Hạn hán, ngập mặn bủa vây gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Hàng chục ngàn hécta lúa, trái cây, thủy sản... tại miền Tây đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Điều này không chỉ khiến nông dân lao đao mà doanh nghiệp xuất khẩu cũng lo sốt vó.
Đến cây dừa nước cũng chết
Những ngày này, đi dọc theo tuyến nam sông Hậu đoạn qua huyện Long Phú (Sóc Trăng), chúng tôi thấy nhiều con kênh cạn trơ đáy.
Anh Phạm Thanh Sơn, nhà ở ngay chân cống ngăn mặn Đại Ngãi than thở: “Trước tết mặn đã bủa vây khu vực này nhưng nặng nhất là từ thời điểm sau tết khiến cây ăn trái của người dân thiệt hại nặng nề, không ra trái, chết héo. Đến cây dừa nước còn chết thì còn cây gì sống nổi”.
Anh nông dân tên Liêu Sơn ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú giữa trưa nắng hầm hập vẫn ngồi canh ở cánh đồng lúa, thấp thỏm mong trời mưa với hy vọng cứu được phần nào 17 công lúa.
Anh Sơn lo lắng: “Lúa đang trổ đòng nhưng hạt không ngậm sữa được vì thiếu nước ngọt. Ngược lại nước mặn đã xâm nhập sâu, không thể tưới cho lúa khiến lúa khô héo dần, chắc là thiệt hại hoàn toàn chứ không cứu được. Gần đến ngày được ăn rồi mà ăn không được. Vụ này gia đình tui cầm chắc lỗ trên 20 triệu đồng”.
Tình hình nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn bủa vây cũng gây lo lắng cho người nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có “vương quốc tôm” Cà Mau. Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cảnh báo nắng nóng có thể sẽ tiếp tục kéo dài, độ mặn tăng cao khiến một số vùng nuôi cá nước ngọt sẽ bị thiếu nước trầm trọng, gây thiệt hại lớn cho nông dân, nhất là những người nuôi cá chình, bống tượng, sặc rằn…
Trong khi đó, tại huyện Bình Đại, Bến Tre nhiều diện tích nuôi hàu bị mất trắng, thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho biết những đơn vị thu mua lúa gạo ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... năm nay sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì hạn hán, mặn.
Thực tế, trong những ngày qua giá lúa gạo tăng mạnh và khó mua một phần do khô hạn, mặn lịch sử làm sụt giảm sản lượng lúa. Ví dụ giá lúa tươi Jasmine bán tại ruộng tăng khoảng 400-500 đồng/kg, lên mức từ 5.100 đến 5.200 đồng/kg.
Hệ thống kênh, rạch của huyện Long Phú bị cạn khô mấy tháng nay. Ảnh: HẠNH TÂM
Tìm cách sống chung với hạn, mặn
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho biết đây là năm thứ hai ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn, hạn hán. Các nước dọc sông Mekong cũng bị ảnh hưởng rất lớn như Thái Lan.
Ngoài yếu tố thời tiết thất thường thì chính con người đã làm ảnh hưởng đến quy luật tự nhiên. Trên dòng sông Mekong có tới tám đập thủy điện của Trung Quốc, ba đập của Lào… làm giảm nguồn nước xuống vùng hạ lưu.
Ngoài ra, lượng nước cũng bị vơi bớt khi Thái Lan, Campuchia bơm cho các vùng nông sản đang bị hạn hán của họ.
GS Xuân cảnh báo: “Nếu El Nino kéo dài và nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong tiếp tục được xây dựng thì ĐBSCL của Việt Nam là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về xâm nhập mặn và hạn hán.
Vì vậy phải có giải pháp kịp thời, hợp lý. Chẳng hạn không nên giữ mãi suy nghĩ phải có 7-8 triệu tấn gạo để xuất khẩu mỗi năm, bởi việc giữ nước ngọt là điều không tưởng. Bằng chứng là mấy năm nay, hàng chục ngàn tỉ đồng đổ vào thủy lợi để ngọt hóa nhưng kết quả không được như mong muốn”.
Theo GS Xuân, cần giải pháp “sống chung” với hạn, mặn. Chẳng hạn làm tốt thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm, cua và các loại thủy sản… có lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa. Nếu làm tốt hệ thống thủy lợi và chuyên nghiệp hơn, đưa nước mặn “sạch” vào nuôi tôm; đưa nước thải, bẩn ra thì chắc chắn con tôm đã không bị dịch bệnh trong nhiều năm qua.
Đại diện một DN chế biến xuất khẩu nông sản cũng đúc kết: “Giải pháp cho bài toán xâm nhập mặn chính là nuôi trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu”.
Trái cây, thủy sản cũng điêu đứng Không chỉ cây lúa, đại diện một công ty xuất khẩu nông sản cho hay cây ăn quả cũng bị thiệt hại lớn. Tại Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến bưởi da xanh, sầu riêng, xoài... Cụ thể, hoa rụng mạnh, đậu quả kém làm giảm năng suất, chất lượng các loại trái cây. Bởi vậy không chỉ người nông dân mất mùa mà DN cũng đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu để xuất khẩu. Ngành thủy sản mà cụ thể là con cá tra cũng đang gặp khó khăn do xâm nhập mặn và sản lượng giảm. Hiện tại giá cá tra đang tăng trở lại ở mức trên 20.000 đồng/kg. Nhiều DN dự báo sản lượng cá tra từ nay đến hết quý 3-2016 chỉ đáp ứng được 50%-60% so với nhu cầu chế biến của các công ty xuất khẩu. Nếu tình hình xâm nhập mặn, nắng nóng tiếp tục kéo dài có thể sẽ làm sản lượng cá tra toàn vùng ĐBSCL giảm 30%. |