Mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần, giá vàng SJC quay đầu giảm mạnh 190 nghìn đồng cả hai chiều.
Cụ thể, giá vàng SJC trên hệ thống của SJC tại TP. HCM sáng nay (20/6) đã giảm mạnh ở cả chiều mua vào bán ra về 34,18-34,48 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn SJC cũng giảm về 34,18-34,48 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC giảm mạnh về 34,18-34,50 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại hệ thống Doji, giá vàng SJC và giá vàng Doji sáng nay giảm tới 200 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 180 nghìn đồng chiều bán ra về 34,35-34,45 triệu đồng/lượng…
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay tại Hồng Kông lúc 8h sáng nay (theo giờ Việt Nam) đã quay đầu giảm 11,8 USD (0,91%) xuống 1.286,3-1.287,3 USD/ounce. Mức giá cao nhất ghi nhận được từ đầu phiên là 1.299,1 USD.
Sáng 20/6, giá vàng bất ngờ lao dốc. Ảnh minh hoạ
Như vậy, tính tới thời điểm này, do tốc độ giảm mạnh hơn của giá vàng thế giới, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được rút ngắn lại còn 10 nghìn đồng, theo hướng giá vàng trong nước thấp hơn.
Liên quan tới các thông tin về cuộc bỏ phiếu Brexit, cuối tuần trước, các phong trào vận động cử tri Anh bỏ phiếu ở lại hoặc rời khỏi EU đã được nối lại sau hai ngày tạm dừng vì vụ ám sát nữ nghị sĩ Công đảng Jo Cox, một người ủng hộ ở lại EU và là nhà vận động không mệt mỏi bảo vệ người nhập cư ở Anh.
Theo kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của tổ chức Opinium/Observer trước ngày diễn ra trưng cầu ý dân 23/6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ rời khỏi EU và ở lại hiện ngang bằng nhau là 44% trong khi 10% chưa quyết định, cả hai phe đang tận dụng những ngày ít ỏi còn lại để lôi kéo những cử tri còn do dự cũng như thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn của mình.
Sau hai lần cảnh báo liên tiếp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng kịch bản Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm giảm thu nhập của người dân Anh trong thời gian dài và tác động tiêu cực mạnh mẽ đến nhiều nền kinh tế châu Âu khác, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan cũng cho rằng, Brexit có thể ví như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers ở châu Âu, qua đó châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và lan rộng ra toàn cầu hồi năm 2008.