Lo lắng dây rốn thắt nút có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho thai kỳ nên mẹ bầu Hà Nội lúc nào cũng cẩn trọng theo dõi và nghe theo chỉ định của bác sĩ.
32 tuần phát hiện dây rốn thắt nút và lo lắng đi siêu âm khắp nơi
Câu chuyện của mẹ bầu Trần Thị Mai Linh, 33 tuổi ở Hà Nội kể về hành trình mang bầu đặc biệt với dây rốn thắt nút đã được nhiều mẹ bầu chú ý. Theo chị Linh cho biết, đây là lần sinh con thứ 2 của chị. Khi mang bầu chị tăng 12kg và lần mang thai này cũng rất khác biệt so với lần đầu tiên.
“Bé thứ 2 nhà mình biết đạp sớm và đạp nhiều hơn so với con đầu lòng. Con hoạt động rất năng nổ trong bụng mẹ. Mình cũng biết con sẽ là em bé rất tinh nghịch, ưa vận động”, chị Linh nói.
Khi mang bầu chị Linh tăng 12kg và lần mang thai này cũng rất khác biệt so với lần đầu tiên. (Ảnh: NVCC)
Ngay từ khi siêu âm định kỳ lúc 16 tuần, chị Linh đã biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ. Đến tuần 32 đi khám lại, siêu âm 5D thì bác sĩ vẫn cho biết con ngoài dây rốn quấn cổ, dây rốn còn thắt nút và chỉ định vào viện sản khám ngay.
“Với trường hợp của em, thai kỳ mới ở tuần thai thứ 32 thì quá sớm để can thiệp lấy em bé ra. Tuy nhiên cũng khá nguy hiểm nếu mẹ chủ quan vì nếu dây rốn thắt chặt lại có thể ngắt đường dẫn oxy, dinh dưỡng cho em bé. Hoặc khi chuyển dạ, nếu dây rốn ở vị trí gần bánh nhau sẽ rất nguy hiểm.
Song qua siêu âm các bác sĩ cũng không thể nào biết là dây rốn thắt nút ở xa hay gần bánh nhau được. Vì thế chỉ có thể liên tục để ý thật kĩ hoạt động của con và tốt nhất là mẹ bầu nhập viện, nằm đo monitor tim thai nhiều lần trong ngày để nếu nhỡ có vấn đề gì còn xử lý kịp thời”, mẹ bỉm này nhớ lại.
Ngay hôm đi khám về, nghe các bác sĩ tư vấn cần nhập viện và trường hợp dây rốn thắt nút thì gần như 100% nên đẻ mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con nên chị Linh đã khóc rất nhiều vì lo lắng. Mẹ bầu gọi điện khắp nơi cho người quen làm bác sĩ sản hỏi han. Thậm chí còn tự lên mạng tìm hiểu, tìm kiếm trên google, các diễn đàn, các hội nhóm về tình trạng “dây rốn thắt nút”, tìm cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Sau hành trình dài bầu bí với bao lo lắng, cuối cùng chị Linh đã mẹ tròn con vuông. (Ảnh: NVCC)
Khi đọc những thông tin về trình trạng thai kỳ dây rốn thắt nút của mình, chị Linh càng hoang mang lo sợ. Tuy nhiên khi bác sĩ phân tích việc mổ lấy thai trong trường hợp này quá sớm và trước đó thì thai nhi vẫn đang phát triển tốt, bình thường, mọi chỉ số cân nặng đều trong mức bình thường, cử động của con đều đặn và tốt nên mẹ bầu cũng dần yên tâm hơn.
Ngoài tự theo dõi nhất cử nhất động của con trong bụng, mẹ bầu này cũng đi khám thai ít nhất 1 tuần/lần: “Nơi đầu tiên mình nghĩ tới đi khám sau khi phát hiện dây rốn thắt nút ở tuần thứ 32 chính là Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương. Vào đây các bác sĩ chỉ định siêu âm 2D nhưng mình bảo có dây rốn thắt nút muốn xin siêu âm 4D để bác sĩ có thể siêu âm kĩ, nhìn rõ hơn. Cuối cùng sau khi khám và siêu âm, quả thật bác sĩ nói có dây rốn thắt nút nhưng lỏng lẻo. Cân nặng em bé và các thông số khác phát triển đều tốt, hiện tại không có gì đáng ngại cả, nếu can thiệp gì bây giờ cũng là quá sớm”.
Mẹ bầu 33 tuổi đã mang kết quả siêu âm về nhà theo dõi. Thấy bác sĩ thái độ bình thản nên chị Linh đỡ lo lắng hẳn. Những ngày sau khi bị đau bụng và thấy con đạp ít, mẹ bầu này còn đến thăm khám tại nhiều nơi khác nhau nhưng khi siêu âm bác sĩ cũng không phát hiện ra dây rốn thắt nút. Vì thế thời gian sau, chị Linh đều đặn tuần nào cũng chỉ quyết định vào bệnh viện Phụ sản Trung ương khám cho tới hết tuần 39 của thai kỳ.
Sinh con ra cả ê kíp bác sĩ thở phào
“Hết tuần 39 khi có dấu hiệu ra máu, lo sợ dây rốn thắt nút gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển dạ và con trong bụng ít cử động nên 2 vợ chồng mình đưa nhau vào viện luôn. Khi vào viện, mình vào thẳng khoa cấp cứu nhưng khi khám trong do chưa mở phân nào, bác sĩ không cho nhập viện khiến mình phải xin nhập viện”, chị Linh kể lại phút lo lắng ngày đi đẻ.
Sau 2 ngày nhập viện, mẹ bầu này mới có cơn gò song rất ít và tiến triển rất chậm, độ mở cũng chỉ được 2 phân. Thậm chí những ngày này, bác sĩ khám, siêu âm cho chị Linh vẫn phát hiện dây rốn thắt nút nhưng chỉ thắt 1 vòng nên vẫn có thể đẻ thường được theo nguyện vọng của gia đình.
Chị Linh vẫn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mà chưa phải dùng tới bất cứ giọt sữa công thức nào. (Ảnh: NVCC)
Sang ngày thứ 3 chị Linh bắt đầu xuất hiện cơn gò đều, có dấu hiệu chuyển dạ. Ê kíp bác sĩ sau khi hội ý với gia đình xong thì mẹ bầu được đưa đến phòng đẻ để truyền kích đẻ.
“Trong suốt quá trình đẻ, máy monitor được lắp để liên tục theo dõi tim thai đảm bảo rằng con ổn. Lại nhớ hôm ấy, vào lúc mình đang đau quằn quại vì cơn gò thì thấy sản phụ nằm bên cạnh phải chia tay đứa con bé bỏng vì "dây rốn thắt nút". Được biết, em bé đã mất trước khi chị ấy vào viện. Giờ chị ấy vào chỉ để lấy em bé ra mà thôi. Ngay lúc ấy mình lo lắng nhưng tự động viên bản thân không thể để mất tinh thần, phải lạc quan và tin tưởng vào bản thân, vào em bé và các bác sĩ. Và cuối cùng 2 mẹ con mình đã làm được, mình đã mẹ tròn con vuông và cũng là sản phụ duy nhất trong phòng đỡ đẻ hôm ấy (tầm 10 sản phụ) quyết định không dùng tới thuốc giảm đau gây tê màng cứng mà vẫn sinh con thành công”, mẹ bỉm nhớ lại.
Sau khi sinh xong, chị Linh nhận được sự chúc mừng của rất nhiều bác sĩ và các sản phụ khác tại viện. Giây phút con chào đời, bác sĩ đặt con lên ngực mẹ da kề da và giơ dây rốn với đúng nút thắt như dây thừng lên cho xem khiến ai nấy đều thở phảo vui vẻ.
“Lúc ấy mình thực sự cảm ơn trời phật, tổ tiên phù hộ. Cảm ơn các bác sĩ, y tá, hộ sinh của bệnh viện rất nhiều vì có chuyên môn giỏi, làm việc đêm ngày vất vả nhưng rất có tâm. Mình cảm ơn con yêu đã mạnh mẽ, kiên cường cùng mẹ và chào đời bình an”, chị Linh hạnh phúc nói.
Mẹ bầu này khuyến cáo, nếu không may có dây rốn thắt nút thì việc đầu tiên là hãy bình tĩnh, vào viện khám lại. (Ảnh minh họa)
Hiện nay khi đã ở cữ được hơn 3 tháng, chị Linh vẫn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mà chưa phải dùng tới bất cứ giọt sữa công thức nào. Dù chặng đường phía trước còn rất dài, nhưng mẹ bỉm sau sinh luôn hạnh phúc để trải nghiệm cùng con yêu.
Chia sẻ về tình trạng thắt nút dây rốn, mẹ bỉm sữa cũng khuyến cáo: “Nếu mẹ bầu nào không may có dây rốn thắt nút thì việc đầu tiên là hãy bình tĩnh, vào viện khám lại (tốt nhất là bệnh viện tuyến đầu, bác sĩ giỏi) để xem thực sự tình hình thế nào và nghe theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ ở đó. Cộng thêm hãy trò chuyện cùng con, giữ tinh thần tốt, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi sớm thôi. Cầu chúc cho tất cả các mẹ đang và sẽ mang thai, ai ai cũng đều có 1 thai kì khoẻ mạnh, cả các mẹ và các con đều bình an”.