Tiểu đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không?

Ngày 13/05/2020 16:15 PM (GMT+7)

Bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra lượng đường trong máu cao, có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của người mẹ và sức khỏe của em bé. Vậy đâu là những dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ và mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là bệnh đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán lần đầu tiên trong lúc người phụ nữ mang thai. Giống như các loại bệnh tiểu đường khác, đái tháo đường thai kỳ gây ra rối loạn dung nạp glucose, khiến lượng đường trong máu cao, có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của người mẹ và sức khỏe của em bé.

Mặc dù có thể gặp phải những biến chứng khi mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ, tuy nhiên vẫn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh tiểu đường bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể và sử dụng thuốc nếu cần thiết. Kiểm soát lượng đường trong máu có thể giữ cho bạn và em bé được khỏe mạnh và có ca sinh nở an toàn.

Với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu bạn bị mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuyp 2 cao hơn, bạn cũng sẽ phải được kiểm tra những thay đổi về lượng đường trong máu thường xuyên hơn.

Tiểu đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không? - 1

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là bệnh tiểu đường được chẩn đoán lần đầu tiên trong lúc người phụ nữ mang thai. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng. Hầu hết họ chỉ được phát hiện ra khi đi kiểm tra tiểu đường theo lịch của bác sĩ. Tuy nhiên, sẽ có một số dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ phổ biến dưới đây:

- Khát nước hơn bình thường

- Đói bụng và ăn nhiều hơn bình thường

- Đi tiểu nhiều hơn

- Mệt mỏi

- Mắt mờ

Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ

Các nhà nghiên cứu chưa tìm được nguyên nhân tại sao một số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ còn những người khác thì không. Tuy nhiên, cân nặng quá mức trước khi mang thai thường là một trong những yếu tố gây nguy cơ cao.

Thông thường, các loại hormone khác nhau có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu của người phụ nữ. Nhưng khi mang thai, nồng độ hormone thay đổi khiến cơ thể bạn khó xử lý lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Điều này làm cho lượng đường trong máu tăng lên.

Tiểu đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không? - 2

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ

Một số phụ nữ có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao hơn. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ bao gồm:

- Thừa cân và béo phì

- Thiếu hoạt động thể chất

- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.

- Hội chứng buồng trứng đa nang

- Tiền sử gia đình: có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.

- Tiền sử sinh con >4,1kg

- Chủng tộc không phải người da trắng – Phụ nữ là người da đen, người Mỹ gốc Ấn Độ, người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương và người gốc Tây Ban Nha có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Lượng đường trong máu cao có thể gây ra vấn đề cho người mẹ và em bé, bao gồm cả tăng nguy cơ phải sinh mổ.

Những ảnh hưởng đến em bé

Nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, em bé sẽ có thể tăng các nguy cơ:

- Cân nặng khi sinh quá mức trung bình: Em bé của những người mẹ có lượng đường trong máu cao hơn bình thường có thể phát triển quá mức tiêu chuẩn. Những em bé có cân nặng cao (trên 4,1kg) có nhiều nguy cơ khó đi vào ống sinh, bị chấn thương khi sinh hoặc phải sinh mổ.

Tiểu đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không? - 3

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ có nguy cơ phải sinh mổ. (Ảnh minh họa)

- Sinh non: Lượng đường trong máu người mẹ cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh nở trước ngày dự sinh. Đôi khi những trường hợp này cũng được đề nghị sinh sớm do em bé quá lớn.

- Khó thở nghiêm trọng: Trẻ sinh sớm ở những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có thể gặp phải hội chứng suy hô hấp – một tình trạng gây khó thở.

- Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết): Đôi khi em bé của những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) ngày sau khi sinh. Các đợt hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giặt ở trẻ. Cho trẻ bú sớm hoặc sử dụng dung dịch glucose tiêm tĩnh mạch có thể đưa mức đường trong máu của trẻ trở lại bình thường.

- Tăng nguy cơ trẻ bị béo phì và tiểu đường tuyp 2 sau này: Em bé của những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 sau này khi lớn lên.

- Thai chết lưu: Bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể dẫn đến cái chết của em bé trước hoặc ngay sau khi sinh.

Những ảnh hưởng đến người mẹ

- Huyết áp cao và tiền sản giật: Bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ huyết áp cao cũng như tiền sản giật - những biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ gây ra huyết áp cao và các triệu chứng khác có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.

- Sinh mổ: Người mẹ sẽ có nhiều khả năng phải sinh mổ nếu bị tiểu đường thai kỳ.

- Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bạn có nhiều khả năng sẽ bị lại lần nữa trong thai kỳ sau này. Bạn cũng có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn khi về già.

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ nên đặc biệt chú ý đến lượng carbohydrate, protein và chất béo. Ăn thường xuyên 2 giờ/lần với những bữa ăn nhỏ cũng có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu.

Carbohydrate

Nạp carbohydrate với các bữa ăn phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định chính xác bao nhiêu carbohydrate bạn nên ăn mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên gặp bác sĩ dinh dưỡng để có lời khuyên về những bữa ăn lành mạnh. Lựa chọn carbohydrate lành mạnh bao gồm:

- Các loại ngũ cốc

- Gạo lứt

- Đậu, đậu Hà Lạn, đậu lăng và các loại đậu khác.

- Rau xanh

- Trái cây ít đường

Tiểu đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không? - 4

Một chế độ ăn uống cân bằng là chìa khóa để quản lý bệnh tiểu đường thai kỳ đúng cách. (Ảnh minh họa)

Chất đạm

- Phụ nữ mang thai nên ăn 2-3 phần protein mỗi ngày. Nguồn protein tốt nhất bao gồm thịt nạc, thịt gia cầm, cá và đậu phụ.

Chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh kết hợp vào chế độ ăn uống của bạn bao gồm: các loạt hạt, dầu ô liu, bơ…

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trung bình, bạn có thể sẽ được kiểm tra sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ 2 -  trong khoảng từ 24-28 tuần của thai kỳ.

Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao – ví dụ nếu bạn thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai hoặc gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường – bác sĩ có thể sẽ kiểm tra tiểu đường sớm trong thai kỳ, có thể là lần đầu tiên khi bạn đi thăm khám tiền sản.

Các xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ:

Các xét nghiệm sàng lọc có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người mẹ, cơ bản bao gồm:

Xét nghiệm định lượng Glucose lúc đói

Với xét nghiệm này, thai phụ được chỉ định uống hết 50g Glucose trong 5 phút và lấy máu ở ngón tay sau 1 giờ để xét nghiệm sự chuyển hóa đường của cơ thể. Sau đó, thai phụ làm thêm xét nghiệm dung nạp Glucose để có kết quả chính xác nhất.

Nghiệm pháp đường huyết (xét nghiệm dung nạp Glucose) vào tuần thai 24-28

Xét nghiệm này thường được làm vào buổi sáng, khi thai phụ nhịn đói sau ăn từ 10 – 14 giờ. Lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó cho bệnh nhân uống 75g glucose trong 5 phút. Định lượng glucose huyết tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống nước đường. Nếu mẫu máu cho kết quả dương tính, thại phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ và được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị bệnh.

Tiểu đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không? - 5

Điều trị tiểu đường khi mang thai

- Thay đổi lối sống: Lối sống của bạn bao gồm cách bạn ăn uống, sinh hoạt là một phần quan trọng trong việc giữ cho lượng đường trong máu của bạn ở mức lành mạnh. Các bác sĩ không khuyên bạn nên giảm cân khi mang thai bởi cơ thể đang phải nuôi dưỡng thêm một em bé, nhưng bạn nên đặt mục tiêu tăng cân vừa phải, hợp lý và quan trọng nhất cần kiểm soát cân nặng ngay từ trước khi mang bầu.

- Theo dõi lượng đường trong máu

Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ có thể sẽ phải yêu cầu bạn kiểm tra lượng đường trong máu 4 lần mỗi ngày – vào buổi sáng và sau các bữa ăn -  để đảm bảo tình hình bệnh trong phạm vi kiểm soát.

- Sử dụng thuốc

Nếu chế độ ăn và việc tập luyện thể thao không đủ, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn cần tiêm insulin để giảm lượng đường trong máu. Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp phải sử dụng thuốc.

Cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ

Không có cách gì đảm bảo chắc chắn có thể ngăn ngừa được bệnh tiểu đường thai kỳ nhưng người mẹ có thể áp dụng những thói quen lành mạnh ngay từ trước khi mang thai có thể phòng tránh đái tháo đường thai kỳ hiệu quả. 

- Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe: Nên chọn thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo. Tập trung vào trái cây, rau quả, ngũ cốc. Phụ nữ mang thai nên có chế độ ăn uống đa dạng để nạp đủ dinh dưỡng cho thai kỳ và tăng cân đạt chuẩn.

- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục trước và trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tiểu đường thai kỳ. Người mẹ nên đặt mục tiêu 30 phút hoạt động vừa phải mỗi ngày với việc đi bộ, bơi, tập yoga, đạp xe…

- Bắt đầu mang thai với một cơ thể khỏe mạnh: Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy giảm cân trước để có sức khỏe tốt nhất chuẩn bị cho việc có bầu. Phụ nữ nên tập trung vào việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mẹ ngay từ trước khi mang thai để có thai kỳ khỏe mạnh sau này.

- Không tăng cân quá nhiều khi mang thai: Tăng cân khi mang thai là bình thường và là dấu hiệu thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu tăng cân quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ mang thai thông thường chỉ cần tăng từ 10-14kg tuy nhiên hãy hỏi bác sĩ về mức tăng cân hợp lý nhất cho bạn bởi mỗi người phụ nữ khi mang thai nên có mức tăng cân khác nhau.

NGUỒN THAM KHẢO

Gestational Diabetes - Mayo Clinic - 27/02/2020

Gestational Diabetes - Healthline - 05/06/2016

Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì để khỏe mẹ, tốt con?
Việc có thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, với các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì là vấn đề đặc biệt được quan tâm.

Hường Cao (Dịch từ Mayo Clinic, Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường.