Việc nắm rõ được tình hình sức khỏe của bản thân sẽ giúp mẹ tự tin và chuẩn bị sẵn sàng cho ca sinh nở được an toàn nhất.
Mang thai và sinh nở là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng đầy căng thẳng trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, đặc biệt với mẹ mang thai lần đầu và sắp đến ngày sinh nở. Vào những tuần cuối chuẩn bị đón con chào đời, hầu hết các mẹ đều tưởng tượng ra đủ mọi viễn cảnh về ca sinh, liệu mình có sinh nở được suôn sẻ, liệu có phải sinh mổ không…?
Để yên tâm hơn và có ca sinh nở suôn sẻ, mẹ bầu nhớ phải hỏi bác sĩ 3 câu này trong những lần khám thai cuối cùng.
#1. Hình dạng và kích thước khung chậu của mình thế nào?
Hình dạng và kích thước của khung chậu của mẹ là rất quan trọng để xác định nên đón con chào đời bằng phương pháp sinh nở nào, sinh thường hay đẻ mổ. Bác sĩ sản khoa sẽ dự đoán được tỷ lệ khung chậu của mẹ và kích thước của thai nhi để xác định phương pháp sinh nở phù hợp, an toàn.
Khung xương chậu là một cái ống bằng xương mà khi đẻ nhất thiết thai nhi phải đi qua đó. Tạo hóa đã cho người phụ nữ một khung xương hoàn chỉnh, cân đối và thường là đủ rộng để một thai nhi có thể tích trung bình có thể chui qua được dễ dàng. Nếu vì một lý do nào đó, khung xương này bị hẹp (thường là di chứng của bệnh còi xương từ bé, hoặc bị viêm xương khớp, bại liệt…) thai nhi không thể chui qua được. Lúc đó bắt buộc bác sĩ sản khoa phải can thiệp bằng cách mổ lấy thai.
#2. Thai nhi hiện tại thế nào?
Các bác sĩ khi khám thai thường chỉ nói với mẹ rằng em bé có đang ổn hay không, có bất thường hay không nhưng ở những lần khám thai cuối chuẩn bị lên bàn đẻ, mẹ nên hỏi bác sĩ kỹ hơn về thai nhi của mình như chu vi đầu của thai nhi có ở mức trung bình hay không? Đây là yếu tố quan trọng để xác định xem thai nhi có dễ dàng đi qua khung chậu của mẹ không. Thông thường chu vi vòng đầu của bé ở tuần 28 thai kỳ là khoảng 7 cm, tuần thứ 32 là 8cm và ở tuần cuối thai kỳ là 9,3cm sẽ thuận tiện cho việc đẻ thường. Khi chu vi vòng đầu của bé lớn hơn 10cm trẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc chào đời.
Điều thứ 2 mẹ cần quan tâm đó là vị trí nằm của thai nhi. Vị trí lý tưởng và thuận tiện nhất cho việc sinh thường đó là đầu em bé quay xuống dưới khung chậu của mẹ, mặt úp vào phía trong bụng mẹ. Đây là vị trí giúp trẻ dễ dàng đi qua ống sinh nhất. Tuy nhiên, có không ít trẻ đến ngày sinh vẫn nằm ở ngô thai ngược hoặc ngôi ngang khiến việc sinh thường khó khăn hơn, thậm chí có thể phải đẻ mổ. Mẹ hay tham khảo bác sĩ chuyên khoa nếu rơi vào những trường hợp đó.
#3. Nước ối có ít không?
Nước ối là một loại dầu bôi trơn tự nhiên cho trẻ khi sinh thường. Nếu có quá ít nước ối em bé sẽ gặp nhiều sức cản khi đi qua kênh sinh nở và sẽ khó chào đời hơn.
Thông thường, khi tuổi thai tăng thì lượng nước ối cũng tăng theo và vào những tuần gần cuối thai kỳ, lượng nước ối có dấu hiệu giảm. Lượng nước ối thay đổi tùy theo tuổi thai: ở thai 8 – 12 tuần khoảng 50ml, thể tích nước ối nhiều nhất khoảng 1000ml lúc tuổi thai 28 tuần, sau đó nước ối giảm dần còn 900ml ở thai 36 tuần, khi thai 40 tuần nước ối còn khoảng 600-800ml.
Theo các chuyên gia sản khoa, chỉ số nước ối bình thường sẽ là 6-12cm. Nếu chỉ số này dưới 3cm thì thai nhi dễ gặp nguy hiểm.
Để duy trì lượng nước ối ổn định trong suốt thai kỳ, không quá dư và quá thiếu, mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý khi mang thai, uống đủ nước, khám thai đều đặn, kiểm tra chỉ số nước ối theo tuổi thai để kịp thời phát hiện những bất thường.