Làm sấu ngâm đường không hề khó tuy nhiên để quả sấu luôn được giòn tan, không bị nhăn nheo, teo quả, ngâm lâu vẫn căng tròn, vàng ruộm đẹp mắt, nước sấu không nổi váng lại cần phải có bí quyết riêng.
Sấu ngâm đường là một trong những thức uống giải khát thơm ngon, hấp dẫn trong ngày hè. Nước sấu ngâm có vị chua ngọt, thanh thanh, tươi mát, pha thêm chút đá lạnh uống vô cùng đã khát. Không chỉ thế, quả sấu ngâm ngấm đường giòn tan, ngọt ngào, chua nhẹ... khiến ai ăn cũng thích.
Cách làm sấu ngâm đường không hề khó tuy nhiên để quả sấu luôn được giòn tan, không bị nhăn nheo, teo quả, ngâm lâu vẫn căng tròn, vàng ruộm đẹp mắt, nước sấu không nổi váng lại cần phải có bí quyết riêng. Nếu ngâm sấu bị hỏng nhiều lần hoặc quả sấu chưa giòn như ý, chị em có thể tham khảo tuyệt chiêu làm sấu ngâm đường dưới đây của chị Lê Duyên.
Chị Lê Duyên
Chị Lê Duyên tâm sự, bản thân rất thích uống nước sấu. Sau nhiều lần ngâm sấu và rút kinh nghiệm, chị đã tìm ra được bí quyết để sấu ngâm không nổi váng và quả luôn căng tròn, không hề bị nhăn nheo.
Dưới đây là cách làm sấu ngâm đường của chị Lê Duyên, chị em cùng tham khảo nhé:
Nguyên liệu làm sấu ngâm đường:
- 1kg sấu bánh tẻ tươi (không quá non hoặc quá già)
- 1,2kg đường cát vàng hoặc trắng đều được
- 2 - 3 củ gừng ta thái sợi hoặc thái mỏng
- 1 bình hũ thủy tinh để ngâm sấu thật khô ráo (Nên luộc qua để tiệt trùng)
- Muối, nước vôi trong...
Cách làm sấu ngâm đường:
Bước 1: Chọn sấu
Mua sấu hãy chọn quả to không quá già cũng không quá non. Nếu tiện có máy xát vỏ bạn có thể thuê xát vỏ luôn, nếu không có thì mang về tự cạo.
Bước 2: Ngâm nước muối loãng
Nếu sấu đã được xát vỏ bằng máy rồi thì nên mang về rửa sạch vài lần với nước ngay để tránh cho sấu bị thâm. Còn nếu tự cạo thì vừa cạo vừa ngâm sấu với chậu nước muối loãng... để không bị thâm nhé.
Bước 3: Đập sấu
Dùng búa đập dập quả sấu, đập đến đâu ngâm vào chậu nước muối loãng đến đó. Ngâm tầm 30 phút rồi rửa lại nhiều lần cho hết mủ sấu. Theo bí quyết của chị Lê Duyên, đập sấu như vậy sẽ giòn và không teo quả hơn các cách khác.
Bước 4: Ngâm sấu với nước vôi trong
Vớt sấu chậu nước muối lại ngâm sang chậu nước vôi trong từ 2-3 giờ (Lưu ý: vôi đã tôi lấy nước trong ít nhất 1 tuần để không còn mùi vôi). Nước vôi giúp sấu vàng đẹp và giòn hơn.
Nếu ai nào không có nước vôi trong thì phải dùng phèn chua cho một chút vào nồi sấu khi chần nước sôi ở bước 5.
Bước 5: Chần (nhúng) sấu qua nước sôi
Sau khi ngâm nước vôi thì rửa thật sạch vài lần nước hết mùi vôi để ráo. Bắc nồi nước khoảng 2-3 lít đun sôi cho sấu vào rồi khuấy đều thao tác nhanh trong 20 giây rồi tắt bếp vớt sấu để khô ráo. Việc chần này sẽ làm sấu có màu đẹp và giòn nhưng chậm tay sấu sẽ bị mềm.
Bước 6: Ngâm sấu với đường
Sấu sau khi chần để nguội cho vào bình, 1 lớp sấu vài lát gừng cho tới hết rồi vào và đổ 1.2kg đường trên mặt để qua đêm tự sấu ngấm nước tan đường.
Bước 7: Nấu nước đường
Sau khi qua đêm đường tan 1 phần còn 1 phần chưa tan hết vớt sấu ra ngoài rồi cho thêm 1 cốc tầm 250ml nước vào đun lượng đường tan hết là được tắt bếp, chờ nước đường nguội hẳn thì đổ lại hũ sấu.
Bước 8: Nén khi ngâm sấu để lâu
Dùng 1 túi nilon, cho nước đun đôi để nguội vào túi rồi buộc chặt lại để chèn lên sấu, giúp quả sấu không bị nổi lên là 5 ngày sau có sấu ăn, pha nước uống.
Thưởng thức ly sấu ngâm đường
Múc nước sấu và quả sấu vào cốc, thêm chút nước cùng vài viên đá, khuấy đều rồi thưởng thức. Hương vị chua ngọt thanh thanh và mát lạnh của nước sấu chắc chắn sẽ giúp cả nhà bạn xua tan đi cái nắng mùa hè.
Chúc các bạn thành công với cách làm sấu ngâm đường này nhé!