Tiểu đường thai kỳ là một loại bệnh tiểu đường tạm thời chỉ xảy ra trong thai kỳ khi cơ thể ngừng sản xuất hoặc không chuyển hóa tốt insulin. Vậy mẹ bầu có thể tự nhận biết được dấu hiệu tiểu đường thai kỳ không?
Nếu cơ thể không thể đáp ứng với insulin một cách thích hợp, lượng đường cao sẽ tích tụ trong máu và gây ra các triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ gây ra một số rủi ro cho sức khỏe của cả phụ nữ mang thai và thai nhi. Những rủi ro sức khỏe này bao gồm cân nặng khi sinh em bé cao hơn chuẩn, nguy cơ sinh non, lượng đường trong máu thấp ở trẻ khi sinh, tăng huyết áp ở bà bầu, nguy cơ cao phụ nữ bị tiền sản giật khi mang thai…
Hầu hết trong các trường hợp bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên bệnh lại gây ra những rủi ro ngay trong thai kỳ và rủi ro với bé khi chào đời. Vì vậy mẹ bầu cần nắm được những thông tin chi tiết về căn bệnh này.
Triệu chứng và dấu hiệu tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ gây ra một số rủi ro cho sức khỏe của cả phụ nữ mang thai và thai nhi. (Ảnh minh họa)
Bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể, rõ ràng nào, vì nhiều thay đổi có thể xảy ra tương tự như trong thai kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra những triệu chứng và dấu hiệu phổ biến nhất:
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức
- Mờ mắt
- Thường xuyên khát nước
- Buồn nôn
- Nhiễm trùng bàng quang, âm đạo hoặc nhiễm trùng da
- Đi tiểu thường xuyên
- Nước tiểu có nhiều kiến bâu...
Bất kỳ phụ nữ nào khi gặp các triệu chứng lạ hoặc bất thường trong thai kỳ nên nói chuyện ngay với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ xác định xem liệu bạn có bị tiểu đường thai kỳ hay gặp bất cứ vấn đề gì khi mang thai hay không.
Chẩn đoán đái tháo đường khi mang thai
Một số bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ khi bà bầu đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thông thường, họ sẽ hỏi bà bầu những cảm giác và thay đổi của họ khi mang thai và yêu cầu lấy mẫu nước tiểu.
Nếu phát hiện một lượng đường đáng kể có trong nước tiểu, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bà bầu tiến hành sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ được kiểm tra sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ từ 24-28 tuần thai. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn có thể cần phải trải qua các cuộc xét nghiệm thường xuyên hơn. Có 2 loại sàng lọc bao gồm:
Xét nghiệm định lượng Glucose lúc đói
Với xét nghiệm này, thai phụ được chỉ định uống hết 50g Glucose trong 5 phút và lấy máu ở ngón tay sau 1 giờ để xét nghiệm sự chuyển hóa đường của cơ thể. Sau đó, thai phụ làm thêm xét nghiệm dung nạp Glucose để có kết quả chính xác nhất.
Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ được kiểm tra sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ từ 24-28 tuần thai. (Ảnh minh họa)
Nghiệm pháp đường huyết (xét nghiệm dung nạp Glucose) vào tuần thai 24-28
Xét nghiệm này thường được làm vào buổi sáng, khi thai phụ nhịn đói sau ăn từ 10 – 14 giờ. Lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó cho bệnh nhân uống 75g glucose trong 5 phút. Định lượng glucose huyết tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống nước đường. Nếu mẫu máu cho kết quả dương tính, thại phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ và được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị bệnh.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường ở bà bầu bao gồm:
- Bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Thừa cân, béo phì
- Người thiếu hoạt động thể chất
- Chủng tộc không phải người da trắng – Phụ nữ là người da đen, người Mỹ gốc Ấn Độ, người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương và người gốc Tây Ban Nha có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
- Tiền sử gia đình: có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.
- Tiền sử sinh con >4,1kg
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Mang đa thai
- Mẹ bầu lớn tuổi (trên 35 tuổi)
Để điều trị đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tập trung vào việc kiểm soát lượng đường trong máu của bà bầu. (Ảnh minh họa)
Điều trị tiểu đường khi mang thai
Để điều trị đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tập trung vào việc kiểm soát lượng đường trong máu của bà bầu. Lúc này, bà bầu cần theo dõi lượng đường trong máu ở nhà và thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.
Xét nghiệm đường huyết thường xuyên có thể giúp đảm bảo việc kiểm soát được lượng đường trong máu hiệu quả. Bác sĩ cũng sẽ theo dõi sức khỏe của thai nhi bằng siêu âm thai và sẽ đề nghị sản phụ nên sinh con trước 40 tuần thai để giúp ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn với mẹ bầu và bé.
Ngoài ra, việc thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp quản lý được lượng đường trong máu bà bầu. Tập thể dục có thể giúp cơ thể điều chỉnh độ nhạy cảm với insulin, trong khi một chế độ ăn uống cân bằng lại giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến và giảm mức đường trong máu.
Các loại thực phẩm ưu tiên cho mẹ bầu bị đái tháo đường bao gồm:
- Protein nạc
- Chất béo lành mạnh
- Các loại ngũ cốc
- Sản phẩm sữa ít béo
- Rau không chứa tinh bột
- Trái cây ít đường
Nếu mẹ bầu thấy việc tập luyện thể thao và thay đổi chế độ ăn uống là không đủ để quản lý bệnh tiểu đường thai kỳ thành công, bác sĩ có thể sẽ kê thêm các loại thuốc để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, một số việc mà mẹ bầu có thể thực hiện ngay để giảm nguy cơ phát triển tình trạng bệnh bao gồm:
- Đạt và duy trì cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai
- Ăn chế độ ăn uống cân bằng
- Tập thể dục thường xuyên
- Đi khám sức khỏe định kỳ khi mang thai
- Không tăng cân quá nhiều khi mang thai
NGUỒN THAM KHẢO: What are the symptoms of gestational diabetes? - Medicalnewstoday - 15/05/2019 |