Nhiều người cho rằng ăn ngải cứu khi mang bầu nhất là mang thai ở những tháng đầu của thai kỳ có thể gây xảy thai, không tốt cho thai nhi. Tuy nhiên, thực chất thì ngải cứu lại cực kỳ tốt cho bà bầu và phụ nữ.
Bất ngờ công dụng của rau ngải.
Chị Lê Thị Bình – Hà Đông, Hà Nội cho biết chị mang thai nghén lúc nào cũng chỉ thích ăn ngải cứu chiên với trứng. Tuy nhiên, mẹ chồng chị không cho ăn vì sợ sảy thai. Trong khi đó, chị gái của chị Bình thì khuyên nên ăn nếu thích vì trước đó ngày nào chị cũng ăn 1 đĩa ngải cứu với trứng gà chiên.
Chị Bình mang băn khoăn đi tự tìm hiểu người thì bảo ăn nhiều ngải cứu không tốt vì nó gây nóng trong, tăng nguy cơ sảy thai, có người lại bảo ăn ngải cứu rất tốt, nhất là ngải cứu sạch nhà mình trồng. Mang băn khoăn của chị Bình, chúng tôi liên hệ với TS Phạm Việt Hoàng – nguyên PGĐ BV Tuệ Tĩnh, Hà Nội. TS Hoàng cho rằng ngải cứu là vị thuốc quý của đông y. Cây ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris, thường có mùi thơm nồng và có vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa. Ngải cứu có thể dùng để chế biến các món ăn hoặc được sao khô lên làm thuốc. Dù dùng ở bất kì hình thức nào thì cây ngải cứu cũng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe và chữa bệnh. Trong đông y, ngải cứu có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu... Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.
Còn GS Phạm Xuân Sinh – nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội cho biết quan niệm ngải cứu có thể gây sảy thai vì nếu ngải cứu thì dùng rất tốt nhưng ngải đắng lại được chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Ở nước ta không biết cây được di thực từ khi nào, chỉ biết hiện nay cây này được trồng ở một số tỉnh miền Nam như Vũng Tàu, Đồng Nai để làm thuốc và làm rượu. Loại ngải này thường được dùng chủ trị bụng đầy trướng, ăn uống không tiêu, trị cảm lạnh, sốt cao, ho nhiều.
Có thể lấy lá và quả ngải đắng và gừng tươi hãm hoặc sắc nước uống trước bữa ăn 30 phút, ngày 2 lần trị đầy bụng, ăn uống không ngon. Ngoài ra, khi bị ho, sốt cao lấy ngải và tía tô, gừng tươi, bạc hà sắc uống. Các sách đông y ghi lại loài ngải này đại kỵ với phụ nữ vì gây sảy thai. Còn ngải cứu cây thấp nhân dân vẫn dùng ăn thì không gây sảy thai.
Rau ngải có nhiều loại. Các loại rau ngải khác như ngải hoa vàng, ngải đen, ngải Nhật đều làm bài thuốc tốt. Không có chỉ định cấm trong trường hợp nào.