Hầu hết doanh nghiệp mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, đầu tư kỹ thuật và công nghệ để chế biến sâu
Việt Nam đã gia nhập sâu rộng thị trường chung thế giới. Trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, các mặt hàng nông sản nổi bật của Việt Nam như lúa gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, thủy hải sản, rau củ, trái cây… đã có mặt trên hơn 100 quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giờ này, đa số sản phẩm nông sản thực phẩm được xuất đi dưới dạng tươi, thô hoặc sơ chế chứ chưa qua tinh chế, chế biến sâu nên lợi nhuận thu về còn rất thấp. Hầu hết doanh nghiệp (DN) mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, kỹ thuật, công nghệ để chế biến sâu. Đặc biệt, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mặc dù mỗi năm rót vốn khá nhiều vào Việt Nam nhưng lại không mặn mà với lĩnh vực này.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam thu hút vốn FDI được gần 290 tỉ USD và giải ngân gần 160 tỉ USD. Thế nhưng, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm chỉ được 7,6 tỉ USD với 521 dự án.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Singapore đang dẫn đầu về các dự án đầu tư ở Việt Nam, kế đến là Hà Lan, Hàn Quốc… FDI trong chế biến thực phẩm chỉ tập trung ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và tập trung ở lĩnh vực rượu bia, đồ uống. Trong khi đó, các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm quan trọng khác chưa được đầu tư nhiều; hoạt động đầu tư FDI cũng ít gắn kết với vùng nguyên liệu và đặc biệt rất nhiều đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới nhưng ít tham gia lĩnh vực này ở Việt Nam.
Hơn 90% cà phê Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu thô chứ không qua chế biến Ảnh: HOÀNG THANH
Theo ông Đặng Xuân Quang, một phần nguyên nhân khiến các DN FDI chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm là do nguồn nguyên liệu nông - thủy sản Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu. Song song đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng và phụ thuộc vào từng địa bàn cụ thể nên chưa thật sự “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư và DN phù hợp với luật pháp Việt Nam. Đồng thời, các DN, cơ sở sản xuất trong nước cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông - thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nông sản thực phẩm đa dạng, dồi dào; còn đi trước các nước trong việc tham gia những hiệp định thương mại lớn trên thế giới, được nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước cũng như tiếp cận những chính sách và thu hút đầu tư… Vì vậy, đây là thời điểm đúng đắn để đầu tư vào nguồn nhân lực và mảng chế biến tinh ngành công nghiệp thực phẩm.