Ngoài những lợi ích về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em thì người tiêu dùng cũng sẽ được lợi về giá khi tới đây các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi bị cấm, giá thành sữa giảm đi đáng kể do chi phí quảng cáo giảm.
Ngày 19/12/2014, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị Phổ biến Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ quy định kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo.
Nghị định số 100/2014/NĐ-CP sẽ có hiệu lực vào ngày 1/3/2015 tới đây. Trong Nghị định, có một quy định đột phá là cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi để khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Cụ thể, điều 6, Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.
Giá sữa được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới khi Nghị định 100/2014/NĐ-CP có hiệu lực. Ảnh: Bảo Anh
Nghị định cũng quy định rõ, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi bao gồm 3 loại sản phẩm. Loại thứ 1 là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Loại sản phẩm thứ 2 là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong các giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi.
Loại thứ 3 là sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không được bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Hội nghị phổ biến Nghị định 100/2014/NĐ-CP do Bộ Y tế tổ chức sáng nay. Ảnh: Bảo Anh
Về những điểm mới của Nghị định lần này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, có 4 điểm mới cơ bản trong Nghị định lần này. Đó là tích hợp thống nhất sản phẩm sữa thay thế cho sữa mẹ dưới 24 tháng tuổi bao gồm hai loại là 0 – 12 tháng tuổi và 6 – 12 tháng tuổi. Điểm thứ hai là cấm quảng cáo sữa có hình ảnh của bà mẹ bụng bầu. Đây là điểm tích cực vì các doanh nghiệp sữa bao giờ cũng làm theo một chuỗi, khi người tiêu dùng uống là uống cả gói từ khi còn bầu và sau khi sinh, dùng cho con.
Điểm mới thứ 3 là làm rõ các thông tin liên quan đến truyền thông. Các sản phẩm truyền thông phải rõ ràng, rành mạch mang tính khoa học, chuyên môn với sản phẩm chứ không phải là sản phẩm quảng bá, quảng cáo. Điểm mới thứ 4 là cấm tiếp thị, bán hàng giảm giá, biếu mẫu sản phẩm…cả ở ngoài xã hội, hạn chế việc tiếp cận với các bà mẹ. Khi cấm quảng cáo sản phẩm sữa dưới 24 tháng tuổi thì một điểm lợi nữa là giá sữa chắc chắn sẽ giảm đi, chi phí quảng cáo rất cao của các hãng sữa hiện nay sẽ không bị tính vào giá thành sản phẩm.
Đánh giá về tác động của Nghị định 100 với quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, TS. Nguyễn Huy Quang cho biết: “Với những điểm trên, người tiêu dùng sẽ được lợi rất nhiều như về sức khỏe trẻ em, quyền trẻ em được bú mẹ được đảm bảo hơn, giá thành sản phẩm sữa…Về phía doanh nghiệp vẫn sẽ được quyền sản xuất, kinh doanh bình thường”.
GS.TS nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Nghị định 100/2014/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ trẻ em, hạn chế tối đa tác động của quảng cáo, tiếp thị, thông tin, truyền thông có thể làm ảnh hưởng đến quyền được bú sữa mẹ của các em”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, việc này đồng nghĩa với việc làm giảm giá sữa, sản phẩm dinh dưỡng công thức đang leo thang trong thời gian qua.
Các bệnh viện, nhân viên y tế bị nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Ảnh: Bảo Anh
Ông Mohamed Cisse, Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em UNICEF tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam đã thực hiện bước tiến quan trọng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc cho ra đời Nghị định 100. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi”.
Theo ông Mohamed Cisse, khuyến khích Nuôi con bằng sữa mẹ là nghĩa vụ mang tính chất quốc gia. Nghị định không cấm bán các sản phẩm này nhưng cấm các hình thức quảng cáo cạnh tranh với sữa mẹ, đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam.
Thức ăn bổ sung phải tuân thủ chặt chẽ phần đầu và nội dung quảng cáo
Theo Nghị định, việc quảng cáo thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 24 tháng tuổi vẫn được phép nhưng phải bảo đảm các yêu cầu rõ ràng về phần đầu của quảng cáo, nội dung quảng cáo.
Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”. Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi”.
Việc ghi nhãn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ nhỏ cũng được Nghị định 100 quy định rõ ràng. Cụ thể, trên nhãn phải có chữ in hoa: “CHÚ Ý”, sau đó là chữ in thường về nôi dung cần chú ý như sau: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác”. Chiều cao của chữ không được dưới 2mm, màu sắc của chữ phải rõ ràng và có màu tương phản với màu nền của nhãn.
Nhãn sữa phải có chữ in thường: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sỹ. Pha thế theo đúng hướng dẫn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh”, chiều cao của dòng chữ này không được dưới 1,5mm. Nhãn của sản phẩm sữa cũng phải ghi rõ độ tuổi phù hợp của trẻ khi dùng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.
Trên nhãn cũng không được có hình ảnh, tranh vẽ trẻ nhỏ, bà mẹ cho con bú, bình bú; không được sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh thể hiện sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ hoặc khuyến khích trẻ bú bằng bình bú; không được giống hỉnh ảnh nhãn sữa dành cho phụ nữ mang thai…
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, cùng với quy định cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trong Nghị định 100, còn có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến việc đảm bảo cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em như: Luật Lao động (thời gian lao động nghỉ thai sản, cho con bú); Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Quảng cáo; Luật An toàn thực phẩm; Luật thương mại…