Kỳ 2: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của người kinh doanh

Ngày 12/06/2016 00:12 AM (GMT+7)

"Người tiêu dùng phải tự trách mình trước, ai bảo họ tham đồ rẻ. Lợn của chúng tôi bán 80 đến 100.000/kg, họ kêu đắt. Họ chọn những chỗ bán với giá chỉ bằng nửa chúng tôi thì bị thịt bẩn là đúng rồi” - bà Tiêu, người có hàng chục năm hành nghề bán thịt chia sẻ.

Kinh doanh đổ lỗi cho tiêu dùng ham của rẻ

Sau khi thực hiện loạt bài phỏng vấn người dân về tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay, để có cái nhìn khách quan nhất, PV đã tìm đến các chợ đầu mối thực phẩm lớn trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu đường đi của các loại thực phẩm đang được bày bán tại đây.

Tại chợ thực phẩm Dịch Vọng, tất cả các quầy hàng khu vực bán thịt lợn chỉ còn chưa đầy 10kg, mặc dù lúc này chỉ mới 8 giờ sáng. Biết nhóm PV đang tìm hiểu về vấn đề thực phẩm bẩn, khá nhiều tiểu thương dõi theo với ánh mắt dè chừng.

Sau khi hỏi chuyện và nói về nội dung PV sẽ làm trong loạt phóng sự chuyên đề của mình, chị Hoa (một tiểu thương buôn thịt lợn) cho biết “Các anh nhìn tôi, nhìn hàng hóa và cả biển hiệu quầy hàng nhà tôi thì biết tôi bán hàng như thế nào”.

Kỳ 2: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của người kinh doanh - 1

Bà Tiêu cho rằng, những loại thịt lợn có giá rẻ là thịt lợn chết, lợn bệnh.

Thấy PV quan sát biển hiệu của sạp thịt này, ngay lập tức chị Hoa (chủ sạp thịt) lý giải “Thịt của tôi là do công ty cung cấp, có chứng nhận đàng hoàng chứ có phải hàng linh tinh đâu”. Nói là vậy, nhưng sau khi câu chuyện trở nên rôm rả hơn, chị Hoa đã trót “lỡ lời” cho biết “Thịt tôi lấy ở lò đàng hoàng đó”. Khi PV hỏi lò nào, ở đâu thì chị Hoa cho biết đó là lò mổ ở Mỗ (Đại Mỗ - PV).

PV tiếp tục tới một sạp thịt khác nhìn bề ngoài rất khang trang. Được biết, chủ sạp thịt này là bà Tiêu, người có hàng chục năm hành nghề bán thịt. Khi PV đề cập tới vấn đề lợn nuôi chất tạo nạc, lợn bệnh nhưng vẫn được bán ra thị trường, bà Tiêu lập tức lên tiếng trách móc “Người tiêu dùng phải tự trách mình trước, ai bảo họ tham đồ rẻ. Lợn của chúng tôi bán 80 đến 100.000/kg, họ kêu đắt. Họ chọn những chỗ bán với giá chỉ bằng nửa chúng tôi thì bị thịt bẩn là đúng rồi”.

Bà Tiêu cũng tiết lộ, những mặt hàng thịt có giá 25 đến 40.000 đồng/kg đa số là lợn bệnh, lợn chết và đối tượng tiêu thụ chính là những người nghèo làm thuê công trình và những quán cơm xuất, cơm hộp.

Kỳ 2: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của người kinh doanh - 2

Chủ sạp hàng này cho biết, những người làm giả thịt bò là vô lương tâm.

Trước vấn đề này, chị Hạnh bán thịt bò cũng lên tiếng cho rằng “Lỗi do người dân tham rẻ nên phải chấp nhận ăn bò làm từ thịt lợn”. Đồng thời, chị Hạnh liên tục khoe về việc sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận đàng hoàng và thật 100%. Tuy nhiên, khi PV hỏi về Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kiểm định thì tất cả các chủ sạp hàng đều lấy lý do từ chối đưa ra, người thì bảo đã đưa vào nhà hàng, người thì nói chồng đã cầm về…

Chúng tôi sẵn sàng kiểm định và ăn tại chỗ

Đó là ý kiến của những người nông dân, những người trồng rau khi PV tiến hành khảo sát về sự ảnh hưởng của thực phẩm bẩn đối với việc sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, chị Hồng đang ngồi trước sạp rau vẫn còn "ngụt đầu" chia sẻ: “Đấy, bán buôn mà giờ vẫn còn bấy nhiêu đấy. Nông dân chúng tôi là người khổ nhất. Rau của chúng tôi tự trồng mang ra chợ bán, có một số là nhập lại của bà con tại ruộng, nhưng đều biết nguồn gốc hết. Là con người, chẳng ai vô nhân đạo đến mức phun thuốc vào rau rồi đem bán luôn".

Kỳ 2: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của người kinh doanh - 3

Chủ sạp rau này chia sẻ, thương lái chỉ kích phọt rau vào mùa đông.

Theo các chủ sạp rau, trong thời gian này không ai kích phọt và phun thuốc cho rau cả, nếu có làm thì chỉ có làm mùa đông khô hanh, còn thời gian này mà dùng thuốc kích thích rau sẽ rất nhanh hỏng do ảnh hưởng thời tiết. “Tôi đảm bảo, mùa này không ai kích rau đâu, người dân cứ yên tâm mà ăn, không sợ độc đâu”, chị Hồng cho biết thêm.

Còn tại làng Trung Văn, chia sẻ với PV ngay tại khu trồng rau muống, bác Lâm cho biết, thông tin thực phẩm bẩn tràn lan khiến cho thương lái hạ giá và người nông dân chịu thiệt rất nhiều, nếu trừ công cán, phân bón cộng với thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ không còn lãi.

Kỳ 2: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của người kinh doanh - 4

Những người nông dân thừa nhận có phun thuốc, nhưng chỉ phun sau khi đã thu hoạch.

Nói về việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bác Lâm nói: “Tôi khẳng định là có phun, nhưng chúng tôi chỉ phun sau khi thu hoạch và sau đó phải 20 ngày rau mới bắt đầu vào vụ mới, nên không sao cả. Nếu không tin, tôi sẵn sàng nấu ăn ngay tại chỗ, chứ đến nước này tôi nói dối làm gì”.

Khi PV đặt câu hỏi về việc tham gia trồng rau sạch và ký kết với các công ty để đảm bảo đầu ra, đa số những người nông dân đều nói đó là điều ai cũng mong muốn. “Thực tế bây giờ đất chật người đông, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chúng tôi mỗi người vài mảnh ruộng thì không thể đầu tư và ký kết với ai được cả, đó là cái khó của chúng tôi”, bác Lâm phàn nàn.

Cuối cùng, khi chia sẻ về vấn nạn thực phẩm bẩn, những người nông dân như bác Lâm thẳng thắn lên án: “Đó là một sự thật, chúng tôi lên án những việc làm và hành động này, vì những con người hám lợi như vậy mà chúng tôi bị ảnh hưởng, tôi đề nghị nhà nước cần phạt thật nặng những kể dối trá, vô lương tâm đó”.

Kỳ 3: "Mua hóa chất dễ như mua mớ rau"

Theo Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (21/11), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh gần 1 triệu đồng/lượng lên sát mốc 86 triệu đồng/lượng.

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm