Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là một tình trạng bệnh nguy hiểm tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Chứng đái tháo đường khi mang thai nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát tốt có thể gây nguy hại lớn cho mẹ và bé.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Kim Ước (Trưởng Khoa Nội tiết sinh sản, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) |
Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Kim Ước |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 7 bà bầu thì sẽ có 1 người mắc phải chứng bệnh tiểu đường khi mang thai. Bệnh cần phải được phát hiện sớm, có những cách chữa trị, kiêng cữ để đảm bảo sự an toàn cho mẹ và bé.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Theo WHO, tiểu đường thai kỳ hay đái đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu lúc mang thai. Tình trạng tiểu đường khi mang thai này thường không có triệu chứng rõ rệt nên rất khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Những người phụ nữ mang thai lần đầu mà bị mắc chứng bệnh này thì cũng sẽ xuất hiện ở lần thứ 2. Và những bà bầu bị tiểu đường khi mang thai sẽ đối mặt với nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn người khác.
Tiểu đường khi mang bầu là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Những ai dễ mắc tiểu đường thai kỳ?
Bệnh tiểu đường khi mang bầu chỉ chiếm từ 3 - 7% tổng số phụ nữ mang thai và bệnh thường xuất hiện ở những người:
- Thừa cân, béo phì (Chỉ số BMI trên 30)
- Tiền sử gia đình có người từng bị đái tháo đường
- Tiền sử sinh con ≥ 4000g
- Lần mang thai đầu đã bị tiểu đường
- Mang thai khi tuổi đã lớn, từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai cao hơn.
- Tiền sử sản khoa bất thường như thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai không rõ nguyên nhân, sinh non, dị tật thai nhi…
- Người châu Á dễ mắc bệnh hơn
- Người bị hội chứng buồng trứng đa nang
Tiểu đường khi mang bầu là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ
Những người mắc đái tháo đường khi mang thai thường không có biểu hiện, triệu chứng rõ rệt nên rất khó phát hiện, tất cả các ca phát hiện đều phải dựa vào xét nghiệm sàng lọc thai kỳ. Tuy nhiên, khi có những biểu hiện sau đây mẹ cũng nên đi khám ngay bởi có thể mẹ đang mắc tiểu đường thai kỳ:
- Đi tiểu nhiều: Khi lượng glucose quá cao, vượt ngưỡng cần thiết khiến glucose tồn đọng trong máu không chuyển hóa hết buộc thận phải hoạt động hết công suất để xả ra ngoài bằng đường nước tiểu.
- Khát nước thường xuyên: Lượng đường trong máu quá cao khiến bà bầu đi tiểu nhiều dẫn đến tình trạng thiếu nước, cơ thể cần bổ sung nước.
- Vùng kín bị nhiễm nấm: Khi bị tiểu đường thì các mẹ dễ viêm nhiễm các loại nấm vùng kín hơn dẫn tới ngứa ngáy, khó chịu.
- Cân nặng giảm nhanh, luôn mệt mỏi: Insulin không được sản xuất đủ và kịp thời nên đường không thể chuyển hóa thành năng lượng, mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ và hay đói bụng, thèm ăn.
- Mờ mắt trong thời gian ngắn: Hiện tượng này ít gặp nhưng khi xuất hiện thì mẹ bầu cũng cần lưu ý.
- Khó lành các vết trầy xước, vết thương
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức
Nguyên nhân tiểu đường khi mang thai
Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ cho đến nay vẫn chưa có một lý giải cụ thể nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng với những nhận định:
- Khi mang thai người phụ nữ cần nhiều năng lượng hơn và glucose đóng vai trò chuyển hóa thành năng lượng. Lượng glucose không thể di chuyển vào tế bào nếu không có sự trợ giúp của mạch máu và insulin. Tuyến tụy hoạt động không hiệu quả để sản xuất một lượng lớn insulin để chuyển hóa hết đường sẽ dẫn đến lượng đường tăng cao quá mức và bị tiểu đường.
- Giai đoạn mang bầu nhau thai tạo ra nội tiết tố giúp thai phát triển, những nội tiết tố này ảnh hưởng xấu tới insulin làm rối loạn mức đường huyết. Vào giai đoạn cuối của thai kỳ tất cả các bà bầu đều xuất hiện chất kháng insulin khiến đường không chuyển hóa hết gây bệnh.
- Những bà bầu bị tiểu đường ở giai đoạn đầu của thai kỳ có thể là do chất kháng insulin xuất hiện sớm do bị béo phì.
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Trong khi những hậu quả chính của tiểu đường mang thai (người bị bệnh tiểu đường mang thai) là thai bị dị tật, sảy thai, thai chết lưu, thì tiểu đường thai kỳ lại gây ra các bất thường khác cho thai.
1. Ảnh hưởng tới người mẹ
- Cao huyết áp: Mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường dễ bị cao huyết áp, là nguyên nhân gây nên các chứng tiền sản, tiền sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai nhi chậm phát triển, sinh non…
- Sinh non: Nguy cơ sinh non tăng cao do kiểm soát glucose huyết muộn, nhiễm trùng tiết niệu, đa ối, tiền sản giật…
- Đa ối: Dịch ối nhiều từ tuần thứ 26 - 32 của thai kỳ, dịch ối nhiều làm tăng nguy cơ sinh non.
- Sẩy thai và thai lưu
- Nhiễm khuẩn niệu: Khi bị tiểu đường khả năng kiểm soát glucose không tốt làm tăng nguy cơ nhiễm khuyển niệu. Nếu không được điều trị có thể bị viêm đài bể thận cấp dẫn đến các tai biến như sinh non, nhiễm trùng ối…
- Dễ mắc tiểu đường tuýp 2 sau khi sinh con.
Bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. (Ảnh minh họa)
2. Ảnh hưởng tới thai nhi
Bệnh có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. 3 tháng đầu thai có thể không phát triển gây sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh (thường xảy ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ). 3 tháng cuối có thể khiến tăng tiết insulin của thai làm thai tăng to quá mức. Cụ thể những ảnh hưởng tới sự phát triển của thai như sau:
- Thai tăng trưởng quá mức, quá to
- Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh.
- Sinh non và suy đường hô hấp sau sinh
- Tăng hồng cầu của trẻ sơ sinh
- Mắc chứng bệnh vàng da
- Tử vong ngay sau sinh
- Các ảnh hưởng khác như gia tăng tần suất trẻ béo phì, trẻ khi lớn dễ mắc chứng đái tháo đường tuýp 2, rối loạn tâm thần vận động.
Cách xác định tiểu đường thai kỳ qua xét nghiệm và các chỉ số
Để biết có bị mắc tiểu đường khi mang thai hay không thì xét nghiệm là biện pháp cho kết quả chính xác nhất. Đối với phụ nữ mang thai từ tuần thứ 4 - tuần 12 nên làm xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường. Đối với phụ nữ không làm xét nghiệm sớm thì từ tuần thứ 24 - 28 là thời điểm để sàng lọc tiểu đường thai kỳ.
Thủ tục xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường khi mang bầu sẽ được hướng dẫn trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay có 2 biện pháp xét nghiệm chính để chẩn đoán bệnh, cụ thể là:
- Phương pháp 1 bước:
Bà bầu cần nhịn đói 8 tiếng, uống 75g (75-g OGTT) đo nồng độ huyết tương thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau uống. Phương pháp này áp dụng cho bà bầu tuần từ 24 - 28 không trải qua tầm soát ban đầu. Chẩn đoán tiểu đường khi đang trong thai kỳ sẽ nằm ở 1 trong 3 kết quả hoặc cả 3 kết quả sau đây:
+ Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
+ Ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
+ Ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
- Phương pháp 2 bước:
+ Bước 1: Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói). Đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ
Kết quả: 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L)
+ Bước 2: Dung nạp glucose đường uống 100g (100-g OGTT) (thực hiện khi đói) đo glucose huyết lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose.
Bệnh được phát hiện thông qua xét nghiệm lượng đường. (Ảnh minh họa)
Bà bầu cần làm gì khi bị tiểu đường
Với những nguy hiểm của bệnh trong quá trình mang bầu thì các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý tới cách chăm sóc cũng như khắc phục tình trạng bệnh.
1. Ăn uống
Thực đơn ăn uống lành mạnh được chỉ dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa sẽ là một lựa chọn tốt nhất dành cho các bà bầu bị tiểu đường. Mẹ bầu nên:
- Nên giảm lượng đường cung cấp vào cơ thể
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành các bữa chính, bữa phụ, không ăn nhiều quá vào một lần ăn gây tăng đường huyết sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn.
- Mẹ bầu nên ăn các loại: thịt nạc, cá nạc, đầu dũ, sữa chua không đường, sữa không béo không đường, cơm gạo lứt, các loại đậu, rau xanh, củ quả và các loại trái cây ít vị ngọt…
- Hạn chế ăn những thực phẩm có nhiều đường như bánh kẹo, trái cây ngọt, ăn các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt khô, hạn chế ăn mặn, giảm các thực phẩm có nhiều chất béo như lòng đỏ trứng, bơ, thực phẩm chiên xào, rán…
- Hạn chế uống các loại đồ uống có cồn, chất kích thích như rượu bia,chè, cafe, nước ép trái cây ngọt, nước có ga…
2. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là một cách kiểm soát lượng đường trong máu. Thể dục thường xuyên giúp cân bằng lượng thức ăn, kiểm soát tiêu hóa. Mỗi bà bầu bị tiểu đường nên vận động ít nhất 30 phút/ ngày, 5 ngày/ tuần. Các hoạt động thể dục nên áp dụng như đi bộ nhanh, bơi lội…
Dinh dưỡng và thể dục thường xuyên để hạn chế tiểu đường khi có thai. (Ảnh minh họa)
3. Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên
Lượng đường trong máu của bà bầu sẽ thay đổi thường xuyên, đặc biệt là trong những tháng ở tam cá nguyệt thứ 3, vì vậy hãy theo dõi lượng đường thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ để có những cách xử lý tốt nhất cho từng trường hợp.
4. Uống insulin nếu cần thiết
Lượng insulin sẽ được chỉ dẫn của bác sĩ và được bác sĩ kê uống để kiểm soát lượng đường trong máu.
5. Kiểm tra tiểu đường sau sinh
Nên kiểm tra tiểu đường từ 6 - 12 tuần sau sinh và sau đó là 1 - 3 năm. Thông thường bệnh tiểu đường sẽ hết ngay sau khi sinh. Nếu bệnh không biến mất sẽ được gọi là tiểu đường tuýp 2. Vì vậy, kể cả sau khi sinh em bé, bệnh có biến mất hay không mẹ bầu vẫn cần có chế độ ăn uống điều đồ, kiểm tra thường xuyên.
Phòng tránh tiểu đường khi mang thai
Tất cả các bác sĩ, chuyên gia đều đồng ý rằng phòng bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh. Phụ nữ nên phòng bệnh để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt hơn.
- Hãy giảm cân trước khi mang thai nếu như cân nặng của bạn đang ở giai đoạn cảnh báo béo phì.
- Hãy ăn uống điều độ, ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe như trái cây, ngũ cốc, rau củ quả…
- Hãy tập thể dục thể thao thường xuyên, trước khi mang thai, trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.
Để xác định bệnh khi mang thai các bà bầu hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để có được những chẩn đoán chính xác nhất cũng như những hướng dẫn cách xử lý của các bác sĩ chuyên khoa.