qua thăm khám và xét nghiệm máu, vị chuyên gia IVF này không thấy người vợ trên có bất thường gây lưu thai kiểu liên tiếp (cứ 8-9 tuần hỏng, liên tục trong 8 lần). Xác suất thai dị tật gây lưu thai cũng thấp với số lần lưu cao như vậy, và cũng mỗi lần sẽ có sự khác nhau từ tuổi thai, đặc điểm thai lưu...
“Xét nghiệm cho chị Quyến, tôi nhận thấy hạt giống dẫu có tốt, thời tiết khí hậu dẫu có thuận lợi, tưới bón đầy đủ cũng không bị sâu bệnh phá hoại nhưng mảnh đất trồng cây không phù hợp cũng... vô dụng. Thai lưu nhiều như vậy, chuyển phôi bình thường nhiều lần không đậu... có thể xem lại "mảnh đất trồng cây" của chị Quyên. Vì thế tôi quyết xử lý xong mảnh đất trồng cây cho chị. Và lần chuyển phôi tiếp (lần 3) tôi khuyên chị không cần sàng lọc (vì chị cũng không phải dư giả)”, bác sĩ Đông nhận định.
Trộm vía lần chuyển phôi này của chị đã đậu thai ngay và thai phát triển tốt. Mỗi tuần chị Quyên đến khám 1 lần và mỗi lần siêu âm, bác sĩ Đông cũng rất hồi hộp, tim như muốn nhảy ra ngoài, nhất là khi ở mốc 8-9 tuần.
Sau 8 lần mất con, chị Quyên đã có bầu lại và vượt qua được mốc 12 tuần. (Ảnh: BSCC)
“Thời điểm ấy, chị Quyên căng thẳng đến mức chồng chị phải an ủi bằng cách "Ui giời, lo gì em, cùng lắm là lại như 8 lần trước””, bác sĩ Đông kể lại.
Được biết, lần mang bầu này cũng là tròn lần mang thai thứ 10 của chị Quyên. Ơn trời, hiện chị cũng đã qua được mốc 12 tuần. Sau mốc này thai kỳ sẽ thuận lợi và yên tâm hơn nhiều. Bác sĩ Đông luôn mong mẹ bầu này khỏe mạnh để cán đích thành công.
Khi bị lạc nội mạc tử cung (LNMTC), chị em hiếm muộn cần làm rõ nguyên nhân sảy thai hoặc thai lưu liên tiếp là gì. Các bác sĩ sản phụ khoa sẽ trực tiếp thăm khám và hướng dẫn vợ chồng làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân. Việc này sẽ đánh giá tình trạng bệnh lý LNMTC có thật sự là nguyên nhân chính hay duy nhất gây sảy thai, thai lưu liên tiếp, đồng thời giúp vợ chồng hiếm muộn tìm kiếm giải pháp tối ưu để duy trì thai kỳ. Tóm lại, thai phụ bị LNMTC cần được theo dõi sát sao và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ sản phụ khoa để có những can thiệp xử trí đúng và kịp thời. |