Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, dù đã áp dụng biện pháp bình ổn giá, song giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn chưa thực sự "ổn".
Sáng 12/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Trước truy vấn của ĐBQH liên quan tới giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, dù đã áp dụng biện pháp bình ổn giá, song giá mặt hàng này vẫn chưa thực sự "ổn".
Giá sữa cứ “cao, cao nữa, cao mãi”
ĐB Huỳnh Sang (Bình Phước) đặt câu hỏi về giá sữa đối với trẻ em dưới 6 tuổi và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp thật cụ thể để giải quyết được tình trạng, giá sữa Việt Nam quá cao so với cùng loại ở các nước trong khu vực. Hầu như các biện pháp bình ổn giá sữa của cơ quan quản lý “vô hiệu”, trong khi DN kinh doanh sữa đã kịp lách luật và giá sữa trong nước cứ cao, cao nữa, cao mãi.
Trước khi trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng xin lỗi ĐB Huỳnh Sang, dù đã có chuẩn bị rồi, nhưng vì nhiều câu hỏi quá nên…quên mất. Thừa nhận tình trạng như ĐB Huỳnh Sang phản ánh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ, sữa là mặt hàng có sự điều hành quản lý của Nhà nước nhưng đúng là thời gian qua giá sữa trong nước vẫn cao hơn các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn cao và chuyện "kinh tế ngầm" trong xuất nhập khẩu biên mậu
Nói về giải pháp, người đứng đầu ngành công thương cho rằng, trước tiên là tăng cường sản xuất trong nước để giảm giá thành sản phẩm sữa, nhân rộng các mô hình thành công như Vinamilk, TH true milk... Đồng thời gắn phát triển nguyên liệu với phát triển chăn nuôi sẽ góp phần giảm được giá.
Giải pháp thứ 2 được Bộ trưởng Hoàng nhắc tới là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thông qua thương thảo, cam kết trong Hiệp định thương mại tự do về mặt hàng này. “Dù sữa là mặt hàng không hạn chế nhập khẩu nhưng chúng ta hoàn toàn có thể biện pháp phi thuế quan để kiểm soát” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng “hứa” sẽ chỉ đạo ngành quản lý thị trường phối hợp với quản lý Giá (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra giá sữa liên tục trên thị trường để đảm bảo các cơ sở kinh doanh sữa thực hiện theo đúng cam kết của Nhà nước.
Có biểu hiện “kinh tế ngầm”
Dành chất vấn cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi về chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tới 20 tỷ USD trong năm 2014 liệu có dấu hiệu của “kinh tế ngầm”, bắt tay giữa cơ quan quản lý.
Trước câu hỏi của ĐB Minh, người đứng đầu ngành công thương chia sẻ, thực tế chênh lệch số liệu thống kê là thực tế tồn tại không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà ngay cả giữa Việt Nam và nhiều đối tác xuất nhập khẩu khác như Nhật Bản, Singapore... “Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia càng lớn thì chênh lệch số liệu này càng nhiều” - Bộ trưởng Hoàng nói. Ông cũng dẫn ra một loạt những con số để minh chứng cho việc “vênh” số liệu này.
Đơn cử, số liệu xuất khẩu Việt Nam và Nhật Bản năm 2014, trong khi Nhật Bản thống kê 14.180 tỷ USD thì Việt Nam thống kê lên tới 14.693 tỷ USD, chênh nhau hơn 500 triệu USD. Hay như số liệu xuất khẩu sang Singapore được nước bạn thống kê năm 2014 là 3,2 tỷ USD, còn thống kê của Việt Nam chỉ 2,9 tỷ USD, chênh nhau 260 triệu USD...
Về nhập khẩu, năm 2014 trong khi Việt Nam thống kê 12,9 tỷ USD thì Nhật Bản thống kê 10,8 tỷ USD, con số chênh là 2,1 tỷ USD...
Một lần nữa, phần trình bày của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, “Bộ trưởng nên trả lời thẳng vào vấn đề, có tình trạng đó hay không, không nêu lan man số liệu vì dài quá...”.
Đáp lại lời Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Hoàng khẳng định ngắn gọn, “số liệu thống kê hải quan Việt Nam là số liệu chính thức, thống kê qua sổ sách thông quan tại các cửa khẩu nên là con số chính xác”, ông nói.
Chính vì phần trả lời không đi vào trọng tâm khiến ĐB chưa bằng lòng, ĐB Ngô Văn Minh đứng lên lần 2 để “truy” lại Bộ trưởng Công thương.
ĐB Minh nhắc lại câu hỏi, “ý hỏi của tôi là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, liệu có dấu hiệu “kinh tế ngầm” trục lợi trong đó hay không...?”.
Khẳng định không có ý viện dẫn quá nhiều số liệu, theo vị trưởng ngành công thương, những con số mà ông nêu để cụ thể hoá hơn cho ĐB thấy rõ thực trạng, tồn tại.
“Đúng là có tình trạng buôn lậu, kinh tế ngầm và trong đó có phần trách nhiệm của lực lượnh quản lý thị trường nằm trong Ban chỉ đạo 389. Quan trọng là phải làm trong sạch đội ngũ, tăng cường năng lực và xử lý nghiêm hành vi sai phạm của các cán bộ liên quan”- vị Bộ trưởng thừa nhận.
Về giải pháp giải toả ách tắc nông sản, đơn cử mặt hàng dưa hấu, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), ĐB Minh cũng hỏi lại: “Bộ trưởng nói đang lên đề án để xây dựng một trạm trung chuyển quy mô lớn, Bộ trưởng có dám hứa, trạm trung chuyển này xây dựng xong sẽ là biện pháp duy nhất và quyết định để chấm dứt tình trạng ùn ứ nông sản?”.
Cho rằng đề án xây dựng trạm trung chuyển nông sản các cửa khẩu Tân Thanh 10 km là đề án xây dựng với quy mô vốn lớn, cần sự kêu gọi vốn từ nguồn xã hội hoá và ngân sách Nhà nước, nhưng ông Hoàng nhấn mạnh, đây không phải là giải pháp duy nhất. Hai biện pháp nữa được vị Bộ trưởng đưa ra, trao đổi với đối tác Trung Quốc để ký một thoả thuận về tạo điều kiện thuận lợi hoá cho hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Thứ hai là thông tin đầy đủ, tránh tình trạng “đứt đoạn” thông tin tới người dân, người sản xuất như vừa qua.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giao trách nhiệm cho Bộ trưởng và ngành Công thương, đối với các mặt hàng thiết yếu trong đời sống phải thực hiện công khai, minh bạch. Tất cả phải được thông qua kênh thông tin đại chúng, để người dân biết, tin tưởng. Thậm chí viện phí, học phí sau này cũng vậy, nếu không tiêu cực sẽ ở trong đó, mà dư luận sẽ không hiểu gì.
“Đã quản lý Nhà nước thì phải kiểm soát, công khai minh bạch chi phí và giá bán, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ, tránh bị lợi dụng về giá cả” – Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.