Chỉ số Misery Index của Bloomberg xếp Việt Nam ở vị trí 12 trong số các nước hạnh phúc nhất thế giới, nhờ lạm phát và thất nghiệp thấp.
Theo Misery Index (tạm dịch: Chỉ số khổ sở) mà hãng tin Bloomberg công bố đầu tháng 3 vừa qua, Thái Lan là đất nước hạnh phúc nhất thế giới trong khi Venezuela khốn khổ không ai bằng.
Chỉ số “khổ sở”
Được kết hợp từ dự báo lạm phát và thất nghiệp của các nước trong năm 2017, Misery Index xếp hạng 65 quốc gia và nước nào hạng càng cao càng “khổ sở”.
Nhiều nghiên cứu khác cho rằng Thái Lan nằm trong số những nước có tình trạng phân phối của cải bất bình đẳng nhất thế giới, đồng thời là nước mắc kẹt sâu nhất trong bẫy thu nhập trung bình trong khối ASEAN. Dù vậy, Bloomberg lưu ý Thái Lan xếp cuối bảng “khổ sở” nhờ “cách tính tỉ lệ thất nghiệp có một không hai” cũng như tỉ lệ lạm phát ổn định quanh mốc 1,5%. Kể từ năm 2011, tỉ lệ người không có việc làm ở Thái Lan luôn ở mức dưới 1% và thuộc loại thấp nhất thế giới. Đó là do nền nông nghiệp Thái Lan sử dụng rất nhiều nhân công và những ai không làm công ăn lương đều tìm được việc ở khu vực không chính thức - chiếm tới 2/3 lực lượng lao động nước này - như bán thức ăn đường phố, chạy xe “ôm”... Ngược lại, những khủng hoảng chính trị và kinh tế - chủ yếu do giá dầu lao dốc - đẩy Venezuela lên vị trí “khổ sở nhất thế giới” năm thứ 3 liên tiếp.
Đặc biệt, trong bảng xếp hạng của Bloomberg có một sự xuất hiện mà hãng tin uy tín này gọi là “thay đổi lớn của năm 2017”, đó là Việt Nam lần đầu tiên gia nhập nhóm các nền kinh tế hạnh phúc nhất thế giới cùng một số láng giềng châu Á khác. Bí quyết giúp Việt Nam mới góp mặt lần đầu đã đứng vị trí 12 trong số các nước hạnh phúc nhất là lạm phát và thất nghiệp thấp. Năm ngoái, Misery Index không xếp hạngViệt Nam và nhiều nền kinh tế khác.
Một xí nghiệp giày ở Hà Nội Ảnh: REUTERS
Nhìn ăn sáng đoán giàu có
Một chỉ số độc đáo khác được Bloomberg công bố vào đầu tháng 3 vừa qua để đánh giá các nền kinh tế là Global City Breakfast (tạm dịch: Bữa sáng đô thị toàn cầu). Thông qua việc tính toán chi phí bình quân, bao gồm 1 ly sữa, 1 quả trứng, 2 lát bánh mì và 1 miếng trái cây, chỉ số nói trên xếp hạng 129 thành phố và trung tâm tài chính. Các món ăn được chọn, theo Bloomberg, là do chúng là những sản phẩm nông nghiệp có mặt rộng rãi nên dễ so sánh giá giữa các thành phố.
Chỉ số bữa sáng trông có vẻ bình thường nhưng qua đó hé lộ khoảng cách không nhỏ giữa các thành phố “tuyến đầu” và “đội sổ”. Xếp đầu bảng, người dân Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất chỉ phải chi chưa tới 1% thu nhập hằng ngày để ăn sáng (tức 1,16/125,37 USD). Ở vị trí cuối, cư dân thủ đô của Venezuela phải chi tới 111% thu nhập mỗi ngày cho bữa sáng. Khu vực Nam Mỹ chứng kiến mức độ chênh lệch lớn nhất, với Caracas ở đầu dưới và Monterrey - Mexico ở đầu trên (2,4%). Xét về mặt thời gian, cư dân Abu Dhabi, Osaka - Nhật Bản và Zurich - Thụy Sĩ làm việc chưa tới 5 phút đã đủ tiền cho bữa ăn đầu tiên trong ngày thì dân ở Accra - Ghana cần tới gần 1 giờ và người dân Caracas cần gần… 9 giờ.
Tại châu Á, trong khi dân Osaka chi chưa tới 1% thu nhập hằng ngày cho bữa sáng thì tỉ lệ này tại thủ đô Hà Nội ở Việt Nam là 12%. Nếu so với các thành phố có chi phí cho bữa sáng thấp nhất thế giới (tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ và Tây Âu, với dưới 1,8% thu nhập hằng ngày), cả Hà Nội lẫn TP HCM đều nằm ở nhóm cao nhất (4,4% trở lên).
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi chỉ số bữa sáng. Một trong số các lý do là những món ăn được Bloomberg liệt kê trong khẩu phần không thể đại diện cho bữa sáng trên khắp thế giới nói chung và cũng không phải những thứ người Việt hay ăn vào đầu ngày nói riêng. Thay vì bánh mì, trứng, sữa, trái cây, người Việt thích các món nước hơn, như phở, bún hay hủ tiếu, bánh canh… Và những món này có thể thấp hơn giá trong khảo sát của Bloomberg.