Các bà nội trợ lại “sốt xình xịch” sau thông tin lực lượng chức năng tại Hà Nội bắt quả tang một cơ sở đang bơm tạp chất vào tôm. Sự việc đang tăng thêm mối lo đối với người tiêu dùng, đặc biệt khi dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Mới đầu năm đã nóng chuyện thực phẩm bẩn
Có lẽ, chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với người nội trợ như hiện nay, khi mà đi đâu họ cũng nhìn thấy, nghe thấy những chuyện liên quan đến thực phẩm bẩn. Nào là thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây "tắm" trong hóa chất độc hại…
Lực lượng chức năng sẽ xử phạt mạnh tay đối với những trường hợp vi phạm về vệ sinh ATTP. Ảnh: K.O
Mới đây nhất, vào sáng 17/1, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Đội quản lý thị trường (QLTT) số 15, Chi cục QLTT Hà Nội và Công an phường Hoàng Văn Thụ bắt quả tang một cơ sở ở đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có 4 nhân viên đang bơm tạp chất vào tôm.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở có khoảng 100 kg tôm chứa trong các thùng xốp đá, 1 thùng bột màu trắng là tạp chất để pha chế rồi bơm vào tôm. Tạp chất được xác định là một loại bột màu trắng, hòa vào nước đun sôi, để nguội cho đóng băng rồi bơm vào phần bụng của con tôm để làm cho tôm căng, mọng và tăng trọng lượng.
Trước đó, vào ngày 6/1/2018, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã thu giữ 1,3 tấn nội tạng động không rõ nguồn gốc. Chủ của lô hàng khai nhận số hàng trên thu mua ở Đồng Nai, đang tập kết ở Hà Nội để chuyển lên Cao Bằng tiêu thụ.
Cũng trong ngày 6/1, Đội Quản lý thị trường số 23 phối hợp cùng Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) kiểm tra cơ sở hộ kinh doanh Hoàng Hải tại địa chỉ số 43, khu liền kề 3, đô thị mới Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 7 tấn kẹo đã chảy nước, bốc mùi chua; gần 3 tấn bột trắng nghi là đường đã vón cục và 60 thùng bánh các loại cùng các vỏ hộp, nhãn mãc, máy móc đóng gói dập hạn sử dụng.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 1/2018, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất và thu giữ số lượng lớn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc và sử dụng chất tẩy trắng.
Mỗi lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu là thêm một lần người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin, thêm âu lo cho bữa ăn của gia đình.
Trong năm 2017, cả nước đã tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền phạt trên 61 tỷ đồng. Số vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm cứ tăng theo từng năm. Qua đó có thể thấy tình trạng mất ATTP đã tới mức báo động đỏ trong đời sống của người dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe của cộng đồng.
Nỗi lo thực phẩm Tết
Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, cũng là lúc hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn, thâm nhập thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng càng thêm lo cho bữa ăn của gia đình.
Ba năm nay, cứ đến gần Tết, gia đình chị Nguyễn Minh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch từ quê để sử dụng trong những ngày Tết. “Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là gia đình mình lại nhờ ông bà ở quê đặt trước cho nào là thịt gà, thịt bò, rồi rau, củ, trái cây. Ở quê mua được của người quen nên cũng yên tâm chứ mua ở chợ trên này, chẳng biết đường nào mà lần”.
Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng may mắn như chị Hòa tìm được những mối thân quen để tìm mua thực phẩm sạch. Nhiều người tiêu dùng đôi khi cũng phải “khuất mắt trông coi” khi lựa chọn thực phẩm.
“Nhiều khi đi chợ tôi cũng chỉ biết đặt niềm tin chọn những thương hiệu lớn với hy vọng họ sẽ làm ăn chân chính. Mua thực phẩm ở ngoài chợ thì đúng là không biết đường nào mà lần. Nhưng ngay cả những thương hiệu nhiều lúc cũng không biết liệu có thực sự an toàn hay không?” chị Hường (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết.
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã đồng loạt ra quân, kiểm tra vệ sinh ATTP dịp Tết Nguyên đán. Theo đó Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào tiêu thụ tại Thủ đô trong dịp Tết.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 hy vọng sẽ là liều thuốc đặc trị đối với các vụ vi phạm ATTP.
Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đảm bảo ATTP còn cần sự chung tay góp sức của những người kinh doanh, người tiêu dùng. Hãy là những người tiêu dùng thông thái, tẩy chay với thực phẩm bẩn. Với các cơ sở kinh doanh, cần tuân thủ các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mọi người và cũng là cho cả chính mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, trong năm 2018, cần tăng cường các giải pháp phối hợp đồng bộ trong sản xuất sạch gắn với chương trình phối hợp Chính phủ đã ký với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để “xóa rau hai luống, lợn hai chuồng”. Cùng với đó, công tác quản lý thức ăn đường phố phải được thực hiện thường xuyên tránh tình trạng “rộ lên một hồi rồi đâu lại vào đấy”. Đồng thời, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đấu tranh với hành vi sản xuất rượu giả gây ra những vụ ngộ độc dẫn đến chết người thương tâm, siết chặt quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể tại những sự kiện tập trung đông người. |