Loại nấm này không chỉ ngon, giá rẻ mà còn rất tốt cho sức khỏe nhờ chứa cả kho dưỡng chất.
Nhắc tới “vua của các loại nấm” thì chắc chắn phải gọi tên nấm đông cô. Đây là loại nấm quen mặt tại các sạp rau, siêu thị. Nấm đông cô có hương vị thơm ngon lại dễ chế biến.
Nghiên cứu cho thấy, trong loại nấm này có chứa hàm lượng lớn các vitamin, chất xơ, carbohydrate, protein, carotene, retinol, khoáng chất như sắt, natri, canxi, photpho…
Không chỉ vậy, nấm đông cô còn là nguồn bổ sung một số hoạt chất có lợi như polysaccharides, choline, adenine, glycosidase… rất tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên nên ăn nấm đông cô thường xuyên để nhận về nhiều lợi ích cho cơ thể.
Nấm đông cô có thể đem chế biến được nhiều món ngon. Hôm nay, Bếp Eva sẽ chia sẻ tới bạn cách làm thịt gà hấp nấm đông cô vừa ngon vừa bổ lại rất dễ làm theo, hãy cùng vào bếp nhé.
Nguyên liệu
- Thịt gà: ½ con
- Nấm hương
- Táo tàu
- Gừng
- Rau mùi
- Hạt tiêu
- Muối
- Rượu nấu ăn
- Mì chính
Cách làm gà hấp nấm
1. Nấm đông cô khô mua về bạn đem rửa qua với nước sạch rồi ngâm trong hỗn hợp baking soda (hoặc muối ăn) và bột mì. Để khoảng 20 - 30 phút sau đó rửa nấm lại thật sạch. Bằng cách này, toàn bộ bụi bẩn còn sót lại trên bề mặt nấm sẽ trôi đi hết. Khi nấm đông cô đã sạch hoàn toàn, bạn cho chúng vào bát nước sạch và ngâm chừng 10 phút nữa để nấm nở to. Áp dụng tương tự với táo tàu.
2. Vớt nấm đông cô và táo tàu đã ngâm ra rồi thái thành từng miếng vừa ăn.
3. Phần thịt gà bạn chà xát cùng muối, gừng để khử mùi hôi, tanh rồi rửa lại với nước cho sạch. Chặt gà thành từng miếng vừa ăn.
4. Cho gà đã chặt miếng, nấm đông cô thái nhỏ vào bát. Lần lượt thêm rượu nấu ăn, muối, hạt tiêu và đảo đều lên, để khoảng 10 phút cho ngấm.
5. Chuẩn bị 1 chiếc đĩa sâu lòng sau đó xếp thịt gà vào. Rải táo tàu, nấm đông cô cùng gừng thái chỉ và cọng rau mùi lên trên.
6. Đặt đĩa gà lên xửng, đậy vung lại, bật bếp với ngọn lửa lớn rồi hấp khoảng 20 phút là thịt gà chín.
7. Nhấc đĩa gà hấp nấm đông cô ra và thưởng thức khi còn nóng.
Thịt gà chế biến kiểu này giữ được độ giòn dai, đậm đà, không bị ngấy. Nấm thanh mát, mềm thơm. Táo đỏ giữ vị ngọt đặc trưng ăn cực kỳ cuốn.
Một số lưu ý khi ăn nấm đông cô
1. Không chần nấm đông cô
Đa số mọi người có thói quen chần nấm cho nhanh nở, đây là cách làm sai cần phải bỏ ngay. Việc chần nấm đông cô sẽ vô tình phá hủy các axit amin và các dưỡng chất tốt trong loại thực phẩm này.
Ngoài ra, khi ăn nấm đông cô cần biết cách sơ chế bởi bề mặt nấm có vô vàn vi khuẩn, cặn bẩn bám lại, chỉ rửa theo cách thông thường rất khó sạch. Bạn có thể sử dụng baking soda, muối, bột mì để tăng hiệu quả làm sạch.
2. Thêm đường
Muốn cây nấm được mềm và căng mềm, mọng nước thì hãy thêm đường. Trước tiên, bạn rửa nấm đông cô thật sạch sau đó cho vào hộp đựng thực phẩm có nắp đậy.
Thêm vào đây nước ấm ngập bề mặt nấm cùng 2 thìa đường. Lắc chừng 2 phút rồi ngâm nấm 30 phút để đạt hiệu quả cao nhất. Cách này vừa giúp nấm khô mềm, nở căng lại đảm bảo hương vị thơm ngon khi nấu chín.
3. Bảo quản đúng cách
- Nấm đông cô tươi
Loại nấm tươi bạn chỉ cần thấm khô nước rồi cho vào túi zip hoặc hộp trữ thực phẩm sau đó bỏ vào ngăn mát tủ lạnh. Lưu ý, bạn nên ngâm nấm với nước muối loãng khoảng 15 phút rồi mới bảo quản như thế giúp nấm tươi lâu từ 3 - 5 ngày.
- Nấm đông cô khô
Với nấm đã khô thì cách bảo quản đơn giản hơn. Bạn chỉ cần cho nấm vào túi giấy hoặc hộp kín sau đó để nơi thoáng mát là được.