Có trường hợp bé sơ sinh bị giang mai và gây biến chứng viêm màng não nghiêm trọng khiến các bác sĩ phải tiêm kháng sinh lâu dài và tích cực điều trị.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận điều trị 20 ca bệnh giang mai là trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn 1 tháng tuổi. Các bệnh nhi này chủ yếu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chuyển lên.
Theo Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, năm 2022 số trẻ nhiễm bệnh giang mai tăng cao bất thường dù bệnh này hoàn toàn thể kiểm soát trước và trong khi mang thai. Tuy nhiên do các mẹ bầu chủ quan trong quá trình bầu bí nên bé sơ sinh sinh ra đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Tại bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhi dương tính với giang mai đã biến chứng hủy xương, bao gồm xương cánh tay, đầu dưới xương đùi và xương chày.
Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đã tiếp nhận những bệnh nhi dương tính với giang mai đã biến chứng. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân do sản phụ này trước đó được xét nghiệm dương tính với giang mai trong lúc mang thai. Tuy nhiên mẹ bầu cứ nghĩ mình không mắc bệnh nên chủ quan không điều trị, không dự phòng lây từ mẹ sang con. Khi sinh ra, con sơ sinh đã mắc bệnh giang mai nên bà mẹ này mới ân hận.
Có trường hợp bé sơ sinh bị giang mai và gây biến chứng viêm màng não nghiêm trọng khiến các bác sĩ phải tiêm kháng sinh lâu dài và tích cực điều trị.
Điều đáng nói là mẹ của bé này khi mang bầu đã khám thai ở phòng khám tư nhân. Tuy nhiên khi có kết quả giang mai cũng không được tham vấn điều trị và trẻ cũng không được dự phòng nên đã bị lây bệnh.
Theo các bác sĩ nhi khoa, với những đứa trẻ không được dự phòng lây nhiễm giang mai thường để lại hậu quả, nghiêm trọng là tử vong và gánh nặng chi phí điều trị rất lớn cho gia đình. Nhiều trường hợp trẻ mắc giang mai biến chứng viêm gan nặng nên đã tử vong dù được nỗ lực cứu chữa.
Các bác sĩ cũng nhận định, nếu như trước đây, việc dự phòng 3 bệnh từ mẹ sang con gồm giang mai, HIV, viêm gan B được thực hiện tốt thì thời gian vừa rồi, do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng như sự chủ quan của nhiều thai phụ mà bệnh giang mai xuất hiện trở lại với số ca tăng đột biến.
Ngoài ra, những cơ sở khám chữa bệnh chưa có đủ khả năng xét nghiệm phát hiện bệnh thì cần chuyển thai phụ sang các bệnh viện lớn để kịp thời được sàng lọc, phát hiện bệnh.
Mẹ bầu nên làm gì để bé sơ sinh không bị mắc giang mai từ khi mới sinh ra?
Hiện nay, tất cả sản phụ khám thai tại các bệnh viện lớn đều được xét nghiệm máu để tầm soát sớm (giai đoạn 3 tháng đầu) thai kỳ có thể phát hiện và điều trị bệnh lý giang mai khỏi, không lây truyền từ mẹ sang con.
Thực tế, nếu mẹ bầu mắc giang mai mà không được điều trị đúng và đủ theo phác đồ thì có thể có nhiều biến chứng cho mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh như: thai chết lưu, sẩy thai hoặc sinh non. Hoặc bé sinh ra có những biểu hiện sớm như: bọng nước, viêm mũi, viêm thanh quản, gan lách to, viêm xương sụn, viêm màng bụng…
Nhiều trẻ sơ sinh bị giang mai mà không có triệu chứng rõ ràng. Nguyên nhân là do em bé sơ sinh có thể nhiễm trùng do virus, siêu vi, vi khuẩn trước, trong bào thai và sau khi sinh.
Nhiều trẻ sơ sinh bị giang mai mà không có triệu chứng rõ ràng. (Ảnh minh họa)
Do đó, trong quá trình mang thai, ngoài thăm khám và siêu âm định kỳ, đo tim thai, mẹ bầu phải thực hiện xét nghiệm, tầm soát các bệnh có thể điều trị để sớm có biện pháp can thiệp, tránh nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó nếu bị giang mai, sản phụ cần điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ vì điều trị giang mai trong thai kỳ không phức tạp và dễ điều trị. Tuyệt đối không được chủ quan bỏ qua xét nghiệm giang mai.