Thai 21 tuần có nghĩa là mẹ bầu đã ở nửa sau của hành trình mang thai rồi. Vậy trong giai đoạn này thai nhi đã phát triển ra sao, mẹ bầu cần chú ý tới điều gì?
Thai 21 tuần phát triển như thế nào?
Thai 21 tuần là mấy tháng? Thai ở tuần 21 là đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Thai 21 tuần nặng bao nhiêu gram? Ở tuần này, thai nhi có kích cỡ ngang một quả chuối, với trọng lượng khoảng 340g và dài khoảng 18cm. Mặc dù kích thước của bé ngày càng tăng nhưng vẫn còn nhiều chỗ cho phép bé di chuyển trong bụng mẹ trong giai đoạn này.
Thai 21 tuần có kích thước ngang với một quả chuối. (Ảnh minh họa)
Những thay đổi khác của thai nhi 21 tuần tuổi bao gồm:
- Các tế bào não tăng trưởng nhanh
- Sụn chuyển thành xương, xương cứng hơn và bắt đầu sản xuất tế bào máu trong tủy xương
- Xuất hiện lông trên cơ thể và lông mày
- Hình thành âm đạo và tử cung ở bé gái, tinh hoàn ở bé trai
- Tay và chân cân xứng hơn
- Chuyển động của thai nhi được cảm nhận rõ rệt hơn
- Vị giác của bé phát triển
- Bé đã có thể nuốt nước ối
Những thay đổi cơ thể mẹ điển hình khi mang thai 21 tuần
1. Thai nhi chuyển động
Khi thai 21 tuần, mẹ đã có thể cảm nhận rõ ràng hơn những chuyển động của thai nhi, chẳng hạn như vặn vẹo, xoay, đá trong bụng mẹ. Tuy nhiên, một số bà mẹ có thể bị nhầm lẫn với cảm giác của việc có khí trong bụng.
2. Khẩu vị tăng
Mẹ bầu luôn trong tình trạng thèm ăn? Nếu vậy, mẹ bầu nên mang theo những món đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe như các loại hạt, nho khô,...
3. Ợ nóng, khó tiêu
Mẹ bầu nên tránh thức ăn cay, dầu mỡ và các chất kích thích. Nếu nguyên nhân dẫn đến sự khó chịu của mẹ bầu vẫn còn là ẩn số, tốt nhất mẹ bầu nên ghi lại những gì nạp vào cơ thể mỗi ngày để tìm ra nguyên nhân.
Ợ nóng, khó tiêu là những dấu hiệu thường gặp khi mang thai. (Ảnh minh họa)
4. Chuyển dạ giả
Thai nhi tuần 21 mẹ cũng có thể gặp những biểu hiện chuyển dạ giả. Nếu các cơn co thắt tử cung xảy ra với tần suất thất thường và kéo dài thời gian khác nhau thì đây có thể là triệu chứng chuyển dạ giả. Những cơn đau này thường biến mất khi bạn thay đổi tư thế nằm, đứng dậy và di chuyển.
5. Rạn da
Làn da của bạn bị kéo mỏng hơn khi em bé lớn hơn, gây ra những vết rạn trên bề mặt da. Nếu tiền sử gia đình có người bị rạn da hoặc tăng cân đột ngột thì khả năng bị rạn da sẽ cao hơn. Không có cách gì thoát khỏi vết rạn nhưng nó sẽ mờ dần sau khi sinh.
6. Đau lưng
Trọng tâm của cơ thể thay đổi làm tăng áp lực lên vùng lưng, khiến mẹ bầu bị đau lưng. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến đau lưng khi mang thai là do hormone relaxin còn có tác dụng làm giãn nở dây chằng và khớp.
7. Chảy nướu chân răng
Nếu bị viêm, chảy nướu chân răng ở mốc thai nhi 21 tuần tuổi thì mẹ bầu không nên ăn kẹo ngọt. Nguyên nhân là do nó có thể bị dính răng, các chất ngọt khiến số lượng vi khuẩn trong miệng tăng lên, tiếp tục tấn công nướu răng của mẹ bầu.
8. Móng tay mọc nhanh
Mẹ bầu có nhận thấy rằng tóc, móng tay và móng chân đang phát triển với tốc độ kỷ lục? Hormone thai kỳ là một phần nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đó. Ngoài ra, sự lưu thông trong cơ thể gia tăng sẽ giúp tóc, móng tay móng chân và thai nhi hấp thu thêm chất dinh dưỡng.
Khi thai nhi 21 tuần tuổi, móng tay của mẹ bầu sẽ dài nhanh hơn so với trước đây.
Lời khuyên cho mẹ bầu ở tuần 21 thai kỳ
1. Tập thể dục nhẹ nhàng
Mẹ bầu nên tập thể dục khi mang thai, tuy nhiên bạn chỉ nên chọn những bài có cường độ nhẹ nhàng như yoga, đi bộ. Đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể kích thích sự hoạt động của đường ruột, giúp ngăn ngừa táo bón.
2. Tránh tia laser
Lông chân, lông nách, vùng bikini và ria mép có thể dài hơn bình thường do sự thay đổi của hormone. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi bạn sử dụng tia laser để triệt lông hoặc đi tẩy, nhuộm tóc. Chưa có nghiên cứu khoa học đáng tin cậy nào xác định được các phương pháp tẩy lông và nhuộm tóc có hại cho thai nhi hay không nhưng tốt nhất mẹ bầu không nên áp dụng trong giai đoạn này.
3. Bổ sung sắt để tránh thiếu máu
Có nhiều cách để bổ sung sắt cho cơ thể, chẳng hạn như sử dụng chất bổ sung sắt và ăn những thực phẩm giàu sắt. Vậy mẹ bầu mang thai 21 tuần nên ăn gì để bổ sung sắt cho cơ thể? Một số loại thực phẩm giàu chất sắt mẹ bầu nên ăn bao gồm rau bina, thịt bò, cá mòi, tôm, hàu, trái cây sấy khô, rong biển,...Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên hạn chế tiêu thụ caffiene vì chất này sẽ làm giảm sự hấp thu sắt của cơ thể.
4. Duy trì tăng cân ổn định
Thai 21 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg? Khi mang thai từ tuần 21, mẹ đang ở tháng thứ 6 của thai kỳ, đây là giai đoạn phát triển nhanh của thai nhi, mẹ bầu cần tăng khoảng 0,4kg/ tuần. Và tháng thứ 6 này mẹ tăng khoảng từ 1,6 - 2,2kg là hợp lý. Mẹ nên duy trì mức tăng cân này.
Thai 21 tuần có nghĩa là hành trình mang thai đã đi được một nửa, vì vậy mẹ bầu hãy cố gắng thay đổi lối sống tích cực để tốt cho cả mẹ và con yêu nhé.
NGUỒN THAM KHẢO 21 weeks pregnant - What to expect What is pregnancy like at 21 weeks? - Medical News Today |