Doanh nghiệp bia kêu khó vì thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 17/03/2016 08:13 AM (GMT+7)

Các doanh nghiệp bia rượu đồng loạt xin lùi thời hạn thực hiện quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt đến 1-7-2016 với lý do chưa kịp chuẩn bị.

Ngày 16-3, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) và Bộ Công Thương đã tổ chức tọa đàm về một số quy định liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành bia, rượu.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cho biết theo Thông tư 195/2015 của Bộ Tài chính ban hành ngày 24-11-2015 có hiệu lực từ 1-1-2016, giá tính thuế TTĐB được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ với công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu.

Đồng thời giá làm căn cứ tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm mà các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Việc quy định này đem lại một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Theo đó, ông Việt cho rằng vai trò của các hệ thống thương mại trong các DN bia là rất quan trọng, giúp nhà sản xuất chuyên tâm vào sản xuất. Với mức quy định trần trước đây là 10% thì các DN phân phối có quan hệ công ty mẹ, con với công ty sản xuất được cho là đủ để có thể trang trải các chi phí phân phối, hoạt động văn phòng, bán hàng...

Tuy nhiên, khi áp mức chênh lệch 7% như quy định hiện nay thì các DN này sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp các chi phí kể trên dẫn đến việc giảm sút doanh thu và ngân sách đóng góp cho Nhà nước.

Doanh nghiệp bia kêu khó vì thuế tiêu thụ đặc biệt - 1

Theo ông Việt, các DN ngành đồ uống sẵn sàng đối thoại với Bộ Tài chính để đánh giá tác động cũng như chỉ ra những bất cập của quy định. (ảnh minh họa)

Việc áp quy định mức chênh lệch giá 7% sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả DN trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Hơn nữa, điều này sẽ dẫn đến việc các DN gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…

Đại diện VBA cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn đang tuân theo theo lộ trình tăng của Luật thuế TTĐB sẽ tăng dần lên 65% trong ba năm tới, bắt đầu từ 1-1-2016. Thời điểm này trùng với thời gian áp dụng các quy định mới mức chênh lệch 7% khiến các DN nhập khẩu và sản xuất trong ngành đồ uống sẽ phải chịu mức thuế TTĐB cao hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

Do đó, VBA đề xuất Bộ Tài chính cho phép lùi thời gian thực hiện Thông tư 195 đến ngày 1-1-2017 để các DN có đủ thời gian chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời đề nghị xem xét lại quy định về cách thức tính thuế TTĐB đối với các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con để tạo điều kiện cho các DN hoạt động có hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế - Phòng Thương mại & Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng sự thay đổi về giá tính thuế TTTĐB như quy định Thông tư 195 sẽ làm tăng hơn nữa chi phí của DN. Thông tư 195 ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực sẽ là một gánh nặng và thậm chí DN không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như thế.

"Việc ban hành văn bản pháp lý phải tuân thủ thông lệ các nước. Có nghĩa là việc đưa ra văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp, đưa ra nhanh quá có thể làm cho DN đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn và thậm chí rời khỏi thị trường" - Ông Tuấn nói.

Theo ông Việt, các DN ngành đồ uống sẵn sàng đối thoại với Bộ Tài chính để đánh giá tác động cũng như chỉ ra những bất cập của quy định. VBA đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ Tài chính nhưng Bộ vẫn không tiếp thu.

Ông Trương Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cũng cho rằng cần có cuộc đối thoại mời chuyên gia và các bên liên quan để nghe, rút kinh nghiệm, từ đó có kiến nghị, trình Quốc hội sửa đổi phù hợp trong kỳ họp tháng 3-2016.

Theo Trà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thuế